Muốn đá bóng, học sinh tồn trước tiên
Cũng giống như bao cậu bé Brazil khác, bóng đá đến với cuộc đời Diego Costa đầy tự nhiên và bụi bặm. Một chú bé không có nổi đôi giày tử tế, chạy hùng hục cả buổi chiều trên đường phố, chơi bóng với niềm đam mê và cả bản năng sinh tồn - hình ảnh cô đọng nhất về tuổi thơ của chân sút gốc Brazil đơn giản là vậy.
“Bóng đá đường phố là sân chơi tạo nên những tố chất khác thường. Bạn phải đủ khỏe mạnh để có thể chạy cả buổi chiều dưới cái nắng gay gắt và chấp nhận thực tế là trận đấu chỉ kết thúc khi các cầu thủ không còn đủ sức để chạy tiếp. Nhưng trên hết, bạn phải vận dụng tất cả các tiểu xảo để giữ trái bóng và giữ cả… mạng sống”, Diego Costa tâm sự trong buổi trả lời phỏng vấn độc quyền trên tờ Daily Mail.
Dù phải trả giá về hành vi giẫm lên Emre Can nhưng Diego Costa khẳng định vẫn sẽ không thay đổi. |
Costa sinh ra và lớn lên ở vùng quê Lagarto, miền đất từng được HLV Jose Mourinho miêu tả là “vượt qua cả ánh hoàng hôn”, bóng đá ở đây ngoài chuyện ghi bàn và chiến thắng đơn thuần, còn có cả bạo lực, ẩu đả, thậm chí là giết người. Môi trường khắc nghiệt tự rèn luyện cho Costa sức đề kháng và nó lý giải một cách chính xác nhất tại sao giữa Costa-đời-thường và Costa-trên-sân là hai con người hoàn toàn khác nhau.
“Trên sân cỏ, tôi luôn luôn máu lửa như thế. Đó là cá tính của tôi và tôi cảm thấy mình không cần phải thay đổi chỉ vì vừa phải nhận một án treo giò” - Diego Costa.
“Chỉ khi đi học ở trường, tôi mới được thi đấu với những anh em bằng tuổi. Nhưng vì dáng vóc của tôi cao to hơn hẳn so với bạn học, nên tôi thích đá bóng với những anh lớn hơn. Họ dạy cho tôi nhiều điều, từ cách chơi bóng, tới kỹ năng bảo vệ bản thân”.
Năm 15 tuổi, Costa rời quê nhà đến Sao Paolo làm việc trong cửa hàng tạp hóa của một người chú. “Tôi chỉ muốn kiếm tiền. Thời điểm ấy, tôi chưa hề có khái niệm về việc trở thành cầu thủ chuyên nghiệp”, Costa tâm sự. Tuy nhiên như trời tạo duyên, cửa hàng người chú của Costa lại là nơi lui đến của rất nhiều cầu thủ, người đại diện hoặc những nhân vật có liên quan mật thiết tới bóng đá.
|
Cuối cùng, nhờ sự giúp đỡ của một người quen vào thời điểm đó đang là thành viên của đội trẻ Sao Paolo, Costa đi thử việc ở CLB Barcelona Esportivo Capela và bất ngờ được nhận vào đội. Tháng đầu tiên tập luyện trong màu áo Barcelona EC, Costa nhận được một khoản lương “còm” tương đương 100 bảng tiền lương. Anh quyết định theo nghiệp cầu thủ một cách nghiêm túc khi đã… 16 tuổi.
"Tôi vẫn ngủ bình thường"
Có vẻ như vì theo nghiệp bóng đá chuyên nghiệp khá muộn, dòng máu chảy trong người Costa ngày hôm nay vẫn hơn một nửa thuộc về đường phố, nơi anh ngoài việc thỏa mãn niềm đam mê với trái bóng, còn học cả cách sinh tồn. Cũng chính vì vậy, ngay cả khi chuyển tới Chelsea và phô diễn tài năng dưới ánh đèn chói lọi của sân khấu bóng đá Anh, Diego Costa vẫn mang nguyên cách tiếp cận cuộc sống có phần “bụi bặm” của mình vào những trận đấu.
“Khi trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp, tôi luôn tâm niệm rằng, những cậu bé tỉnh lẻ như tôi không có nhiều cơ hội để thể hiện mình. Cũng chính vì vậy, tôi luôn ra sân với hơn 100% nhiệt huyết. Đối với đội bạn, trên sân cỏ, chúng tôi là đối thủ, sẵn sàng xả thân vì chiến thắng. Nhưng sau trận đấu, mọi thù hằn chấm dứt. Tôi về nhà, họ cũng về nhà, và nếu gặp nhau, chúng tôi là bạn. Đó là bóng đá, và như các bạn thấy, tôi luôn cư xử như vậy trong cả sự nghiệp”.
|
Với triết lý sống như thế, nên theo Costa, anh không hề có ý phạm lỗi với Emre Can ở trận gặp Liverpool tại bán kết Cúp Liên đoàn, pha phạm lỗi khiến anh bị treo giò 3 trận. “Tôi về nhà và ngủ bình thường. Vì tôi chẳng làm gì hổ thẹn với bản thân cả. Tôi không có ý phạm lỗi với Can. Người ta kết tội tôi, tôi chấp nhận. Nhưng tôi muốn nói, bản chất của bóng đá là những pha va chạm giữa các cầu thủ”.
Bước từ bụi bặm đường phố tới sân khấu bóng đá Anh, chặng đường thành công này chí ít cũng đã khẳng định phong cách mà Diego Costa theo đuổi là đúng đắn. Kết thúc bài phỏng vấn, ngôi sao gốc Brazil cũng khẳng định, anh sẽ không bao giờ thay đổi bản thân chỉ để chiều lòng những “nhà đạo đức” bóng đá ở xứ sương mù.
Từ đường phố đến Stamford Bridge
Nói về hành trình kéo dài 20 năm để lên đỉnh cao của Diego Costa, báo Daily Mail dùng một câu rất hay: “From the Streets to the Bridge” (từ đường phố đến sân Stamford Bridge). Đó là một hành trình thực sự “bụi bặm” bởi số phận đã đưa ra cực nhiều thử thách với Costa nhưng chân sút người Brazil đã chinh phục tất cả bằng sự bền bỉ và khả năng chớp cơ hội đầy chất đường phố. Costa từng 4 lần bị đẩy đi cho mượn, mài đũng quần dự bị cho cả Aguero và Forlan tại Atletico Madrid (2007-09). Nhưng đường phố đã dạy cho Costa ý chí không buông bỏ. Chỉ cần hé một khe cửa nhỏ, anh sẽ bằng tất cả khả năng mở toang cánh cửa đó, và chỉ 4 năm kể từ khi được trao cơ hội ở Atletico, Costa đã trở thành tượng đài ở CLB với 64 bàn thắng.
Được đặt tên theo… Maradona
Dù được sinh ra ở Brazil, nhưng Diego Costa lại được đặt tên theo… Diego Maradona, huyền thoại người Argentina, nền bóng đá đại kình địch của Brazil. Bố của Diego Costa đã quyết định lấy cảm hứng từ Maradona để đặt tên cậu con trai thứ hai của mình. Anh trai của Diego Costa, Jair Costa thì được đặt tên theo cựu danh thủ Selecao, Jairzinho. Thời thơ ấu, Costa tâm sự, anh không bao giờ dám chọn phe đối đầu với anh trai mình. Bởi Jair Costa được Diego miêu tả là một cầu thủ cực khỏe, hiếu chiến và rất đáng sợ.
|