Dịch giả Nguyễn Vân Hà, cựu giảng viên chuyên ngành ngôn ngữ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, hiện sống tại Hà Nội, đã dành một năm để chuyển ngữ bộ tiểu thuyết Đất lành từng giành giải Nobel Văn học năm 1932 của nữ tác giả Pearl S.Buck.
Cuốn sách kể về những biến chuyển của Trung Quốc trong giai đoạn giao thoa từ chế độ phong kiến sang hiện đại, thông qua cuộc đời của gia đình Vương Long với 3 thế hệ chung sống.
Phóng viên VietNamNet có cuộc trò chuyện với dịch giả Nguyễn Vân Hà xung quanh tác phẩm thú vị này.
- Lý do gì khiến chị dịch bộ tiểu thuyết "Đất lành"?
Trước khi dịch Đất lành, tôi đã chuyển ngữ tác phẩm Cuộc phiêu lưu của Augie March của tác giả người Mỹ gốc Do Thái Saul Bellow. Tác phẩm này cũng đoạt giải Nobel. Vì thế, khi anh Nguyễn Tuấn Bình (Bình Books) ngỏ lời mời dịch Đất lành, tôi đồng ý ngay. Bởi ngoài công việc, tôi rất thích những thử thách về mặt chuyên môn.
- Để dịch "Đất lành" không chỉ đòi hỏi vốn ngôn ngữ của dịch giả, mà cần sự hiểu biết về văn hoá, lịch sử. Chị có bị choáng ngợp trước ngồn ngộn thông tin trong cuốn sách?
Nói choáng ngợp cũng không hẳn vì trước đây vốn là dân nghiên cứu ngôn ngữ học và giảng viên nên tôi có thói quen tìm hiểu về tác giả, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm. Việc này giúp tôi hiểu rõ ý đồ, giọng kể của tác giả cũng như cấu trúc tổng thể của tác phẩm.
Với tiểu thuyết 3 tập Đất lành, tuy tác giả là người Mỹ, nhưng đã trải qua 30 năm sống ở Trung Quốc nên cấu trúc chương hồi của văn chương nơi đây đã ngấm vào bà. Tác giả áp dụng cấu trúc đó để viết Đất lành. Đây là lựa chọn xuất sắc nhằm chuyển tải câu chuyện về đất nước và con người Trung Quốc. Chính vì thế, ta thấy được sự khái quát hóa nhân vật trong tác phẩm.
Cách kể chuyện của Pearl S.buck như một bức tranh liên hoàn, chân thực, rõ nét và giản dị. Chính sự giản dị ấy là thử thách với tôi. Vấn đề quan trọng nhất của quá trình chuyển ngữ là chọn từ sao cho phù hợp. Đọc văn dịch mà như không dịch là điều tôi thấy thích thú nhất, khi bản thân thấy hứng thú mới hy vọng người khác giống mình được.
- Chị cảm nhận thế nào về nhân vật lão nông Vương Long trong tác phẩm?
Lão nông Vương Long dù không biết chữ nhưng giàu lên nhờ bám vào đất, dành tình yêu tha thiết với mảnh đất nơi ông sinh ra. Khi nạn đói ập tới, Vương Long đã dành miếng ăn hiếm hoi để phụng dưỡng cha già, quên đi chính mình cùng vợ và đàn con. Vương Long cũng sẵn sàng mắng người thiếp xinh đẹp như tranh vì không thương yêu con trai riêng của ông mà yêu chiều con gái mắc bệnh ngớ ngẩn...
Thông điệp tác giả muốn gửi gắm là: Để làm giàu, bạn phải yêu và gắn bó với công việc mình làm; Con người dù đói khát đến mất mạng cũng phải coi trọng chữ hiếu.
Vương Long được tác giả mô tả với nhiều tình tiết có tính khái quát cao, là người tuân theo trung - hiếu - lễ - nghĩa - trí - tín, biết kính sợ thần thánh, coi cha hơn vợ con, coi chính thất hơn vợ lẽ, coi con trai hơn con gái…
Tất nhiên, điểm đặc sắc của Vương Long nằm ở chỗ ông không chỉ chịu thương chịu khó, khôn ngoan biết thay đổi cùng thời cuộc mà còn không phó mặc đời mình theo mệnh trời.
Cảnh ấn tượng nhất trong Đất lành là khi Vương Long kêu gọi mọi người đánh đuổi đàn châu chấu, cứu vài mảnh ruộng. Ông được dân trong vùng khen ngợi là người tử tế và tốt bụng: Hiếu thuận với cha; có vợ lẽ nhưng rất tử tế với vợ cả; yêu con trai nhưng lo hết cho con gái, biết lo xa cho hậu sự của đứa con gái ngớ ngẩn...
Việc tác giả mô tả cái hay, cái tốt bên cạnh sự gàn dở, thói xấu của Vương Long đã thu hút tôi. Nhân vật này có sức hấp dẫn mạnh mẽ chính vì sự chân thật từ suy nghĩ tới hành động. Ông yêu ghét rõ ràng, thẳng thắn bộc lộ, không làm màu.
Bộ tiểu thuyết "Đất lành" giành giải Nobel. |
- Hình ảnh gia đình mà tác giả xây dựng trong bộ truyện khơi gợi trong chị cảm xúc gì?
Theo tôi, cái hay của Pearl S.Buck ở chỗ bà không ca ngợi nhân vật nào một chiều. Bản thân Vương Long có cái hay, cái dở. Con cháu ông cũng vậy. Đất lành là câu chuyện trải dài qua ba thế hệ nhà họ Vương, từ thời phong kiến tới hiện đại. Ba nhân vật chính gồm Vương Long, Vương Mãnh Hổ (con út Vương Long), Vương Nguyên (cháu Vương Long) đều phản ánh thế sự lẫn thay đổi về mặt ý thức hệ của mỗi cá nhân.
Nếu Vương Long sống nhờ đất thì Vương Mãnh Hổ sống nhờ chiến chinh, còn Vương Nguyên sống nhờ tri thức. Con người thay đổi theo thời cuộc, thời cuộc không phải là hàm số bất biến, có thể dễ dàng dự đoán. Đây là nét đặc sắc nổi bật của bộ tiểu thuyết.
- Đất lành khép lại bằng cơn hấp hối của Vương Mãnh Hổ - con trai Vương Long, chị thấy cái kết này như thế nào?
Tôi hoàn toàn hài lòng và thấy “đã” với cái kết này. Đây là cái kết tươi sáng, đầy hứa hẹn về một tương lai tốt đẹp hơn. Câu nói của Vương Nguyên: “Cả hai đứa mình chẳng còn sợ gì nữa hết” là lời cam kết can đảm dựa trên tình yêu. Vương Nguyên với học vấn về kỹ thuật canh nông theo kiểu phương Tây và Mỹ Linh với học vấn về ngành y, hai trí thức trẻ này hứa hẹn sẽ mở ra một thời đại mới.
Ra đời năm 1931, Đất lành mang đến cho độc giả cái nhìn đầy tính hiện thực về con người sống trong vòng luẩn quẩn của xã hội Trung Quốc những năm đầu thế kỷ XX, mà Vương Long là một đại diện điển hình.
Nguyễn Tuấn Bình là đồng dịch giả bộ tiểu thuyết này. Anh lựa chọn cách minh hoạ của Franklin Library (xuất bản năm 1975), do hoạ sĩ Anthony Young Chen thực hiện.