Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thành phố cách xa 800 km nuôi sống người dân Vũ Hán như thế nào?

Chính quyền Trung Quốc đang vất vả tìm cách đảm bảo nguồn cung thực phẩm và ổn định giá cả khi người dân ồ ạt mua đồ ăn dự trữ vì lo ngại dịch virus corona.

Theo New York Times, dọc theo những con đường dẫn vào thị xã Thọ Quang (tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc), các nhân viên mặc bộ đồ bảo hộ kín mít chặn từng chiếc xe để kiểm tra thân nhiệt tài xế.

Việc kiểm tra thân nhiệt cũng là bắt buộc tại các văn phòng. Mọi khách sạn đều đóng cửa. Các khu dân cư cũng bế quan tỏa cảng, không cho người ngoài xâm nhập.

Thọ Quang nằm cách thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc - tâm chấn của dịch virus corona - khoảng 804,7 km. Nhưng các biện pháp phòng ngừa chặt chẽ cho thấy tầm quan trọng sống còn của thành phố này đối với Trung Quốc. Đây là một trong những nơi cung cấp rau quả chính của đất nước 1,4 tỷ dân.

New York Times nhận định dịch virus corona là bài kiểm tra khả năng đảm bảo nguồn cung thực phẩm của Trung Quốc. Lo sợ dịch bệnh có thể kéo dài hàng tuần đến hàng tháng, các hộ gia đình trên khắp Trung Quốc không dám bước ra khỏi nhà.

Gia ca o Trung Quoc anh 1

Người Trung Quốc đổ xô mua thực phẩm tích trữ vì lo sợ virus corona. Ảnh: New York Times.

Đổ xô mua thực phẩm dự trữ

Những ngày này, người tiêu dùng Trung Quốc ồ ạt tích trữ thực phẩm và các loại hàng hóa thiết yếu. Điều đó khiến các cửa hàng và siêu thị không thể giữ thực phẩm tươi sống trong kho. Nhiều tuyến đường bị phong tỏa cũng khiến thời gian và chi phí giao hàng tăng cao.

Chính quyền Trung Quốc cam kết sẽ đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho Vũ Hán, thành phố 11 triệu dân bị phong tỏa vì dịch bệnh. Thọ Quang - một trong những trung tâm trồng trọt, buôn bán và vận chuyển rau lớn nhất đất nước - bắt đầu chuyển rau tới Vũ Hán bằng xe tải.

Giá bán lẻ thực phẩm tươi sống tăng lên ở nhiều nơi khiến các quan chức đau đầu. Giá rau Thọ Quang đã tăng vọt lên mức cao nhất trong tuần qua. Ngoài ra, nông dân chăn nuôi gia cầm tỉnh Hồ Bắc cũng cảnh báo về việc nguồn cung thức ăn chăn nuôi cạn kiệt có thể khiến hàng trăm triệu gia cầm chết đói.

Theo CNBC, việc chính quyền Trung Quốc phong tỏa tỉnh Hồ Bắc để ngăn chặn dịch virus corona lây lan làm hàng loạt chuỗi cung ứng nước này đóng băng. Vận tải tắc nghẽn đồng nghĩa với việc các loại thức ăn gia súc như đậu nành không thể tới được nhiều trang trại chăn nuôi gia cầm.

Cuộc khủng hoảng đối với gia cầm Trung Quốc có thể trầm trọng hơn nữa do dịch cúm gia cầm H5N1 ở Hồ Nam (Trung Quốc), theo Reuters. Hơn 4.500 con gà bị chết, hơn 17.000 gia cầm đã bị tiêu hủy sau khi dịch bệnh bùng phát.

Gia ca o Trung Quoc anh 2

Trong khi dịch virus corona vẫn đang lan rộng, một đợt cúm gà lại bùng phát ở tỉnh Hồ Nam. Ảnh: CNBC.

Trong những tháng gần đây, giá cả ở Trung Quốc đã tăng cao do tình trạng khan hiếm thịt lợn vì dịch cúm lợn châu Phi. Do đó, chính quyết Bắc Kinh đang vất vả tìm cách đảm bảo nguồn cung thực phẩm trong bối cảnh hầu hết hoạt động kinh tế bị ngưng trệ.

Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã ra lệnh cho ngành nông nghiệp tăng sản lượng “bằng mọi giá” và ổn định giá cả. Các nhà chức trách cũng đưa ra các hình phạt để trừng phạt những cửa hàng đẩy giá lên cao.

Truyền thông Trung Quốc đưa tin một siêu thị đã bị phạt 70.000 USD vì bán bắp cải với giá 9 USD/cây.

Hai đại gia thực phẩm thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc đang nỗ lực tăng nguồn cung gạo, bột mì, dầu ăn và thịt cho Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc. Kang Shi Fu, một nhà sản xuất mì ăn liền, cũng tăng sản lượng lên 4 triệu gói mỗi ngày.

"Thành phố bị phong tỏa, chúng tôi cũng không thể làm gì thêm"

Trong cuộc họp hôm 3/2, các quan chức Trung Quốc cho biết đã phối hợp với 6 tỉnh gần Hồ Bắc để tích trữ 60.000 tấn rau. Họ cũng nói đã chuẩn bị 10.000 tấn thịt lợn đông lạnh gần cảng Thượng Hải để có thể gửi đến Vũ Hán bất cứ lúc nào.

