Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Điện ảnh Việt thiếu tài tử, minh tinh'

Ngoài việc thiếu những gương mặt có vị trí như tài tử, minh tinh, theo đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, hệ thống sản xuất kịch bản của điện ảnh Việt đang rất kém.

'Cát-xê diễn viên Việt không đủ sống một năm' Trong cuộc phỏng vấn với Zing, đạo diễn "Bằng chứng vô hình" cho rằng điện ảnh Việt đang thiếu những gương mặt vừa đẹp vừa tài năng.

Zing ngồi lại với Trịnh Đình Lê Minh - đạo diễn của Bằng chứng vô hình - khi giới bình phim vẫn đang tranh luận đó là tác phẩm hay hay dở.

Đạo diễn sinh năm 1986 thừa nhận áp lực khi phim của mình đang không có doanh thu phòng vé như mong đợi nhưng hy vọng những tác phẩm điện ảnh khác của đồng nghiệp trong năm nay sẽ thu hút được khán giả Việt.

"Tôi thừa nhận Bằng chứng vô hình không phải một cú hích"

- Anh nghĩ gì về những tranh cãi cho chất lượng của “Bằng chứng vô hình”?

- Tôi đón nhận, vì một bộ phim ra rạp, có được tranh luận của mọi người là tốt, không phải xấu. Chỉ sợ nhất là phim ra ai ai cũng chê hoặc không ai buồn bàn luận, chứ nhận được đánh giá tích cực hay phê bình đều quý cả.

- Có người bảo anh “hớ” vì năm ngoái khi ra mắt “Thưa mẹ con đi”, anh than phim không được các rạp tạo điều kiện, ít suất chiếu, phải đối đầu với nhiều phim ngoại. Trong khi năm nay, bom tấn ngoại không có, “Bằng chứng vô hình” có nhiều suất chiếu nhưng kết quả... vẫn không thu hút được khán giả?

- Đúng là năm ngoái khi Thưa mẹ con đi, phim đầu tay của tôi, ra rạp tôi có kêu gọi mọi người hãy đặt vé trước đi vì lúc ấy có rất nhiều phim ngoại cùng ra. Sau khi tôi và nhiều người kêu gọi thì suất chiếu ở các rạp cho Thưa mẹ con đi đã tăng gấp đôi. Như vậy, nghĩa là có hiệu quả.

Với Bằng chứng vô hình thì đúng là số lượng vé bán được đã không đạt như kỳ vọng.

- Vậy, câu hỏi được đặt ra là “Ai đã quay lưng với phim Việt?” khi mà các rạp đã tạo kiều kiện, khi không có đối thủ ngoại mạnh nhưng phim Việt vẫn… thua?

- Trước hết, tôi cũng phải nói rằng Bằng chứng vô hình của mình chưa tạo được một cú hích mạnh mẽ dù nhiều người đồng tình rằng đó là một bộ phim chỉn chu. Nhưng để trả lời cho câu hỏi ấy thì cũng khó lắm, thị trường của mình khá phức tạp.

Nhà làm phim nào cũng muốn đảm bảo những yếu tố để thu hút khán giả nhưng nếu ở thời điểm hiện tại phim của tôi chưa làm được thì tôi hy vọng các nhà làm phim Việt khác có thể làm được điều đó trong năm nay.

- Giới trong nghề cũng có người thương anh vì hiện tại chưa phải thời điểm vàng để ra mắt phim. Nhưng cũng có góc nhìn phản biện rằng, dịch đã hết rồi và các quán nhậu đã… chật kín người?

- Như tôi nói đó, thị trường nhìn chung khó đoán. Thời gian vừa qua, khán giả cũng đã quen với những ứng dụng, chương trình trên mạng, thậm chí nhiều quá, xem còn chẳng hết.

Ra rạp trong thời điểm hiện tại, đôi khi cần một lý do đặc biệt hơn, cho những phim bom tấn Mỹ chẳng hạn, với những kỹ xảo tuyệt vời, thay vì Bằng chứng vô hình.

Còn chuyện nhậu thì lại khác, tôi sẽ không đặt cạnh việc các quán nhậu đông khách. Tôi chẳng bao giờ so sánh như vậy. Với nhiều người, đi nhậu và gặp gỡ bạn bè bao giờ chả cấp thiết hơn xem phim (cười).

- Zing đánh giá phim của anh 6/10, trên mạng có người chứng minh phim anh được 8,5/10 và thuộc nhóm phim có chất lượng tốt, nhưng cũng lại có cả bài review 2/10. Anh nghĩ sao?

- Bình thường mà, có người cảm thấy hồi hộp, có người lại cảm thấy phim chán, có người thấy hay, có người lại khẳng định là không thuyết phục.

Phim ảnh cũng tùy khẩu vị và sở thích của từng người. Mỗi đạo diễn cũng có cá tính riêng và cũng thường chỉ phù hợp với một tệp khán giả, chứ không bao giờ làm hài lòng được tất cả.

