Ngày 2/11, truyền thông đưa tin tập đoàn đồ uống lớn nhất Singapore Fraser & Neave (F&N) đánh tiếng qua trao đổi thư với Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) về mối quan tâm về việc thoái toàn bộ vốn của Nhà nước tại đây. Mức giá mà F&N được đồn đoán dự trả lên tới 4 tỷ USD, cao hơn khoảng 43% thị giá số cổ phần Nhà nước sẽ thoái khỏi Vinamilk. Nguồn tin này được tiết lộ từ một thành viên HĐQT công ty sữa lớn nhất Việt Nam
Với việc F&N là cổ đông nước ngoài lớn nhất và Công ty sữa Việt Nam cùng ngày công bố thông tin kiến nghị không hạn chế tỷ lệ nắm giữ vốn của cổ đông nước ngoài, nguồn tin trên càng thêm có cơ sở. Bởi kể cả F&N có mua được toàn bộ số cổ phần của Nhà nước định thoái, lượng sở hữu tại Vinamilk chỉ ở ngưỡng trên 56%, thấp hơn nhiều kiến nghị 100%.
Ngoài ra, hơn 88% cổ phần của F&N hiện nằm trong tay tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi, ông chủ của Thaibev. Đây là tỷ phú không mấy xa lạ với Vinamilk, chính ông này từng đánh tiếng muốn chi khoảng 100 triệu USD để tăng sở hữu tại Vinamilk năm 2014.
Thực tế, khi VNM được đấu giá, mức bán thường cao hơn nhiều so với giá khởi điểm nên thông tin F&N mua cao hơn thị trường 43% cũng có cơ sở. Trong 3 đợt đấu giá công khai vào tháng 10/2003, tháng 2/2005 và tháng 11/2005, giá trúng bình quân của VNM đều cao hơn hẳn so với mức khởi điểm.
Nhưng chỉ chưa đầy một ngày sau, F&N có văn bản gửi tới Sở giao dịch chứng khoán Singapore bác tin mua cổ phần tại Vinamilk. Trong văn bản này, đại gia đồ uống Singapore nêu rõ: "F&N không gửi bất kỳ lời đề nghị tới Vinamilk hoặc Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC)".
Trong khi F&N nhanh chóng có thông tin đính chính, cổ phiếu Vinamilk được hỗ trợ bởi các tin tích cực về kết quả kinh doanh cũng như dự kiến roadshow dành cho các nhà đầu tư quốc tế. Cuối tháng 10, công ty này báo lãi 9 tháng gần 6.000 tỷ đồng, trở thành doanh nghiệp vốn hóa cao nhất thị trường chứng khoán Việt Nam...
Xét về biến động giá cổ phiếu VNM, riêng trong ngày 2/11, thị giá đã tăng thêm 6.000 đồng, lên 123.000 đồng/cổ phiếu - mức rất cao sau khi cổ phiếu này đã chia tách và về mức hơn 90.000 đồng 2 tháng trước.
Trao đổi với Zing.vn, nguồn tin từ Vinamilk xác nhận việc F&N tiếp xúc và trao đổi việc tăng tỷ lệ sở hữu. Nguồn tin thân cận của công ty này còn tiết lộ, một tập đoàn lớn của Mỹ cũng quan tâm đến việc mua cổ phần và có tiếp xúc với thành viên quan trọng trong HĐQT. "Chúng tôi không thể tiết lộ các thông tin cụ thể nhưng việc nhiều tập đoàn lớn quan tâm và có ý định mua phần vốn Nhà nước định thoái tại Vinamilk là chắc chắn", ông này cho biết.
Về nghi vấn tung thông tin để kích giá VNM, ông này nói: "Vinamilk là công ty lớn, không một ai có thể thao túng được giá. Còn việc các nhà đầu tư bên ngoài họ tự tung tin thì chúng tôi cũng không kiểm soát được".
Trong khi đó, trả lời Zing.vn, ông Nguyễn Quang Bảo - Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán Bản Việt nói: "Việc F&N quan tâm và có ý định mua phần vốn Nhà nước sắp thoái tại Vinamilk là chắc chắn. Vấn đề là họ sẽ không công bố về mức giá mua trong khi chưa biết khối lượng, cơ chế bán ra sao. Vì thế, việc mua với giá 4 tỷ USD là tin lạ".
Chuyên gia chứng khoán này phân tích, với các nhà đầu tư nước ngoài, việc đưa mức giá khi chưa biết các thông tin cụ thể là điều tối kỵ. Bởi nếu làm như vậy, mức giá mà bên bán chấp thuận sẽ bị đẩy lên và người muốn mua chịu thiệt. "Thêm vào đó, việc đưa ra mức giá mua trong bối cảnh nhiều thông tin còn mù mờ không phải là cách làm của nhà đầu tư nước ngoài", ông này khẳng định.
Tuy nhiên, Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán Bản Việt cho rằng, việc F&N phủ nhận thông tin không có nghĩa là không mua, không quan tâm. "Nó chỉ đơn giản là F&N không đưa ra thông tin cụ thể về thương vụ", ông Bảo nói.
Ông này dẫn chứng, trước đây, việc một tập đoàn nước ngoài mua Kinh Đô cũng có kịch bản tương tự khi các bên phủ nhận thông tin. Sau đó, nhà đầu tư nước ngoài phủ nhận thông tin chính là chủ mới của Kinh Đô.