Tuy nhiên, khả năng duy trì nguồn cung thực phẩm của Trung Quốc còn phụ thuộc vào mức độ lây lan của virus chết người. Wang Zhigang, người quản lý của một chợ bán buôn tại Thọ Quang, khẳng định: “Miễn là virus không tấn công thành phố và thành phố vẫn có thể tiếp tục vận chuyển, nguồn cung cấp rau của Trung Quốc sẽ vẫn dồi dào”.

“Nhưng nếu Thọ Quang bị phong tỏa, chúng tôi cũng không thể làm gì hơn”, ông Wang nói thêm. Thành phố 1,1 triệu dân này cung cấp 4,5 triệu tấn rau mỗi năm cho Trung Quốc.

Một lượng lớn rau được vận chuyển đến các chợ bán buôn để đến mọi ngõ ngách của đất nước. Tờ Farmers’ Daily từng ca ngợi Thọ Quang là Thung lũng Silicon của ngành công nghiệp rau quả Trung Quốc.

Gia ca o Trung Quoc anh 3

Thọ Quang được mệnh danh là Thung lũng Silicon của ngành công nghiệp rau quả Trung Quốc. Ảnh: New York Times.

Hiện, khi mối lo ngại về virus corona thúc đẩy nhu cầu rau trên cả nước, nông dân Thọ Quang phải khai thác cả nguồn dự trữ. Nguồn dự trữ này bao gồm khoai tây, củ cải, hành tây, cải bắp và một số loại rau khác có thể bảo quản lạnh trong nhiều tháng.

Tại cổng chợ bán buôn, những người lái xe tải được kiểm tra thân nhiệt cẩn thận. Tất cả các phương tiện được phun thuốc khử trùng. Người ngoài không được phép vào.

Tuần trước, 350 tấn sản phẩm từ Thọ Quang đã được vận chuyển đến Vũ Hán bằng một đoàn xe tải với một xe cảnh sát dẫn đầu.

Dồn thực phẩm cho Vũ Hán

Thực phẩm được những người như ông Li Youhua - 51 tuổi, một nông dân trồng ớt ở một ngôi làng gần thành phố - chất lên các xe tải. Một đêm cuối tuần trước, các nhà lãnh đạo địa phương đã gửi tin nhắn trên ứng dụng nhắn tin WeChat, yêu cầu nông dân địa phương cung cấp sản phẩm để gửi đến Vũ Hán.

Ông Li đã nhanh chóng hành động. Ông, vợ và hai cô con gái làm việc suốt đêm. Họ thu hoạch nửa tấn ớt, gấp đôi sản lượng trung bình thường ngày. Ông Li cho biết chính quyền địa phương không nói về việc trả công cho ông. “Nhưng riêng việc cuộc khủng hoảng này kết thúc đã là một món quà”, ông Li Youhua nói.

“Khi Thọ Quang bị lũ lụt thảm khốc trong những năm gần đây, mọi người từ khắp Trung Quốc đã viện trợ cho tôi và những người nông dân khác. Chúng tôi sẽ không quên điều đó”, New York Times dẫn lời ông Li kể.

Hôm 1/2, một đoàn xe tải vận chuyển bông cải xanh, súp lơ, khoai tây và nhiều loại rau khác từ Thọ Quang đến Vũ Hán. Khi những người lái xe tải rời khỏi thành phố vào sáng sớm hôm đó, họ suy nghĩ về những gì sẽ nhận được.

Gia ca o Trung Quoc anh 4

Biểu ngữ: “Nhanh chóng đến cứu Vũ Hán với 5.000 tấn rau” trên xe tải của anh Ma. Ảnh: New York Times.

Họ không chắc mình sẽ được trả bao nhiêu cho công việc này. Nhưng họ biết rằng khi hoàn thành công việc, họ sẽ bị cách ly tại nhà trong 2 tuần, nghĩa là mất đi hàng nghìn USD thu nhập.

Tuy nhiên, Ma Chenglong, 34 tuổi, tình nguyện đi ngay lập tức sau khi nhận được cuộc gọi trên mạng xã hội. “Khi đất nước gặp khó khăn, dân thường cũng có nghĩa vụ”, anh Ma khẳng định.

Chiếc xe tải của anh Ma treo biểu ngữ màu đỏ: “Nhanh chóng đến cứu Vũ Hán với 5.000 tấn rau”. Dù vậy, những người nông dân này cũng lo lắng rằng gia đình sẽ bị xa lánh nếu mọi người biết anh đi đến Vũ Hán.

Anh Ma cho biết người duy nhất anh kể về chuyến đi là vợ mình.

Hàng trăm triệu gia cầm ở Trung Quốc có thể chết đói vì virus Vũ Hán

Sau cuộc khủng hoảng thịt lợn, đến lượt nông dân nuôi gà Trung Quốc đối mặt với thảm họa. Hàng trăm triệu con gà ở các trang trại nước này có thể chết đói vì dịch virus corona.

Thương chiến, bom nợ và dịch bệnh cùng bóp nghẹt kinh tế Trung Quốc

Dịch virus corona không chỉ giáng cú đòn choáng váng lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mà còn tăng "độc lực" của thương chiến và khiến bom nợ Trung Quốc phình to.

Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm