Ngày 4/8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì phiên họp của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
Tại cuộc họp này, Ban chỉ đạo đã bàn về nội dung dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng về tăng cường, nâng cao hiệu quả thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong giai đoạn mới; công tác mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế, máy móc phục vụ phòng chống dịch; điều chỉnh giá xét nghiệm; vấn đề đặt máy, thuê máy phục vụ phòng chống dịch…
Chưa có bằng chứng khẳng định dịch lây mạnh trong cộng đồng
GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết trên địa bàn Đà Nẵng, viện đã tiến hành xét nghiệm kháng thể 5.000/7.000 mẫu ở các khu cách ly và trong cộng đồng.
Trên cơ sở kết quả thu được, có căn cứ để xác định các mẫu bị nhiễm vào khoảng đầu tháng 7 và ổ dịch ở Đà Nẵng khởi phát vào đầu tháng này. Thời gian tới, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sẽ tiếp tục thu thập mẫu, xét nghiệm để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì phiên họp của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: VGP. |
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, căn cứ trên xét nghiệm các ca mắc và qua điều tra dịch tễ, có thể thấy số ca lây lan ra ngoài cộng đồng chưa nhiều. Đến nay, mới phát hiện 6 ca cộng đồng. Hiện chưa có các trường hợp nào bị lây từ các bệnh nhân này. Về cơ bản, các ca nhiễm đều liên quan đến 3 bệnh viện ở Đà Nẵng.
Qua xét nghiệm tại Hà Nội, TP.HCM và một số cơ sở y tế lớn, chưa phát hiện các ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng, trừ các ca liên quan đến Đà Nẵng. Như vậy, chưa có bằng chứng để khẳng định dịch bệnh lây nhiễm rất mạnh ngoài cộng đồng.
GS.TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, nhắc lại thời điểm bắt đầu dịch là từ tháng 7. Đặc biệt, qua phân tích gen của virus gây bệnh trên các bệnh nhân, có thể khẳng định đây là nguồn mới xâm nhập, từ một điểm phát ra (khu 3 bệnh viện ở Đà Nẵng)… Do virus lần này đã đột biến, dẫn tới tình trạng lây nhiễm trong gia đình, lây nhiễm chéo cao.
Bộ Y tế sẽ tăng quân cho Đà Nẵng, Quảng Nam
Về công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới, ông Nguyễn Thanh Long cho biết tới đây Bộ Y tế sẽ tập trung chỉ đạo, hỗ trợ chống dịch cho Quảng Nam như đã làm với Đà Nẵng.
Bộ Y tế sẽ tiếp tục “tăng quân” vào khu vực này, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ truy tìm các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng để kịp thời cách ly, khoanh vùng, dập dịch, nhanh chóng kiểm soát tình hình, giảm thiểu tử vong.
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: VGP. |
Theo ý kiến của các thành viên Ban chỉ đạo, kết quả ngăn chặn dịch bệnh vừa qua cho thấy các chỉ đạo, quyết sách chống dịch là đúng.
Ban chỉ đạo thống nhất nhận định tình hình ở Đà Nẵng và Quảng Nam đang được kiểm soát. Dự báo trong những ngày tới đây sẽ tiếp tục phát hiện các ca nhiễm trong cộng đồng và nhiều khả năng sẽ còn các ca tử vong là những bệnh nhân nặng đang điều trị tại các khoa chạy thận nhân tạo, hồi sức cấp cứu, tim mạch.
Ban chỉ đạo cũng nhấn mạnh với gần 100 triệu dân, đường biên giới dài hơn 4.000 km nên nguy cơ có dịch luôn thường trực trong cộng đồng. Vì vậy, phải thiết lập trạng thái bình thường mới với từng người dân, gia đình, tổ chức và toàn xã hội.
Theo đó, đất nước vẫn sản xuất, kinh doanh, giải trí, làm những việc cần thiết trong cuộc sống, nhưng phải trong điều kiện mới, cách làm mới để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Cuộc chiến còn dài
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu trong thời gian tới, một mặt phải tập trung dập dịch nhanh nhất có thể. Mặt khác cũng phải siết chặt lại kỷ cương, “lên dây cót” cả hệ thống, trước hết trong ngành y tế.
“Cuộc chiến này còn dài đến khi nào có vaccine, thuốc đặc trị. Chúng ta mới thắng từng trận đánh, từng chiến dịch chứ chưa thắng cả cuộc chiến”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Trên thế giới, rất nhiều nước do lơi lỏng, dịch bệnh đã quay lại, bùng phát thành làn sóng mới, đe dọa rất nghiêm trọng. Dịch bệnh ở thành phố Đà Nẵng thời gian qua là lời cảnh báo rất nghiêm khắc cho tất cả các bệnh viện, các địa phương, các ngành, các cấp.
Các lực lượng chuẩn bị hàng hóa chi viện cho Bệnh viện Đà Nẵng - nơi đang được coi là ổ dịch. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Phó thủ tướng ví phòng, chống dịch giống như bảo vệ tuyến đê trong mùa lũ, điểm xung yếu nhất phải được canh giữ cẩn trọng nhất. Mọi rò rỉ, nhất là ở nơi xung yếu, phải được phát hiện ngay và bịt lại.
“Chúng ta phải thực hiện triệt để các chỉ đạo về quản lý sức khỏe của người dân, đặc biệt người cao tuổi, có bệnh nền, siết lại kỷ cương trong các bệnh viện, thực hiện nghiêm, triệt để quy định phòng dịch đối với mọi người đến khám bệnh và nhân viên y tế”, Phó thủ tướng lưu ý và cho rằng mỗi sự cố xảy ra là một bài học và không được để điều đó lặp lại.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế rà soát lại toàn bộ quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch. Theo ông, nếu thực hiện tốt, chúng ta hoàn toàn có lòng tin sẽ chống được dịch bệnh, có cuộc sống, sản xuất kinh doanh bình thường mới.
“Ở đâu đó có làn sóng dịch bệnh thứ hai nhưng Việt Nam quyết tâm không để xảy ra. Không để câu chuyện quay lại giãn cách xã hội trên diện rộng, ở quy mô toàn quốc. Chúng ta phải khoanh vùng nhỏ nhất có thể, còn những nơi khác phải ở trong trạng thái bình thường mới để phát triển”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.