Với những người dân châu Á yêu thích ẩm thực, dịch Covid-19 như một cơn ác mộng vì ngay cả những buổi tụ họp đi ăn đơn giản với gia đình và bạn bè dường như cũng là ước mơ xa vời. Tuy vậy, điều đó không có nghĩa họ chịu từ bỏ niềm yêu thích với ẩm thực của mình.
Theo South China Morning Post, cơn sốt giao đồ ăn đang bùng lên ở nhiều quốc gia châu Á và giúp "giải cứu" những người ở trong nhà hàng tuần liền theo chính sách giãn cách xã hội để ngăn dịch bệnh lan rộng.
Giới quan sát nhận định dịch bệnh có nguồn gốc từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) dường như đang định hình lại - theo một cách tích cực - mối quan hệ giữa người tiêu dùng và thực phẩm, cũng như những người tham gia vào quy trình sản xuất thực phẩm.
Tại Singapore, Melvin Chew, một người bán thịt vịt và lợn om, là minh chứng cho sự thành công của trang mạng anh tạo ra với mục đích hỗ trợ những người bán hàng, đặc biệt là bán đồ ăn.
Một quán ăn ở Singapore. Ảnh: EPA. |
Giải cứu các quán ăn nhỏ
Kể từ khi được thành lập vào ngày 3/4, khi Thủ tướng Lee Hsien Loong tuyên bố đóng cửa Singapore để ngăn chặn Covid-19 lây lan, trang "Hawkers United - Dabao 2020" của Chew đã thu hút gần 230.000 lượt người theo dõi.
Trang mạng mang đến cho các chủ hàng rong - đặc biệt là những người không có liên kết với các ứng dụng giao thực phẩm - cơ hội đưa thực đơn của tiệm tới khách hàng và giao hàng trực tiếp.
Các nhân viên giao hàng tự do cung cấp dịch vụ với phí rẻ hơn nhiều so với các ứng dụng giao hàng như GrabFood, Deliveryoo và Foodpanda. Hiện tại, người Singapore giao hầu như mọi thứ từ thực phẩm cao cấp đến các món chap kway truyền thống bán tại khu phố Hoa.
Ông Chew - 42 tuổi, chủ một quầy đồ ăn ở một trung tâm hàng rong tại khu phố người Hoa ở Singapore - cho biết: "Không phải vì các món ăn. Tôi nghĩ thứ mà người Singapore muốn giữ gìn là các trung tâm hàng rong như thế này".
Chew cho biết doanh thu của quán đã giảm 80% kể từ khi ông không thể bán cho khách dùng tại chỗ nữa. "Dù giàu hay nghèo, người ta vẫn tìm đến các quán hàng rong để tận hưởng niềm vui mua thức ăn", ông nói thêm.
Tại một trung tâm hàng rong ở phố người Hoa ở Singapore. Ảnh: AFP. |
Benjamin Yang, chiến lược gia về lợi nhuận ngành thực phẩm và đồ uống, nhận định "cuộc cách mạng số hóa" của các trung tâm hàng rong tại Singapore là một tia sáng lạc quan giữa bầu không khí ảm đạm mà đảo quốc sư tử đang trải qua vì dịch Covid-19.
Yang đang điều hành Manyplaces.sg, một trang web hoạt động tương tự như trang fanpage của Chew với mục tiêu kết nối khách hàng với nhiều cửa hàng ẩm thực nhỏ. Hiện nay nền tảng có khoảng 300 cửa hàng, vầ tất cả đều được miễn phí quảng cáo.
Những sáng kiến như thế không chỉ giới hạn trong phạm vi Singapore. Tại Bangkok (Thái Lan), chủ nhà nghỉ Peangploy Jitpiyatham đã đổi trang web nhà nghỉ của mình thành một ứng dụng giao thức ăn cho Loc Locall, nền tảng vận chuyển thực phẩm mà anh vừa tạo ra.
Hỗ trợ cộng đồng
Khách hàng sử dụng nền tảng này sẽ có thể đặt món từ 30 nhà hàng khác nhau. Không giống như các ông lớn trong ngành, ứng dụng của Peangploy cho phép người dùng đặt hàng từ nhiều cửa hàng khác nhau cùng lúc. Peangploy nói: "Mục tiêu của chúng tôi là hỗ trợ cộng đồng, đặc biệt là hỗ trợ những người bán nhỏ vượt qua khó khăn trong thời gian này".
Những người khác tại Thái Lan cũng nhìn thấy cơ hội le lói trong ngành bán lẻ thực phẩm. Sasimon Chamnansarn, một tiếp viên hàng không tại Bangkok, bắt đầu bán thịt lợn tẩm ướp và phơi khô cho bạn bè, và ngạc nhiên với nhu cầu tăng vượt trội.
Trả lời SCMP, Sasimon cho biết: "Tôi đã liên hệ với một nhà máy để sản xuất và đóng gói thịt. Không có gì là chắc chắn cả, và tôi phải sẵn sàng thay đổi. Ai có thể nghĩ nghề phi công và tiếp viên hàng không một ngày nào đó lại thiếu ổn định như lúc này?"
Tại Malaysia, một cuộc cách mạng thực phẩm khác đang diễn ra. Trên các phương tiện truyền thông xã hội xuất hiện thông tin về các tài xế giao hàng được tận dụng để trao đổi các món ăn tự nấu tại nhà.
Nhà hoạt động nhân quyền Firdaus Husni cho biết người em trai chưa tốt nghiệp của cô đã phải ở lại trường học khi đất nước phong tỏa hàng tuần liền. Cô đã phải gửi thực phẩm và thức ăn, thứ cô gọi là "những kiện hàng yêu thương" để hỗ trợ em trai mình.
Nhân viên giao thức ăn ở Malaysia. Ảnh: AFP. |
Firdaus cho biết việc trao đổi thực phẩm đã trở thành một phần của Malaysia những ngày gần đây. "Khi tôi nói với bạn bè rằng tôi đã bỏ lỡ món cua rasam, một người bạn đã nấu và giao tận tay tôi", cô chia sẻ. Cô cũng nhận được cà ri Laksa và nasi lemak - những món ăn truyền thống của Malaysia từ bạn mình.
Yudistra Darma Dorai, một luật sư tại Kuala Lumpur, cho biết thực phẩm đã trở thành phương thức kết nối mới trong giai đoạn cách ly chống dịch. Luật sư này cho biết bạn bè và người thân đã gửi thức ăn nấu sẵn cho anh trong thời gian này để Yudisma không phải cùng lúc làm việc quá sức và chuẩn bị các bữa ăn.
Redzuawan Ismail, một đầu bếp nổi tiếng tại Malaysia và Singapore nhận định: "Thói quen ăn uống của rất nhiều người sẽ thay đổi sau thời kỳ này". Mọi người sẽ cẩn thận hơn, số khác sẽ dành thời gian tận hưởng bữa ăn với gia đình. Đồng thời, dịch vụ giao hàng tận nhà và mua hàng mang đi sẽ trở nên phổ biến hơn.