Một số khán giả thấy được điều gì đó trong phim, một số lại cần những điều khác. Tất nhiên, lúc nào tôi cũng muốn làm một phim mà nhiều người thích nhất.

Noi buon dien anh Viet anh 3
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh gửi lời cảm ơn đến Hội đồng duyệt phim Quốc gia vì đã không yêu cầu thay đổi cái kết. Ảnh: Di An.

"Hội đồng duyệt phim đã hiểu nên không cắt cảnh"

- Anh nghĩ sao về đánh giá: Với “Thưa mẹ con đi”, Trịnh Đình Lê Minh có bộ phim nhẹ nhàng mà thuyết phục như một đạo diễn dày dạn với nghề, trong khi “Bằng chứng vô hình”, tác phẩm thứ hai, lại non nớt như phim đầu tay?

- Bằng chứng vô hình thuộc về một thể loại khác so với Thưa mẹ con đi. Tôi nghĩ phim đã đảm bảo được yếu tố hồi hộp, kịch tính của một phim hành động, nó có điểm mạnh và cả điểm chưa mạnh.

Nhưng với thể loại này, nếu bị nhận xét là non tay, tôi cũng cho là điều bình thường vì tôi còn phải phát triển nghề nghiệp nhiều hơn nữa.

- “Không mua vé vì dàn cast không hấp dẫn”, đó là nội dung một bình luận trên mạng. Anh nghĩ sao?

- Đúng là phim này của tôi ít có tên tuổi bảo chứng phòng vé. Nhưng tôi hài lòng với dàn diễn viên của mình. Họ đều phải trải qua quá trình casting nghiêm khắc, với chính cả diễn viên mà tôi đã nhắm - gạch đầu dòng để chọn ngay từ đầu như Phương Anh Đào.

Cô ấy rất hợp với vai này, nhưng tôi vẫn cho rằng cô ấy quá an toàn. Tôi không thích sự ổn định của Phương Anh Đào, tôi muốn một gương mặt có thể gây ra rủi ro nhưng cũng có thể bùng nổ. Và sau đó, Phương Anh Đào đã có những thay đổi rất tốt cho vai diễn này.

Quang Tuấn thì lại là trường hợp khác. Lúc đầu tôi không hề muốn Tuấn nhận vai bác sĩ Lê vì trước đó Tuấn đã đóng Thất sơn tâm linh. Nhưng sau khi casting nhiều người, cuối cùng Quang Tuấn vẫn là người nổi bật nhất ở khả năng biến hóa. Mà với một diễn viên, tôi cho rằng sự biến hóa là quan trọng.

Ái Phương hay Otis cũng vậy, họ đều đã vượt qua giới hạn của chính mình, thậm chí còn khiến tôi bất ngờ vì đã hoàn thành nhiều cảnh quay khó bằng trách nhiệm lớn nhất có thể.

"Nguyên tắc của điện ảnh là câu chuyện của ai thì người ấy phải giải quyết".

Trịnh Đình Lê Minh.

- Khen đã khen rồi nhưng để góp ý hoặc có lời khuyên cho dàn diễn viên của mình, anh sẽ nói gì?

- Tôi mong Phương Anh Đào sẽ mềm mại hơn, để phù hợp với nhiều vai diễn hơn.

Với Quang Tuấn, tôi mong Tuấn có một bộ phim nghệ thuật để cởi bỏ lớp diễn mà nhiều người đã thấy. Quang Tuấn đừng đóng vai sát nhân nữa, hãy thay đổi để có vai diễn bứt phá hơn.

- Nhiều diễn viên khen anh hiền. Nhưng với một đạo diễn điện ảnh, tính cách quá hiền liệu có cản trở sự quyết liệt trong việc tạo ra những thước phim chất lượng nhất?

- Hiền, dễ chịu và thoải mái là phong cách mà tôi lựa chọn. Tôi gần như không la hét diễn viên hay ê-kíp nhưng tôi có chiến lược của riêng mình.

Khi không hài lòng, tôi có thể chẳng nói gì cả. Và chính trong hoàn cảnh ấy, khi người diễn viên lẻ loi mà không có sự đồng hành của đạo diễn, nó còn nghiêm khắc hơn sự quát tháo.

Nhẹ nhàng nhưng không có nghĩa là dễ dãi.

- Với những cảnh nóng thực sự gai góc trong phim, chiến lược mà anh nói được áp dụng thế nào?

- Chiến lược là tôi đã tự kiểm duyệt mình nhưng vẫn giữ sự sáng tạo phải có. Nhưng khi các cảnh ấy được giữ lại, tôi phải cảm ơn Hội đồng duyệt phim Quốc gia.

Lần này hội đồng duyệt đã hiểu được ý đồ làm phim, không yêu cầu cắt bỏ. Làm những cảnh như vậy không phải là để hướng dẫn khán giả, mà là để khán giả cảm thấy sợ hãi nhân vật.

- Cái kết thực ra cũng gây bất ngờ vì truyền thống nhiều phim hình sự Việt thường kết thúc với những cảnh quay thể hiện vai trò của công an. Trong khi phim của anh, nhân vật Thu đã tự giải quyết?

