Năm 1968, Kawabata Yasunari trở thành nhà văn Nhật Bản đầu tiên đoạt giải Nobel Văn chương. Bài diễn từ nhận giải của ông có tựa Nước Nhật đẹp đẽ nơi tôi sinh ra (theo bản dịch của Nguyễn Nam Trân). Năm 1994, Nhật Bản có Nobel Văn chương thứ hai - trao cho tác giả Oe Kenzaburo. Như một sự tiếp nối truyền thống, mà cũng như một lời đáp lại Kawabata, Oe chọn tựa Nước Nhật mơ hồ nơi tôi sinh ra (chữ "mơ hồ" còn được dịch theo một số cách khác như "đa nghĩa", "nhập nhằng").
Sách Tiếng thét câm lặng. Ảnh: Nhã Nam nho xanh. |
Đều gọi tên đất nước mình để mở đầu cho văn bản rồi sẽ được cả thế giới tìm đọc ấy, nhưng một từ ngữ khác biệt trong hai tiêu đề kia cũng phần nào nói lên được khác biệt trong văn chương của hai tác giả. Nếu như Kawabata khắc họa nước Nhật với nét đẹp tự thân, thanh khiết hiển thị trước mắt chỉ chờ được chiêm ngưỡng thì Oe hướng đến sự phân tích thấu đáo, đến những ý nghĩa khác hàm chứa bên trong cái đẹp bọc bên ngoài, như nhận định của nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu.
Nhân dịp ra mắt tác phẩm Tiếng thét câm lặng của Oe vừa được dịch và giới thiệu đến bạn đọc Việt, sáng ngày 6/4 tại TP.HCM, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu đã giao lưu, trò chuyện với độc giả trẻ về văn chương Oe nói riêng và văn học Nhật nói chung.
Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu (trái) và MC Tuyết Anh (phải) tại buổi giao lưu. |
Tiếng thét câm lặng ra đời vào năm 1967, cùng năm với kiệt tác Trăm năm cô đơn của Gabriel García Márquez. Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu nhận xét rằng hai tác phẩm chia sẻ nhiều điểm chung như đều kể chuyện về các gia tộc, các chi tiết như loạn luân,... song Tiếng thét câm lặng lại là câu chuyện của 100 năm nổi loạn: người cháu muốn tái hiện biến cố nổi loạn nông dân của ông cố mình 100 năm trước.
Được xem là nhà văn hiện đại đầu tiên của Nhật Bản, văn chương Oe Kenzaburo giàu tính hiện đại, mà trong đó phải kể đến tính toàn cầu. Như trong tác phẩm này, bối cảnh nước Nhật còn rất mơ hồ mà nếu tước đi tên các địa danh và một số điển tích, người ta dễ nghĩ câu chuyện có thể diễn ra ở bất cứ đâu.
Oe chịu ảnh hưởng của các triết gia, tác giả phương Tây đương thời. Nhiều người nhận đọc văn ông mang lại cảm giác đọc một bản dịch sách nước ngoài sang tiếng Nhật, thậm chí chính người Nhật còn cảm thấy khó đọc.
Bìa phiên bản tiếng Anh của tác phẩm. |
Theo nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, tại Việt Nam, tên tuổi Oe chưa được biết đến nhiều, so với lớp nhà văn Kawabata Yasunari, Natsume Soseki, Abe Kobo, Mishima Yukio, Tanizaki Junichiro,... vốn đã được dịch và nghiên cứu, phân tích nhiều, có lượng độc giả riêng. Oe cũng không phải tác giả bán chạy, có lượng người hâm mộ đông như các tác giả văn học Nhật hiện đại về sau này là Murakami Haruki, Yoshimoto Banana.
Trước nay số ít tác phẩm Oe từng được dịch sang tiếng Việt rất rải rác dù tên tuổi của ông được thế giới biết đến và càng nổi tiếng từ sau Nobel Văn chương 1994. Tại Việt Nam, ngay cả trong giới phê bình, văn chương Oe cũng không thường được chọn làm đề tài nghiên cứu.
Một lý do là trong các sáng tác của mình ông thường thẳng thắn đề cập đến những vấn đề xã hội gai góc, với văn phong không dễ đọc nếu không muốn nói là rất kén độc giả. Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu chia sẻ: Oe không viết văn từ lý thuyết, mà ông hiểu trọn đời sống, nhìn thấu sự việc.
Ông chẳng tự ti cũng chẳng tự tôn. Với những truyền thống, cái đẹp của Nhật Bản mà một số văn hào khác đề cao, ông chỉ suy ngẫm, tìm hiểu mà không ca ngợi hay phê phán. Đến cả câu chuyện trong Tiếng thét câm lặng cũng không thuộc loại đặc sắc. Cái hay nằm ở thứ văn chương được chạm trổ đẽo tạc của bậc kỳ tài ngôn ngữ, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu đúc kết.
Tiểu thuyết được kỳ vọng sẽ đưa độc giả Việt đến gần hơn với văn chương Oe, đồng thời đóp góp cho việc đọc, giới thiệu, thảo luận các tác phẩm xuất sắc của văn học Nhật.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.