Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng lên cơ thể một người đàn ông đang nằm bất động tại thành phố Monrovia, Liberia do nghi ngờ người đàn ông nhiễm virus Ebola hôm 4/9. Ảnh: AP |
Trong bối cảnh số người chết vì Ebola tăng lên mức hơn 2.400 trong tổng số 4.784 ca nhiễm bệnh, bà Margaret Chan, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói trong một cuộc họp báo tại thành phố Geneva, Thụy Sĩ hôm 14/9 rằng quy mô của dịch – đặc biệt tại 3 nước Guine, Liberia và Sierra Leone – đòi hỏi một phản ứng khẩn cấp trên diện rộng, Reuters đưa tin.
Bà Sarah Crowe, người phát ngôn của UNICEF, nói rằng cơ quan này đang áp dụng những biện pháp sáng tạo để đối phó dịch sốt xuất huyết Ebola. Chẳng hạn, UNICEF khuyên người dân sử dụng mọi thứ mà họ có – như túi nilon – để bảo vệ bản thân nếu họ phải chăm sóc những thành viên nhiễm virus Ebola trong gia đình họ.
“Các trung tâm điều trị Ebola không còn chỗ để chứa bệnh nhân. Chỉ 3 trung tâm như vậy tồn tại ở Liberia. Những thân nhân của bệnh nhân Ebola cần sự giúp đỡ trong việc tìm ra những biện pháp mới để đối phó với dịch. Chúng tôi không có đủ đối tác tại thực địa. Nhiều người Liberia cảm thấy thế giới đang bỏ rơi họ”, Crowe nói qua điện thoại từ thành phố Monrovia, thủ đô của Liberia.
Những người sống sót sau khi nhiễm virus Ebola, đối tượng không thể tái nhiễm bệnh, nhận nhiệm vụ chăm sóc hàng nghìn đứa con của những người có khả năng nhiễm Ebola.
“Khoảng 2.000 đứa trẻ mất bố, mẹ hoặc cả hai phụ huynh tại Liberia”, Crowe nói.
Chan nói rằng biện pháp chủ yếu để ngăn chặn sốt xuất huyết Ebola chính là sức mạnh nhân dân. Nhiều chính phủ và tổ chức nhân đạo cam kết họ sẽ viện trợ thiết bị và tiền, nhưng các bệnh nhân cần 500-600 chuyên gia nước ngoài và ít nhất 1.000 nhân viên y tế địa phương.
“Số lượng bệnh nhân mới tại các trung tâm điều trị Ebola tăng nhanh hơn so với khả năng đối phó tình hình của các trung tâm. Chúng tôi cần tăng lực lượng chuyên gia y tế lên gấp ít nhất 3 tới 4 lần để theo kịp sự lây lan của dịch”, Chan lập luận.