Xã hội
Dịch sởi nặng nhất hàng chục năm qua ở Việt Nam
- Thứ hai, 7/4/2014 15:30 (GMT+7)
- 15:30 7/4/2014
Bệnh viện Nhi (Hà Nội) đã dành riêng khoa truyền nhiễm để điều trị dịch sởi mà vẫn không xuể. Hơn 200 bệnh nhân biến chứng viêm phổi nặng vẫn phải nằm ghép 3 - 4 người một giường.
|
Trưa 7/4, tại khu điều trị tự nguyện A, viện nhi TW, khá đông phụ huynh đưa các em nhỏ đến để khám bệnh, trong số này chủ yếu các bé mắc sởi.
|
|
TS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) yêu cầu các bệnh viện xem xét, nếu các ca mắc sởi quá cao, nguy cơ lây lan cho các bệnh nhi khác thì có thể xem xét thành lập bệnh viện dã chiến với khu khám, điều trị riêng biệt cho bệnh nhân sởi. Đợt dịch bệnh này được đánh giá là lớn nhất trong suốt 40 năm qua.
|
|
Triệu chứng của các bé trước khi đưa đến đây là bị sốt cao, phát ban khắp cơ thể... Đây là loại bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra, dễ lây lan và có thể gây thành các vụ dịch lớn. Nó còn có thể biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mặc, viêm não dễ dẫn đến tử vong.
|
|
Theo phòng Vắc xin, Cục Y tế dự phòng, đến nay sởi vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Do dễ lây nên người nhà bệnh nhân được yêu cầu đeo khẩu trang, ngay cả trong khi chuẩn bị ăn.
|
|
Các bác sĩ, y tá viện nhi TW tiêm kháng sinh và lấy ven tiêm. Nhiều bé do ven ở tay không có nên phải lấy xuống chân.
|
|
Các chuyên gia khuyến cáo khi thấy dấu hiệu sốt cao kèm theo phát ban (đỏ toàn thân), có triệu chứng viêm long (ho, hắt hơi, chảy mũi, mắt lèm kèm, hoặc mắt đỏ)… thì cần phải đến ngay cơ sở y tế khám và điều trị. Đối với những trường hợp nhẹ, được hướng dẫn điều trị tại nhà, người bệnh vẫn cần tránh gió lạnh, nghỉ làm việc, ăn thức ăn mềm, cần hạn chế tiếp xúc và thường xuyên đeo khẩu trang.
|
|
Hơn 200 bệnh nhân biến chứng viêm phổi nặng. Các phòng bệnh phải nằm ghép 3 - 4 người một giường.
|
|
Ngoài giờ vào thăm, người nhà bệnh nhân chỉ được đứng ở ngoài. Anh Thành, bố bé Đoàn Tiến Đạt cho biết: "Cháu nhà tôi bị bệnh bạch cầu, xuống viên nhi để chữa bệnh ai ngờ bị lây luôn bệnh sởi, hiện đã nằm 2 tuần".
|
|
Bé Quách Thanh Trúc (1 tuổi quê Hưng Yên) bị sởi một tuần nay, hiện giờ bệnh đã đỡ: "May mà cháu khỏe nên không phải lấy ven trên đầu, nhìn mà thương lắm", người bà của Trúc nói.
|
|
Còn bé Lê Gia Huy mắc triệu chứng sởi cách đây hơn một tháng. Sau thời gian khám chữa bệnh ở Nam Định không khỏi bé được gia đình đưa lên viện nhi TW, nay đã thuyên giảm. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã có công điện gửi các địa phương phòng chống dịch sởi bùng phát. Trong đó, yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị, đảm bảo đủ cơ số thuốc phục vụ công tác điều trị bệnh nhân, hạn chế việc chuyển viện các trường hợp nằm trong khả năng xử lý về chuyên môn để tránh lây lan dịch bệnh...
|
|
Theo một chuyên gia dịch tễ thì ở Hà Nội những ca mắc sởi tương đối nhiều, vài trăm ca nằm rải rác trên các địa bàn. Do đó, thông báo bệnh viện đang có dịch bệnh sởi được dán khắp nơi từ hành lang dến cổng các phòng bệnh tại khoa điều trị tự nguyện A, viện nhi TW.
|
Hà Nội
dịch sởi
lan rộng
lây lan
biến chứng
kiêng