Điểm mặt những vũ khí mạnh nhất của Israel (kỳ 3)
Bên cạnh phi đội máy bay hùng hậu, quân đội Israel còn sở hữu hàng loạt tên lửa hiện đại, đảm trách vai trò bảo vệ bảo vệ không phận hoặc không kích chính xác những mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ đối phương.
Kỳ 3: Đội ngũ tên lửa đa dạng
Nắm giữ công nghệ quân sự tiên tiến cùng quân đội mạnh nhất nhì khu vực, việc Israel sở hữu những hệ thống tên lửa hiện đại và chính xác không phải là điều khó đoán.
Tên lửa không-đối-đất Popeye
Popeye là tên lửa được quân đội Israel phát triển. Sự thành công về mặt công nghệ cũng như hiệu quả tác chiến của Popeye giúp Israel nhận được không ít hợp đồng đặt mua loại vũ khí này. Một số phiên bản Popeye được nghiên cứu chế tạo nhằm phù hợp cho nhu cầu xuất khẩu.
Tính tới thời điểm hiện tại, có 5 quốc gia khác đang sở hữu loại tên lửa Popeye của Israel bao gồm Ấn Độ, Australia, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. Trong khi đó, có nguồn tin cho rằng, một số biến thể trong đó có Popeye Turbo được phát triển nhằm trang bị cho hệ thống tàu ngầm hạt nhân của Israel.
Popeye là tên lửa nhiên liệu rắn được thiết kế cho nhiệm vụ tấn công chính xác các mục tiêu kích cỡ lớn trong tầm hoạt động. Có 3 biến thể chính của loại tên lửa này bao gồm Popeye tiêu chuẩn và Popeye Lite với kích cỡ nhỏ hơn sử dụng nhiên liệu rắn cùng với biến thể sử dụng động cơ phản lực Popeye Turbo.
Sau khi được phóng đi từ máy bay, hệ thống định vị trên tên lửa sẽ tự xác định vị trí mục tiêu dựa vào những dữ liệu từ vệ tinh hoặc đích ngắm hồng ngoại. Trong trường hợp bị hệ thống phòng không của đối phương phát hiện, máy bay chiến đấu có thể rời khu vực ngay sau khi định vị mục tiêu và phóng tên lửa. Popeye sẽ sử dụng nhiều kênh thông tin khác nhau để xác định và tiêu diệt mục tiêu với độ chính xác cao.
Ngoài đầu đạn thông thường, những phiên bản Popeye xuất khẩu còn có thể mang đầu đạn hạt nhân với trọng lượng lên tới 360 kg. Tuy nhiên, tầm bắn của những phiên bản Popeye này chỉ đạt 78 km. Trong khi đó, Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ cáo buộc, phiên bản Popeye Turbo SLCM dành cho tàu ngầm, sử dụng động cơ phản lực nhiên liệu lỏng của Israel được nâng cấp hàng loạt chức năng, khiến nó có phạm vi hoạt động lên tới 1.500 km với đầu đạn hạt nhân nặng 200 kg.
Popeye phiên bản tiêu chuẩn có chiều dài 4,82m, đường kính 53,3cm với sải cánh đạt 1,98m. Với trọng lượng 1.360 kg cùng động cơ đơn, Popeye tiêu chuẩn có thể mang theo đầu đạn hạt nhân nặng 360 kg với tầm tấn công tối đa đạt 78m. Đây là loại tên lửa dẫn đường hồng ngoại, có độ chính xác khá cao.
Tên lửa đất-đối-đất MGM-52 Lance
MGM-52 Lance là loại tên lửa được chế tạo nhằm mục tiêu bắn hạ các căn cứ quân sự trên mặt đất của đối phương. Được triển khai từ mặt đất, MGM-52 Lance có khả năng mang đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân chiến thuật. Đầu đạn của MGM-52 Lance được phát triển tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore, Mỹ.
Tên lửa MGM-52 Lance do các chuyên gia quân sự Mỹ nghiên cứu, chế tạo và chính thức góp mặt trong biên chế vào năm 1972, thay thế tên lửa Honest John và tên lửa đạn đạo Sergeant. Sự thay thế này giúp tinh lọc quân đội Mỹ, giảm số lượng trang thiết bị cũng như quân nhân phục vụ trong quân đội. Ngoài ra, MGM-52 Lance còn vượt trội hơn những tên lửa trước đó nhờ khả năng cơ động trong tác chiến.
