Dịch vụ chuyển phát nhanh đồ ăn
Thay vì đến các cửa hàng để thưởng thức món ăn, khách hàng chỉ cần gọi điện đặt hàng và nhận đồ nhờ dịch vụ chuyển phát nhanh đồ ăn.
Ở Việt Nam, dịch vụ chuyển phát đồ ăn đã được thực hiện từ khá lâu, với sự xuất hiện của các thương hiệu đồ ăn nhanh quốc tế. "Ghét Trễ" là dịch vụ khá quen thuộc của chuỗi nhà hàng KFC. Tuy nhiên, thay vì sử dụng lực lượng của từng nhà hàng, nay đã xuất hiện ngày càng nhiều đơn vị chỉ làm dịch vụ vận chuyển trung gian, sử dụng hệ thống điều phối riêng, liên kết với các nhà hàng và nhận thù lao trích từ tiền hàng hoặc phí vận chuyển từ trên hóa đơn.
Một giao diện đặt món ăn với chi phí vận chuyển 60.000 đồng cho đơn hàng tối thiểu có giá 400.000 đồng. |
Điều kiện chuyển phát thức ăn khá chặt chẽ, trong đó, chủ yếu là điều kiện về giá trị đơn hàng tối thiểu và phí vận chuyển. Giá trị tối thiểu của mỗi đơn hàng chuyển phát phải từ 50.000 đồng trở lên, thậm chí phải trên 400.000 đồng/lần gọi. Nếu giá trị món ăn không đủ số tiền tối thiểu, khách hàng phải trả khoản chênh lệch này.
Chi phí chuyển đồ ăn cũng thay đổi với tùy món, từ 5.000 đồng đến 60.000 đồng. Với một số địa điểm, khách hàng có thể được miễn phí phí giao hàng, hoặc thanh toán tùy theo khoảng cách thực tế. Thời gian giao hàng trung bình từ 30 phút đến 1 tiếng, và chỉ phục vụ trong thời gian quán ăn mở cửa, thông thường là vào buổi trưa hoặc chiều tối.
Hiện tại có khá nhiều doanh nghiệp cung ứng dịch vụ này như Chonmon (phiên bản tiếng Việt của Eat.vn), Hungry, Goimon… Hầu hết các đơn vị này đều được thành lập bởi các công ty đã có thời gian dài hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam. Ví như Hungry.vn có đội ngũ quản lý chung với Nhommua, từng vận hành trang Diadiem, còn Chonmon.vn lại là anh em một nhà với Muachung…
Số lượng nhà hàng có liên kết với các doanh nghiệp này khá lớn, và tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Lãnh đạo một đơn vị cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh tiết lộ, doanh nghiệp này đang liên kết với khoảng 700 nhà hàng, thương hiệu tại 2 khu vực này, và doanh thu trong một tháng trong năm 2012 đã vượt 1,5 tỷ đồng. "Ngay cả khi giao hàng miễn phí cho khách, doanh nghiệp cũng được nhà hàng trích phần trăm hoa hồng vận chuyển, hoặc chi phí quảng cáo thực đơn, thương hiệu trên trang web".
Vốn là dịch vụ phát triển lâu đời trên thế giới, những hãng chuyển phát đồ ăn tại Việt Nam đầu tiên cũng là chi nhánh của những “người khổng lồ” quốc tế như FoodPanda của RocketInternet, hoặc các dự án startup như Eat.vn. Khởi đầu tại thị trường Việt Nam, các đơn vị như Eat.vn hay Vietnammm.com đều hướng tới đối tượng khách hàng là người nước ngoài, trước khi mở rộng cho cả người Việt.
Thực tế, cũng có không ít đơn vị cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh truyền thống cũng cho phép chuyển phát các loại hàng hóa thực phẩm. Tuy nhiên, yêu cầu về loại hàng hóa chuyển phát theo phương thức này phải là hàng đông lạnh, hoặc sản phẩm khô có hạ sử dụng dài. Ngoài ra, thời gian để chuyển và nhận được một sản phẩm như vậy là trong ngày, hoặc sau 1 ngày làm việc, không đảm bảo với thức ăn nấu chín.
Trần Anh
Theo Infonet