- Để giữ được cái kết đó cũng là sự cởi mở khác của hội đồng duyệt phim. Thực ra, điện ảnh có nguyên tắc là câu chuyện của ai người ấy giải quyết, đó là câu chuyện của Thu thì Thu phải giải quyết, nếu công an xuất hiện lúc đó sẽ không thuyết phục về mặt điện ảnh khi mâu thuẫn của người này lại do người kia giải quyết.

- Sự cởi mở của Hội đồng duyệt phim, như anh chia sẻ, có ý nghĩa như thế nào với giới làm phim?

- Tôi cũng thực sự bất ngờ vì Bằng chứng vô hình chỉ phải chỉnh sửa hai chỗ, không bị đột ngột cắt cảnh nào. Với sự cởi mở và thấu hiểu như vậy, tôi tin sẽ là động lực cho giới làm phim.

Nhưng không có nghĩa là tôi sẽ từ bỏ tự kiểm duyệt chính mình. Khi làm phim, tôi luôn hiểu ngưỡng nào thì được cho phép và cố gắng làm chỉn chu nhất.

"Hệ thống làm kịch bản của điện ảnh Việt quá yếu"

- Trở lại với câu chuyện của điện ảnh Việt, nhiều ý kiến cho rằng chúng ta đang thiếu những tài tử, minh tinh đúng nghĩa, tài sắc vẹn toàn để kéo khán giả ra rạp. Anh thấy sao?

- Đúng là khán giả lúc nào cũng hướng đến việc tìm kiếm những diễn viên nam nữ vừa đẹp về ngoại hình, vừa diễn xuất tốt. Nhưng điện ảnh Việt hiện tại không có nhiều lựa chọn.

Điện ảnh Việt thiếu tài tử, minh tinh vì thị trường không có, vì diễn viên vừa có thanh vừa có sắc chạy đua trong guồng quay của những loại hình khác như game show hay khả năng phát hiện của đạo diễn chưa tốt?

- Có lẽ là tất cả lý do ấy. Tất nhiên, một diễn viên đẹp là chưa đủ vì cần tài năng nữa. Nhưng cũng có nhiều diễn viên đang đi vào guồng quay khác, trong khi làm điện ảnh thì phải đầu tư hơn nhiều và cần vốn sống tốt. Ngoài ra, đạo diễn cũng là người phải tìm ra tiềm năng diễn viên, mà tôi cũng là một đạo diễn, trách nhiệm ấy cũng thuộc về tôi.

Nhưng cũng còn lý do khác là cát-xê diễn viên ở Việt Nam cũng không hề nhiều. Do vậy, đôi khi diễn viên phải theo đuổi những cái khác, và sự màu mè làm diễn viên bị xao nhãng.

Chúng ta hiếm diễn viên tài năng, lại hiếm cả diễn viên chấp nhận sự mạo hiểm. Mà khi đã có, thì có chịu hy sinh, cống hiến không. Và khi đã cống hiến, có được khán giả đền đáp không lại là chuyện khác.

- Đó có phải là nỗi buồn của điện ảnh Việt không?

- Đó cũng là nỗi buồn của điện ảnh Việt. Khi casting đạo diễn truyền cảm hứng cho diễn viên nhưng đôi khi đạo diễn cũng cần được truyền cảm hứng lại, mà điều ấy hiếm lắm.

- Và thực trạng khan hiếm kịch bản hay, cũng là một nỗi buồn khác?

- Thực sự mà nói hệ thống làm kịch bản của chúng ta quá yếu. Do vậy, có lẽ thị trường vẫn phải làm phim remake, khoảng 1-2 năm nữa, để có cấu trúc tốt, cũng là cách để chính bản thân người làm phim học hỏi, nhưng về lâu về dài cũng không thể remake mãi được.

- Hỏi anh thêm một câu: Doanh thu "Bằng chứng vô hình" không được như kỳ vọng. Anh có áp lực?

- Áp lực của nhà sản xuất và cho chính tôi. Tôi nghĩ mọi người sẽ phải e dè, suy nghĩ, đắn đo, cẩn trọng rất nhiều sau câu chuyện của Bằng chứng vô hình. Nhưng tôi thật tâm mong những phim Việt khác trong năm nay sẽ thành công phòng vé.

Pha xung đột về diễn xuất của Phương Anh Đào - Quang Tuấn

“Bằng chứng vô hình” đang gây nhiều tranh cãi nhưng không thể phủ nhận, xung đột trong diễn xuất đôi mắt của Phương Anh Đào và Quang Tuấn là chi tiết thú vị.

Giai ma ca si 10X AMEE hinh anh

Giải mã ca sĩ 10X AMEE

0

"DreAMEE" không chỉ là chân dung âm nhạc tuổi 20. Hơn cả, với việc đặt lên kệ một đĩa vật lý, AMEE là giọng ca hiếm hoi thuộc thế hệ 10X của nhạc Việt có album đầu tay.

Quang Đức

Bạn có thể quan tâm