Hệ thống MGM-52 Lance gồm 2 bệ phóng với 2 tên lửa trên bệ. Trong khi đó, xe phụ trợ mang theo 2 tên lửa dự phòng, nâng tổng số tên lửa của MGM-52 Lance lên 6 quả. Bệ phóng của Lance chỉ cho phép triển khai tối đa 3 tên lửa/giờ nhưng bù lại, nó chiếm lợi thế nhờ tính cơ động, tránh cho nơi phóng bị phát hiện hoặc tiêu diệt.
Các tên lửa MGM-52 Lance có thể mang đầu đạn hạt nhân công suất từ 1 – 100 kiloton, hoặc đầu đạn thông thường có sức công phá lớn. Đầu đạn thông thường được trang bị cho MGM-52 Lance thường gánh trọng trách tiêu diệt các hệ thống tên lửa của đối phương, trong đó chủ yếu là loại tên lửa SAM do Liên Xô cũ nghiên cứu chế tạo.
MGM-52 Lance là loại tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng với tầm bắn từ 70 – 120km/h. Động cơ đẩy cho phép tên lửa dài 6,1m, đường kính 56cm với tổng trọng lượng từ 1.285 – 1.527 kg có thể bay với tốc độ Mach 3 (trên 3.600km/h) Tính tới thời điểm hiện tại, có 7 quốc gia đang sở hữu hệ thống tên lửa MGM-52 Lance do Mỹ chế tạo. Sáu quốc gia khác bao gồm Anh, Israel, Hà Lan, Bỉ, Italy và Đức.
Tên lửa đạn đạo Jericho
Jericho I
Jericho là tên gọi cho hệ thống tên lửa đạn đạo do Israel nghiên cứu chế tạo. Là sản phẩm của liên kết giữa Israel và công ty quốc phòng Dassault của Pháp, cái tên Jericho được đặt cho hệ thống tên lửa đạn đạo của Israel vào năm 1963. Các loại tên lửa thuộc chương trình Jericho đều có khả năng bắn trung mục tiêu với sai số rất thấp.
Jericho I là sản phẩm đầu tiên của chương trình Jericho, được công khai xây dựng thành tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào năm 1971. Với chiều dài 13,4, đường kính 80cm và trọng lượng 6,5 tấn, Jericho I có phạm vi hoạt động 500 km với tải trọng 400 kg. Nó cũng được thiết kế để có thể mang đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, do phía Israel kín tiếng về việc sở hữu vũ khí hạt nhân nên Jericho I được coi là tên lửa đạn đạo.
Jericho II
Tính tới thời điểm hiện tại, Jericho I được cho là lỗi thời và được giải ngũ khỏi quân đội Israel từ những năm 1990, thay vào đó là tên lửa Jericho II sử dụng nhiên liệu rắn 2 tầng, được coi là tên lửa đạn đạo tầm xa, chính thức được đưa vào thử nghiệm ngoài khơi Địa Trung Hải từ năm 1987 tới 1992. Hành trình dài nhất mà Jericho II đạt được lên tới 1.400 km.
Jericho II sở hữu chiều dài 140m với đường kính 1,56m. Các báo cáo cho biết, tên lửa này có trọng lượng 26.000 kg với khả năng mang theo đầu đạn nặng 1.000 kg. Ngoài đầu đạn thông thường, Jericho II cũng được thiết kế để lắp đầu đạn hạt nhân. Đặc biệt, dù nặng tới 26 tấn nhưng không làm mất tính cơ động của Jericho II bởi nó có thể triển khai từ bệ phóng cố định hoặc bệ phóng di động.
Jericho III
Được phát triển dựa trên những thành tựu của Jericho II, người ta cho rằng Jericho III là một tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể mang đầu đạn hạt nhân (ICBM), được đưa vào biên chế quân đội năm 2008. Là tên lửa 3 tầng sử dụng nhiên liệu rắn, Jericho III có trải trọng lên tới 1.000 – 1.300 kg. Nó có thể mang được đầu đạn hạt nhân trọng lượng lên tới 750 kg hoặc 2 – 3 đầu đạn sức công phá thấp hơn.
