Điểm mặt các ứng viên Tổng thống Iran
Cử tri Iran hôm nay đi bỏ phiếu chọn ra một nhà lãnh đạo mà sẽ đóng vai trò then chốt trong các chính sách ngoại giao và hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo.
Người được chọn làm Tổng thống mới của Iran cũng sẽ phải giải quyết được những thách thức của một nền kinh tế đang suy yếu do bị cấm vận và cô lập.
Hội đồng Bảo vệ Cách mạng Iran - gồm 6 giáo sĩ và 6 luật sư, hoạt động dưới sự giám sát của lãnh tụ tối cao Ayatollah Khamenei - đã phê chuẩn cho 8 ứng viên ra tranh cử trong tổng số hơn 680 người đăng ký. Tuy nhiên, vào ngày 10/6, ứng viên cứng rắn Ali Haddad Adel và nhà cải cách Mohammad Reza Aref tuyên bố rút lui khỏi cuộc đua.
Thăm dò mới nhất cho thấy sẽ có khoảng 70% tổng số cử tri Iran đi bỏ phiếu bầu Tổng thống trong ngày 14/6. |
Tổng thống Iran là quan chức cao cấp nhất của nước này sau Lãnh tụ Tối cao, có trách nhiệm "thực thi Hiến pháp và hành động như người đứng đầu cơ quan hành pháp, ngoại trừ các vấn đề liên quan trực tiếp đến ban lãnh đạo".
Đương kim Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad không thể tiếp tục tại vị vì Iran không cho phép nắm quyền 3 nhiệm kỳ liên tiếp.
Mặc dù Lãnh tụ tối cao Khamenei ủng hộ ông Ahmadinejad trong cuộc bầu cử năm 2009, hai nhà lãnh đạo này kể từ đó đã bị kẹt vào trong một cuộc chiến quyền lực.
Các ứng viên Tổng thống Iran đã xuất hiện trong nhiều cuộc tranh luận nhưng không có ứng cử viên nào được cho là sẽ đem lại nhiều sự thay đổi về vấn đề hạt nhân. Giới phân tích cho rằng kết quả bầu cử sẽ chỉ đem lại một sự khác biệt về mức độ chứ không phải thực chất trong các chính sách của Tehran.
Điểm mặt 6 ứng viên
- Mohammad Bagher Ghalibaf, 52 tuổi, hiện là thị trưởng Tehran nhiệm kỳ 2. Là một người bảo thủ, ông này từng là Tư lệnh Không quân của Lực lượng Bảo vệ Cách mạng Hồi giáo (IRGC) và là chỉ huy các lực lượng cảnh sát Iran năm 1999.
Ghalibaf về thứ 4 trong cuộc bầu cử Tổng thống Iran năm 2005, sự kiện đưa ông Ahmadinajad lên nắm quyền nhiệm kỳ đầu tiên.
- Ali-Akbar Velayati, 68 tuổi, nguyên là Ngoại trưởng và hiện là cố vấn cấp cao về các vấn đề quốc tế và ngoại giao cho Lãnh tụ Tối cao Iran.
Là một người bảo thủ, Velayati có bằng y của Đại học Tehran trước khi chuyên về khoa nhi tại Đại học John Hopkins năm 1974.
Trả lời các cuộc phỏng vấn báo chí, Velayati cho biết ông sẽ tập trung vào các vấn đề kinh tế của Iran và các đòn cấm vận mà nước này đang hứng chịu. Kế hoạch của ông là giải quyết các mối quan hệ với cộng đồng quốc tế nhờ ngoại giao và các kết nối từ ngày ông còn làm Ngoại trưởng.
- Saeed Jalili, 48 tuổi, là một người bảo thủ và đứng đầu Hội đồng An ninh quốc gia Iran, hành động như một nhà đàm phán hạt nhân trưởng của nước Cộng hòa Hồi giáo.
Jalili có bằng khoa học chính trị của Đại học Imam Sadegh và trẻ tuổi nhất trong số các ứng viên. Ông dường như có được sự ủng hộ của Lãnh đạo Tối cao Ayatollah Khamenei và sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Lực lượng Bảo vệ Cách mạng Hồi giáo.
- Mohsen Rezaei, 59 tuổi, cũng là một ứng viên bảo thủ và cựu tư lệnh IRGC. Hiện ông là thư ký Hội đồng Điều hợp Iran, chuyên hòa giải giữa Quốc hội và Hội đồng Bảo vệ Cách mạng nước này.
Đây là lần thứ 3 ông Rezaei ra tranh cử Tổng thống. Năm 2005, ông rút lui vài ngày trước cuộc bầu cử còn năm 2009 ông về thứ 3.
Người ủng hộ ứng viên Mohsen Rezaei trong một cuộc mit tinh ở Tehran ngày 10/6. |
- Hassan Rouhani, 65 tuổi, là một giáo sĩ cấp cao, thành viên của Hội đồng Điều hợp Iran và nằm trong Hội đồng Các chuyên gia chịu trách nhiệm chọn hoặc phế truất Lãnh đạo Tối cao.
Rouhani là thư ký của Hội đồng An ninh quốc gia Tối cao trong 16 năm và là nhà đàm phán hạt nhân trưởng từ năm 2003 đến 2005 - trong thời kỳ Tổng thống Mohammad Khatami.
Ông có bằng luật của Đại học Tehran và có các bằng thạc sĩ và tiến sĩ từ Đại học Glasgow Caledonian ở Scotland.
Rouhani được cho là một người ôn hòa, đã làm việc với tất cả các bên và tránh chủ nghĩa cực đoan.
- Mohammad Gharazi, 72 tuổi, một người có quan điểm bảo thủ mạnh mẽ. Hồi những năm 1980, ông này giữ chức Bộ trưởng Xăng dầu trong Nội các của cựu Thủ tướng Mir Hossein Mousavi và làm Bộ trưởng Bưu chính - Viễn thông trong nội các của Rafsanjani. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ông Gharazi không còn giữ một vai trò chính trị nào đáng kể nữa.
Gharazi không nằm trong phe cánh cụ thể nào nhưng thường chỉ trích phương Tây và Mỹ trong cách tiếp cận mạnh tay của họ nhằm vào Iran và các vấn đề hạt nhân của nước này.
Gharazi có bằng thạc sĩ về kỹ thuật điện tử của Đại học Tehran.
Theo Vietnamnet