Phí cao, thu 2 "cửa"
Do nhiều lần tự tìm giúp việc bất thành, chị Thùy Linh (quận Hoàn Kiếm) chấp nhận đăng ký dịch vụ môi giới của một trung tâm trên đường Láng (quận Đống Đa, Hà Nội) với mức phí 1,5 triệu đồng. Thùy Linh cho biết, mức này cao hơn các nơi khác khoảng 500.000-700.000 đồng nhưng dịch vụ được nhiều người đánh giá chất lượng tốt.
Theo thỏa thuận với trung tâm, chị Linh có quyền thử và đổi giúp việc tối đa 5 lần. Sau 3 lần đổi, chị chọn được người giúp việc ưng ý quê ở Bắc Ninh. Tuy nhiên, sau 2 tháng, chị nghe giúp việc xin nghỉ hẳn về quê do gia đình có chuyện buồn. Không những vậy, Thùy Linh "toát mồ hôi" khi bà giúp việc ngoài xin đủ tiền lương, còn nhờ chị giúp đỡ khoản phí 1 triệu đồng trước đó bà đóng cho bên môi giới mà không được hoàn lại.
Nhiều trường hợp, các khách hàng và người tìm việc cùng phải trả phí cao cho trung tâm môi giới giúp việc. Ảnh minh họa: Diệp Sa. |
"Hóa ra ngoài thu của mình 1,5 triệu phí tìm người, bên trung tâm còn lấy của bà giúp việc 1 triệu nữa là 2,5 triệu. Một dịch vụ mà thu phí 2 cửa thế này thật quá đáng", chị bức xúc. Liên hệ lại với trung tâm, chị Linh và cả giúp việc chỉ nhận được chung câu trả lời: "Do hai bên đã thỏa thuận xong và thời gian cũng qua lâu (2 tháng) nên trung tâm không có trách nhiệm giải quyết".
"Chẳng biết trách nhiệm của trung tâm ở đâu. Mình đóng phí cao mà cuối cùng vẫn như không, lại vẫn phải nhờ người quen tìm người", khách hàng than thở.
Thực tế tìm hiểu cho thấy, không ít gia đình và cả người tìm việc đã "mắc bẫy" thu phí 2 đầu của nhiều trung tâm, cá nhân môi giới giúp việc tại Hà Nội. Tuy nhiên, bức xúc chỉ nổi lên khi nhà chủ và người làm thuê không thể hợp tác với nhau. Còn nếu hợp đồng được thực hiện thành công, lâu dài, nhiều khách hàng vẫn miễn cưỡng chấp nhận trả tiền để đổi lấy sự ổn định.
Phí "quản lý" = 1/2 lương tháng
Bên cạnh chuyện đóng phí môi giới cao, theo chia sẻ của nhiều người trong cuộc, tìm việc qua trung tâm còn khiến người lao động mất khoản tiền lớn "lẽ ra là của mình".
Trong cơn ấm ức khi bị nhà chủ chê lấy công đắt, tới 45.000 đồng mỗi giờ, Nguyễn An (sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) phân trần: "Thực tế, em chỉ nhận được 20.000 đồng một giờ, còn 25.000 đồng phải trả về cho trung tâm".
An hiện làm cố định cho một trung tâm giới thiệu giúp việc. Theo thỏa thuận với trung tâm và nhà chủ, cô làm theo giờ, mỗi địa chỉ 3 tiếng một buổi, 4 buổi một tháng.
Số tiền khoảng 550.000 đồng mỗi tháng một nhà trung tâm thu về từ khách, An chỉ nhận được gần một nửa. Mới đầu, cô chấp nhận với hy vọng có nhiều mối làm tốt, ổn định. Tuy nhiên, sau một thời gian phải cắt tới hơn 1/2 tiền công lao động cho trung tâm môi giới, An chủ động xin nghỉ và tự kiếm khách bên ngoài.
"Vai trò quản lý của công ty không thể hiện rõ ràng. Chế độ cho người lao động hầu như không có nên mình thật sự tiếc khoản tiền phải cắt lại cho trung tâm mỗi tháng. Nếu làm độc lập, chỉ cần được trả 30.000 đồng/giờ là mình thấy thoải mái rồi", nữ sinh nghèo tâm sự.
Bà Nguyễn Thị Mão (Bắc Ninh) có kinh nghiệm 2 năm làm nhân viên cố định của một trung tâm cung ứng giúp việc ở quận Cầu Giấy. Bà Mão cho biết, trước khi nhận việc, bà được trung tâm tập huấn khóa học cơ bản về giúp việc gia đình bao gồm chăm sóc người già, trẻ em, sử dụng các loại máy móc, sắp xếp thời gian biểu... Tuy nhiên, do số tiền phải chia lại cho trung tâm khá lớn, khoảng 50% lương hàng tháng, hiện bà Mão đã tách ra làm độc lập.
"Ngoài chuyện lấy bớt lương, trung tâm thường chỉ tiếp thu phàn nàn của khách mà ít khi nghe tâm tư của mình. Gặp phải nhà chủ không tử tế, giúp việc như mình cũng chỉ biết chịu chứ trung tâm đâu có đứng ra bênh vực. Vậy nên tách ra làm độc lập, mình chủ động được chọn nơi làm việc tốt, chủ tốt và nhất là lấy được tiền công xứng đáng", bà tâm sự.
Nhờ kinh nghiệm lâu năm, làm hiệu quả, bà Mão hiện nhận nhiều "hợp đồng" dọn nhà định kỳ cho 4-5 hộ gia đình trong thành phố. Khoản thu nhập 8-10 triệu đồng mỗi tháng giúp bà sống khá thoải mái, đủ tiền nuôi cô con gái út học đại học.
Theo chia sẻ của đại diện trung tâm giúp việc gia đình trên phố Trung Kính (quận Cầu Giấy), việc nhiều trung tâm thu phí của người lao động là để phục vụ cho các hoạt động tập huấn nghiệp vụ, bảo vệ quyền lợi người lao động, quảng cáo... Khoản phí thu về, theo vị này, tính ra không quá cao như nhiều người lầm tưởng.
"Dịch vụ nào cũng cần có tính chuyên nghiệp. Khách hàng cũng sẽ tin tưởng hơn khi thuê một người làm có kỹ năng và đặc biệt, được một tổ chức uy tín đảm bảo về nhân thân. Quyền của khách là chọn dịch vụ phù hợp với chi phí hợp lý", chị cho hay.