Tạo hình nhân vật Tào Tháo trong phim Tam quốc diễn nghĩa, 2010. |
Trong đấu tranh chính trị, bươn chải nơi quan trường, tránh sao khỏi phải giả dối, ít ra cũng là lời nói trong chốn quan trường, huống chi Tháo lại là “gian hùng”. Nhưng chỉ cần có điều kiện là Tháo nói thật hoặc gần như thật, không có vẻ gì là quan cách. “Nhượng huyện tự minh bản chí lệnh” vốn là bài chính trị cực kỳ quan trọng, xứng đáng với bốn chữ “cương lĩnh chính trị”, nhưng lại viết rất thật, rất rõ ràng, không hề quan cách.
Mở đầu Tháo nói, cá nhân tôi vốn chẳng có hùng tâm tráng chí gì, cũng không phải là nhân sĩ nổi tiếng. Lúc đầu chỉ muốn là một quận thú tốt, về sau chỉ muốn là một tướng quân tốt, không dám có nhiều quân. Chỉ vì thời thế biến đổi, nên tôi mới có vị trí như bây giờ, đúng là “ý nguyện được thực hiện, là nhân thần cao quý nhất”.
Lúc này đã có thể nói mạnh: Một khi đất nước không có Tào mỗ này, liệu sẽ có mấy người xưng đế, mấy người xưng vương. Số người đàm tiếu về Tào mỗ cũng nhiều hơn. Tôi có thể nói thẳng với mọi người: Tôi chỉ muốn là Tề Hoàn công, Tấn Văn công, phụng thiên tử để lệnh chư hầu. Điều này, tôi không chỉ nói với các vị, mà còn nói cả với vợ, con. Tôi còn muốn trăm năm sau, mọi cơ thiếp đã được cải giá, sẽ lan truyền nguyện vọng của tôi ra khắp bốn phương. Cũng vậy, tôi muốn nói rõ với mọi người, tôi sẽ không bao giờ rời bỏ binh quyền, về quê dưỡng già.
Vì sao vậy? Vì sợ, một khi mất hết binh quyền, tôi sẽ bị hãm hại, đất nước sẽ không yên bình. Tôi có thể nhường một ít đất mà hoàng thượng ban thưởng, còn quyền lực thì không nhường. Tóm lại, “đất nước chưa yên, không thể nhường quyền; còn như đất đai, tôi có thể nhường”. Đó là thái độ của tôi!
Những lời nói trên là rõ ràng chân thực, rõ ràng chân thực đến mức không còn gì để nói. Bảo Tháo khoác lác chăng, Tháo không bốc phét, thuở thiếu thời Tháo không có địa vị, danh vọng gì; bảo Tháo dối trá chăng, Tháo không dối trá, Tháo nói, Tháo muốn làm quan, muốn là Tề Hoàn công, Tấn Văn công dã tâm rất lớn; bảo Tháo giả khiêm tốn chăng, không, khẩu khí của Tháo rất lớn, từng nói không có Tào mỗ, thiên hạ sẽ loạn ngay; bảo Tháo không thật chăng, Tháo rất thật, không một giây phút nào rời khỏi quyền lực, một chút cũng không nhường. Nói đến vậy thì liệu còn ai có thể nói gì thêm? Không còn ai.
Rõ ràng Tào Tháo là người thông minh. Trong thời đại người người đều dối trá thì nói thật là vũ khí tốt nhất. Đó không chỉ vì bản thân lời nói thật có sức mạnh hùng biện, còn vì lời nói thật làm cho kẻ nói dối không còn đường rút, vở diễn của họ cũng phải khép lại, buổi diễn phải hạ màn. Vì vậy để đối phó với loại người thường ra vẻ quan cách, luôn huênh hoang, dối trá, thì biện pháp tốt nhất là luôn nói thật.
Giống như đứa trẻ reo lên: Ôi! Hoàng đế không mặc quần áo. Lúc này, những kẻ chuyên dối trá sẽ phát hiện ra mình cũng không mặc quần, thực đáng hổ thẹn, thực vô tích sự.
Tào Tháo nói như vậy, không hoàn toàn vì sách lược đấu tranh, mà vì bản tính của Tào Tháo là ưa nói đúng, nói thật. Vì vậy Tào Tháo nói rất tự nhiên, rất lưu loát và mạnh mẽ. Tuy đằng sau lời nói đúng đó, còn có chút chưa sát, đằng sau lời nói thật đó còn có chút giả dối, thậm chí còn có việc chưa cho người ta biểu, nhưng tất cả đều được giấu kín, không để lộ chân tướng.
Tào Tháo cũng rất thực tế. Bữa ăn không cần cầu kỳ, quần áo không cần cầu kỳ, chỗ ở cũng đơn giản, chỉ cần no bụng, đủ chất, quần áo vừa vặn, chăn đắp thật ấm là được.
