Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch sởi không có nguy cơ bùng phát tại Hà Nội

Năm nay, dịch sởi rải rác, không có nguy cơ bùng phát. Tuy nhiên, dịch tản phát bao giờ cũng lai rai, dịch bùng phát chỉ diễn ra trong thời gian ngắn.

Tại Hội nghị trực tuyến Bộ Y tế về phòng chống dịch sởi, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội - Nguyễn Nhật Cảm cho biết: năm nay, cường độ dịch sởi thấp hơn vụ dịch năm 2009 - 2010. Lứa tuổi mắc sởi thay đổi chủ yếu trẻ dưới 2 tuổi. Trong đó, 88% chưa được tiêm chủng, ¼ dưới 9 tháng. Theo điều tra trong 210 trường hợp, có 2 lý do e ngại do thời gian gần đây có nhiều thông tin tai biến tiêm chủng.

"Đến cuối tháng 4, dịch sởi sẽ được kiểm soát, khống chế hoàn toàn", Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội - Nguyễn Nhật Cảm khẳng định.

25 ca sởi tử vong đều ở miền Bắc

Thông tin từ ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng cục Y tế dự phòng cho biết: năm 2013, các nước khu vực Tây Thái Bình Dương ghi nhận hơn 30.000 ca mắc sởi, tăng gần 3 lần so với năm 2012. Riêng trong tháng 2/2014, đã có 11.139 ca, các nước có số mắc tăng gồm Trung Quốc, Phillipines, Việt Nam, Nhật Bản, Singapore.

Trong khi đó, tại Việt Nam, từ đầu năm 2014 đến nay, có 6.611 sốt phát ban dạng sởi. Trong đó, gần 2.500 trường hợp được xác định là sởi tại 59 tỉnh, thành. Các cơ sở y tế đã lấy gần 4.400 mẫu, trong đó 53% dương tính với sởi.

Như vậy, tích lũy từ tháng 11/2013 đến 31/3/2014 có 3.380 ca sởi, trong đó 25 tử vong, số mắc thấp hơn vụ dịch năm 2009 - 2010.

Hà Nội đang quyết tâm khống chế dịch sởi trong tháng 4. (Ảnh: Lê Hiếu)

Các trường hợp mắc bệnh rải rác ở nhiều tỉnh. Một số tỉnh ghi nhận ổ dịch tập trung với quy mô nhỏ và vừa như Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Sơn La. Tại Hà Nội và TP. HCM, không xuất hiện ổ dịch sởi tập trung lớn nhưng số mắc rải rác xảy ra trên diện rộng.

Theo ông  Trần Đắc Phu, số mắc sởi tập trung chủ yếu ở khu vực miền Bắc và Nam, rải rác tại Trung và Tây Nguyên. Độ tuổi mắc chủ yếu là trẻ dưới 10 tuổi (chiếm 68%); số trẻ mắc dưới 1 tuổi chiếm 16%; dưới 9 tháng chiếm 11%. Hầu hết, các trường hợp không tiêm phòng hoặc không rõ tình trạng tiêm chủng, chiếm 86%; không tiêm 55%; không rõ đã tiêm hay chưa 31%; tiêm 1 liều 10%; tiêm đủ 2 liều 4%.

"25 ca tử vong đều ở miền Bắc. Nguyên nhân do viêm phổi liên quan sởi hoặc biến chứng mắc viêm phổi do sởi. Sau khi mắc sởi, trẻ bị suy giảm miễn dịch có thể bị biến chứng viêm phổi, tiêu chảy...", Cục trưởng cục Y tế dự phòng nói.

Theo ông Phu, các trường hợp viêm phổi sau sởi đều liên quan đến chuyển mùa đông - xuân, khí hậu lạnh ẩm, các bệnh đường hô hấp phát triển mạnh trong giai đoạn hiện nay.

Do đặc điểm thời tiết và chu kỳ 4 năm một đợt nên ông Phu cho rằng, việc phòng sởi theo cách thông thường rất khó khăn.

Giao mùa, lo nhất là sởi

Đối với trẻ em sức đề kháng yếu, thời tiết giao mùa luôn tiềm ẩn nguy cơ mắc nhiều loại bệnh. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng khoa Nhi - BV Bạch Mai) cho biết, bệnh giao mùa năm nay đáng lo nhất vẫn là sởi.

Trong thời điểm giao mùa năm nay, đáng lo ngại nhất vẫn là bệnh sởi với những diễn biến phức tạp hơn những năm trước. Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, trước đây, những biến chứng như viêm phổi, viêm tai, tiêu chảy, viêm não, viêm màng não… thường xảy ra sau khi sởi bay. Tuy nhiên, năm nay, nhiều trường hợp bị biến chứng viêm phổi rất nặng do virus sởi tấn công vào phổi trong khi đang mọc ban trên cơ thể.

Do đó, bệnh sẽ lây lan nhanh, dẫn đến suy hô hấp nặng, điều trị vất vả. Thậm chí, phải huy động thêm bình oxi và máy thở với trường hợp nặng. Qua kiểm tra, có trường hợp khi lấy hai kháng thể chủ đạo trong hệ thống miễn dịch dịch thể là IgA và IgG, nhận thấy hai kháng thể này đều giảm. Khi hai chỉ số này giảm sẽ dẫn đến virus sởi tấn công vào phổi, khiến cho bệnh nặng hơn.

Năm nay, đáng lo ngại nhất vẫn là bệnh sởi lúc giao mùa. (Ảnh: Lê Hiếu)

"Nhiều gia đình biết được diễn tiến của sởi, thậm chí do sởi tấn công vào phổi ngay nên khi bế trẻ đến bệnh viện sớm cũng đã là nặng, còn nếu đến muộn thì tiên lượng càng xấu. Do đó phụ huynh phải cảnh giác, khi nghi trẻ bị sởi cần đi khám ngay”, bác sĩ Dũng nhấn mạnh.

Ngoài bệnh sởi, trong thời điểm giao mùa, viêm đường hô hấp, sốt virus, tiêu chảy cũng là nhóm bệnh phổ biến thường gặp với trẻ mà bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng cảnh báo. Theo đó, bác sĩ khuyến cáo: với trẻ bị sốt hay bị các bệnh khi giao mùa cần được ăn uống đầy đủ và nghỉ ngơi. Bởi, hiện nay, một số phụ huynh vẫn cố ép trẻ đi học khi đang bị sốt hoặc ốm. Như vậy, hiệu quả học tập cũng bị ảnh hưởng mà có thể dẫn đến trẻ bị biến chứng nặng hơn.

Nguyễn Vũ

Bạn có thể quan tâm