Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cả nước có 25 trẻ tử vong vì bệnh sởi

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) công bố từ cuối năm 2013 tới thời điểm này có 3.380 trường hợp trẻ được chẩn đoán bị sởi, trong đó có 25 trẻ tử vong.

Trước diễn biến phức tạp của dịch sởi, chiều 8/4, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tổ chức cuộc họp trực tuyến về việc thực hiện kế hoạch tiêm vắc xin phòng, chống dịch và tiêm vét vắc xin sởi với sự tham gia của các Cục, Vụ, Viện trực thuộc.

GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, nhận định bệnh sởi đang diễn ra nằm trong quy luật chung của khu vực. Bệnh xuất hiện rải rác tại 59 tỉnh, thành phố. Nguyên nhân do tích lũy số trẻ em không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng nhưng không tạo được miễn dịch qua các năm.

Số mắc hiện tại thấp hơn so với dịch năm 2009-2010, tập trung tại một số địa phương miền núi như Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang,… những nơi gặp khó khăn trong việc triển khai tiêm chủng.

Bệnh nhi nằm ghép 4 để điều trị sởi ở BV Nhi TW
Nằm ghép 4 để điều trị sởi ở bệnh viện Nhi Trung ương. (Ảnh: Vietnamnet)

Riêng Hà Nội và TP.HCM có dân số đông, người nhập cư lớn nhưng không bùng phát dịch do tỷ lệ tiêm vắc xin sởi tương đối cao.

Đa số bệnh nhân mắc sởi đều không được tiêm chủng hoặc không rõ về tình trạng tiêm chủng (87,6%). Chỉ rất ít trẻ đã tiêm chủng đủ mũi bị mắc bệnh (4,2%). Đặc biệt chưa phát hiện có sự biến đổi về gene và các type vi rút sởi lưu hành tại Việt Nam. Các trưởng hợp tử vong do sởi phần lớn ở các tỉnh phía bắc có liên quan mật thiết với việc trẻ em bị mắc các bệnh về hô hấp, viêm phổi.

Theo số liệu của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay cả nước đã ghi nhận 6.611 trường hợp sốt phát ban dạng sởi, trong đó 2.492 trường hợp được xác định mắc bệnh sởi tại 59 tỉnh, thành. Các sở y tế đã lấy 4.335 mẫu xét nghiệm thì có 2.303 mẫu dương tính với sởi (53%). Tích lũy từ tháng 11/2013 - 31/3/2014 ghi nhận cả nước có 3.380 trường hợp mắc sởi, trong đó có 25 ca tử vong (năm 2009-2010 có 8.233 ca mắc).

Liên quan đến công tác tiêm vắc xin, PGS.TS Trần Đắc Phu (Cục trưởng cục Y tế dự phòng, bộ Y Tế) thông báo theo thống kê có 710.000 trẻ trên cả nước cần được tiêm vét vắc xin sởi đợt này. Hiện 53 tỉnh, thành đã tiêm vét cho trẻ 3 tháng tuổi, trong đó 41 tỉnh đã có báo cáo với 220.000/504.000 trẻ được tiêm. Thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo tiêm vắc xin cho đối tượng trong độ tuổi.

Nhận định tình hình bệnh, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết tuần thứ 6 và tuần 10 năm 2014 ghi nhận số ca mắc nhiều nhất. Tuy nhiên, sang tuần thứ 11 bắt đầu có xu hướng giảm. Dự kiến bệnh này sẽ được kiểm soát trong vài tháng tới.

Đồng quan điểm này, TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cũng nhận định tình hình chưa phức tạp. Tại TP này, hiện mỗi tuần ghi nhận 110 ca.

TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế dư phòng Hà Nội, cho hay từ tháng 12/2013 đến nay ghi nhận 900 ca sởi tại 300 xã, phường. Trong đó, 63% trẻ dưới 5 tuổi, 21% trẻ dưới 9 tháng. Ông Cảm cho rằng dịch năm nay cường độ ít hơn và không có nguy cơ bùng phát. Theo điều tra của Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, các ca mắc bệnh chủ yếu do chưa tiêm chủng.

Thứ trưởng bộ Y Tế Nguyễn Thanh Long cho biết hiện cứ 1h trôi qua, thế giới có 14 ca tử vong do sởi. Bộ sẽ thực hiện quyết liệt việc tiêm vắc xin bệnh này ngay cả khi dịch đã lui. Sắp tới, sẽ có chiến dịch tiêm tổng lực sởi - rubella cho 23 triệu trẻ em trong vòng 2 năm. Ngoài ra, sẽ thực hiện song song với việc tiêm vét, để tránh bỏ sót các đối tượng, bảo đảm sự an toàn cho trẻ.

Tập trung nguồn lực tối đa điều trị ca nặng

Nhằm khắc phục tình trạng quá tải bệnh nhân nặng ở bệnh viện tuyến cuối, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến vừa chỉ đạo bệnh viện Nhi Trung ương trước mắt tập trung tối đa nguồn lực điều trị cho các bệnh nhi nặng; tăng cường nhân lực tại phòng khám để sàng lọc, phân loại bệnh nhi, chuyển trường hợp nhẹ về tuyến dưới; sử dụng giường bệnh của các khoa không quá tải để tập trung điều trị bệnh nhi thuộc các khoa quá tải...

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cũng giao Cục Quản lý Khám chữa bệnh làm đầu mối chỉ đạo thực hiện quy định về chuyển tuyến hợp lý, quán triệt thực hiện vận chuyển bệnh nhân an toàn... Nếu bệnh nhân yêu cầu chuyển lên tuyến trên thì phải có hướng dẫn và tư vấn hợp lý. Đồng thời chỉ đạo Bệnh viện Nhi Trung ương tập huấn sớm về phác đồ chẩn đoán và điều trị các bệnh hô hấp, bệnh truyền nhiễm để phát hiện sớm các bệnh này tại tuyến dưới.

Các bệnh viện Bạch Mai, E, Nhiệt đới Trung ương sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ điều trị bệnh nhân nặng khi cần thiết. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẩn trương nghiên cứu để kết luận về tình trạng bệnh sởi hiện nay. (Theo Vietnamnet)

 

Thanh Tuyền

Bạn có thể quan tâm