“Nhu yếu phẩm xa xỉ” duy nhất của Tào Tháo có thể là các nghệ nhân ca múa và những người thiếp. Tào Tháo có phần háo sắc, nhưng cũng rất thực tế, không hề lấy cớ là “đường con cái khó khăn”. Tào Tháo đón nhận nhân tài cũng rất đơn giản. Tháo nói, bất kể là ai, trên triều cũng được, ngoài dã cũng được, nhã hay tục đều được, chỉ cần biết trị quốc dụng binh là được. Còn mang tiếng chưa hay, hành vi buồn cười, thậm chí là “bất nhân bất hiếu” cũng chẳng sao, miễn là chú mèo tốt biết bắt chuột già.
Cũng chính vì đơn giản như vậy, nên Tào Tháo vừa gian trá lại vừa rất đáng yêu. Lúc tây chinh Mã Siêu, Hàn Toại, Tào Tháo và Hàn Toại gặp nhau trên trận địa, binh sĩ của Hàn Toại nghe tin Tào Tháo xuất hiện đã ùa lên và rướn cổ lên nhìn. Tào Tháo nói to: “Các ngươi muốn nhìn Tháo ta chăng? Nói để mọi người hay, ta là người như mọi người, không hề có bốn mắt hai miệng, chỉ có một chút trí tuệ là hơn mọi người!”. Lời nói rất đơn giản, cũng rất đáng yêu.
Trong sinh hoạt hàng ngày, Tháo rất thoải mái, rất tùy tiện. Tháo thường mặc áo lụa mỏng, lưng thắt đai da, tay cầm mấy thứ lặt vặt như khăn lau mặt, có lúc còn đội mũ thường bằng lụa để tiếp khách. Lúc nói chuyện với mọi người luôn thoải mái, nghĩ gì nói nấy, muốn nói gì thì nói luôn. Nói đến chỗ vui thì cười ngặt nghẽo, đầu gục xuống khay trà, mũ tóc ướt hết. Tháo rất thích nói đùa, ngay cả khi có việc nghiêm chỉnh.
Năm Kiến An thứ mười bảy, lúc cải cách cơ cấu, có người yêu cầu phân chia Đông Tào, có ý trách Tào Tháo chuyện Đông Tào, chuyện Mao Giới nặng về lý nhẹ về tình. Tào Tháo trả lời sâu sắc và rất vui: “Mặt trời mọc đằng đông, trăng sáng từ hướng đông. Đông tây, đông tây, người ta luôn nói đông trước rồi mới đến tây, vì sao phải phân chia Đông Tào?”. Lại như Diêm Hành đầu hàng Hàn Toại, có cha đang là con tin trong tay Tào Tháo. Tháo liền có thư cho Diêm Hành: “Lúc này lệnh tôn đại nhân đang bình yên vô sự. Có điều, lao ngục không phải là nơi dưỡng lão, hơn nữa, nhà nước cũng không thể nuôi dưỡng cha già cho người khác!”.
Tào Tháo thích nói đùa và cũng rất thích những người bạn biết nói đùa. Thái úy Kiều Huyền là người từ lâu đã thích Tào Tháo, được coi là “bạn vong niên” của Tào Tháo. Trong văn tế Kiều Huyền, Tào Tháo có kể chuyện năm xưa Kiều lão cùng Tào Tháo “ung dung thề bồi”: “Sau khi ta qua đời, lúc ngang qua mộ ta, nếu không có một con gà, một bình rượu vào lễ, thì lúc xe qua được ba bước, nếu có đau bụng thì đừng trách”.
So với lời điếu của các quan thì bài văn tế này rất đáng yêu và tình cảm, chân thực hơn nhiều. Tào Tháo còn một người bạn cùng quê là Đinh Bùi, là kẻ tham lam vụn vặt, từng dùng chức quyền đổi con bò gầy của nhà lấy con bò béo, kết quả bị bãi quan. Tào Tháo gặp họ Đinh có ý hỏi: “Văn Hầu à, quan ấn của ngươi vứt đi đâu rồi?”. Đinh Bùi vui vẻ cười, nói: “Đổi lấy bánh nướng ăn rồi”. Tào Tháo cười khà khà, quay lại nói với mấy người hầu: “Nhiều lần Mao Giới bảo ta phạt Đinh Bùi thật nặng. Ta nói, hắn giống như con mèo thích ăn vụng và biết bắt chuột, lưu lại vẫn có ích”.
Với tính cách đó, Tào Tháo có thêm nhiều thuận lợi trong sự nghiệp của mình. Người làm chính trị nếu nghiêm chỉnh quá cũng không hay, mọi người cảm thấy quá sâu sắc nên không tin hoặc cảm thấy không hiểu tình người nên khó gần.
Tốt nhất là, lúc làm việc thì nghiêm túc chăm chỉ, lúc thường thì thoải mái dễ dãi; điều gì thuộc nguyên tắc thì không buông, còn những thứ vụn vặt thì qua loa đại khái, như vậy chỉ có đủ uy nghiêm uy vọng của lãnh tụ, còn được coi là người tình cảm, hài hước. Người như vậy luôn được người khác quý mến, ủng hộ và trung thành. Tào Tháo chính là người như vậy.