Theo ước tính, Jericho III dài 15,5m, đường kính đạt 1,56m với trọng lượng lên tới 30.000kg. Tên lửa có thể được phóng đi từ xe nâng chuyên dụng Shavit, do hãng Aerospace Industries của Israel nghiên cứu chế tạo. Người ta ước tính, Jericho III có tầm bắn từ 4.800 – 11.500 km với vận tốc di chuyển khá nhanh, giúp nó không bị bắn hạ bởi các hệ thống phòng không của đối phương.
Hệ thống phòng không Iron Dome
Tên lửa Tamir và giàn phóng.
Iron Dome (Vòm sắt) là hệ thống phòng không di động, có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, bất kể ngày đêm. Là sản phẩm do Israel hợp tác với Công ty Quốc phòng Rafael nghiên cứu chế tạo, Iron Dome đang là hệ thống phòng không “vất vả” nhất Israel. Đảm trách vai trò bắn chặn và phá hủy tên lửa tầm ngắn cũng như tên lửa đạn đạo của đối phương, Iron Dome được trang bị ở những khu vực đông dân cư, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người do tên lửa đối phương gây ra.
Hệ thống Iron Dome dễ dàng phát hiện và tiêu diệt tên lửa trong phạm vi 4 – 70 km. Đây là loại tên lửa được thiết kế nhằm bảo vệ những khu vực tái định cư ở phía Bắc và Nam Israel, với công nghệ tối tân SPYDER của Rafael. Theo tuyên bố của các quan chức quốc phòng, Iron Dome được đưa vào hoạt động tháng 3 năm ngoái tại khu vực gần Beersheba, Israel.
Hệ thống Radar tìm kiếm và giám sát mục tiêu.
Ngày 7/4/2011, lần đầu tiên Iron Dome khai hỏa và bắn hạ một tên lửa Grad được phóng về phía Israel từ Dải Gaza. Ngày 10/3 năm nay, tờ Bưu điện Jerusalem trích dẫn báo cáo của chính phủ khẳng định, 90% tên lửa phóng vào Dải Gaza, hầu hết nhằm vào những khu vực đông dân cư bị Iron Dome bắn hạ. Trước khi xung đột 7 ngày giữa Israel và Hamas leo thang sau vụ sát hại lãnh đạo Hamas, Iron Dome đã bắn hạ trên 400 tên lửa bắn đối phương.
Hệ thống Iron Dome bao gồm 3 thành phần bao gồm Radar theo dõi và phát hiện, thiết bị kiểm soát vũ khí và quản lý chiến trường (BMC) cùng với hệ thống giàn phóng tên lửa. Tên lửa đánh chặn được sử dụng cho hệ thống Iron Dome là Tamir, được trang bị cảm biến điện quang và hệ thống điều hành cơ động cao, liên kết với radar và hệ thống điều khiển vũ khí.
Trung tâm kiểm soát vũ khí và quản lý chiến trường.
Ngay sau khi radar phát hiện mục tiêu, nó sẽ tiếp tục theo dõi quỹ đạo và gửi thông tin về hệ thống kiểm soát BMC. Sau đó, BMC sẽ tự tính toán để xác định vị trí tên lửa phối phương nhắm tới đồng tời ra lệnh bắn chặn cho tên lửa nằm ở gần đó nhất. Tên lửa đánh chặn Tamir sẽ bắn hạ mục tiêu khi nó chưa kịp tiến gần khu vực dự kiến.
Với chiều dài 3m, đường kính 16cm và trọng lượng 90 kg, tên lửa đánh chặn Tamir có tầm bắn tới trên 70 km trong khi độ cao tối đa mà nó có thể bắn hạ mục tiêu đạt 10.000m. Tuy nhiên, giá thành mỗi tên lửa loại này lên đến 90.000 USD, trong khi giá phóng trị giá 50 triệu USD, khiến nó trở thành gánh nặng cho nền quốc phòng Israel.
Dù vậy, với một bệ phóng được trang bị 60 tên lửa trong đó có 20 tên lửa trực chiến, Iron Dome sẽ đủ sức bảo vệ được khu đô thị rộng 150 km, nơi hàng triệu người đang sinh sống và làm việc. Giá thành không rẻ nhưng so sánh những lợi thế mà Iron Dome mang lại, các nhà chức trách Israel không phải quá đắn đo khi đưa ra quyết định mua hàng loạt hệ thống Iron Dome để tự vệ trước những trận mưa tên lửa từ phía Hamas.
Còn nữa...
Trịnh Duy
Theo Infonet