Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 3/8, báo chí đặt nhiều câu hỏi cho lãnh đạo các bộ, ngành về tình hình dịch Covid-19 và các giải pháp ứng phó.
Đội quân kinh nghiệm nhất đều điều tới Đà Nẵng
Trước câu hỏi liên quan đến đề xuất của Chủ tịch TP Đà Nẵng về cách ly tại nhà khi khu cách ly tập trung quá tải, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết Bộ đã chuẩn bị phương án này từ lâu và sẵn sàng thực hiện khi có lệnh của Ban chỉ đạo.
Thứ trưởng Cường nhắc lại quan điểm của Bí thư TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng dịch ở Đà Nẵng đã âm thầm trong vòng 1 tháng và đã diễn ra 2 đến 2,5 chu kỳ rồi. Vì thế phải chuẩn bị tinh thần áp dụng biện pháp cao nhất.
“Chúng tôi tiếp thu và nghiên cứu phương án của Bí thư Thành ủy TP.HCM đưa ra để áp dụng phù hợp với tình hình dịch bệnh”, ông Cường nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường. Ảnh: Xuân Trung. |
Về việc khống chế dịch ở Đà Nẵng, ông cho biết Bộ Y tế đã cử đoàn công tác nhiều kinh nghiệm nhất do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm Trưởng đoàn. Thứ trưởng Sơn sẽ ở lại Đà Nẵng đến khi nào hết dịch thì thôi. Trong đoàn cũng có đội điều trị, đội dập dịch rất nhiều kinh nghiệm, gồm cả các bác sĩ từng tham gia dập dịch ở Bạch Mai. Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng trực tiếp vào Đà Nẵng.
“Tất cả đội quân có kinh nghiệm nhất ở đợt phòng chống dịch đầu tiên đều được đưa vào chiến dịch này. Chúng tôi khoanh vùng cách ly, tiêu độc khử trùng để dập dịch ở 3 bệnh viện ở Đà Nẵng và một số điểm ghi nhận có ca mắc cộng đồng. Sau đó phong tỏa những nơi nguy cơ lây nhiễm cao”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Làn sóng Covid-19 thứ hai tác động đến kinh tế khác đợt đầu năm
Trả lời câu hỏi của Zing về tác động của làn sóng dịch Covid-19 thứ hai đến kinh tế, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Trần Quốc Phương cho biết có điểm khác biệt với đợt đầu năm.
Ông cho biết đầu năm, Chính phủ đã áp dụng giãn cách xã hội khoảng 20 ngày. Khi đó, hoạt động này gây ra tác động lớn đến sản xuất, kinh doanh. Tăng trưởng quý II đạt rất thấp với mức 0,3%.
Tuy nhiên, ở đợt hai này, Thủ tướng và Chính phủ đã chỉ đạo không để dịch lây lan rộng. Chính phủ chỉ áp dụng giãn cách xã hội, khoanh vùng dịch ở những địa bàn có nguy cơ; tập trung mọi lực lượng để thực hiện mục tiêu kép là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Ông Phương nhận định sau khi dịch bùng phát lần 2, đánh giá sơ bộ là tác động đến ngành du lịch và vận tải hành khách. Khách du lịch cả nước đã hủy tour, hủy hợp đồng, tác động đến một số ngành. Bộ KHĐT đang nghiên cứu, thu thập số liệu để đưa ra dự báo trong tình hình mới.
Vì sao người nhập cảnh trái phép tăng?
Trả lời câu hỏi của Zing về tình trạng người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, thiếu tướng Tô Ân Xô (Chánh văn phòng Bộ Công an) cho biết: Sau khi dịch có dấu hiệu lây lan trở lại, Bộ Công an có rất nhiều công văn chỉ đạo công an các địa phương tăng cường quản lý xuất nhập cảnh, phối hợp xử lý nhập cảnh trái phép ở các địa phương có đường mòn lối mở; xử lý vi phạm trong khu cách ly tập trung cũng như tình trạng bán hàng trục lợi liên quan đến y tế phòng dịch…
Cùng với đó, Bộ chủ động giải pháp phòng, chống dịch trong toàn lực lượng.
Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an. Ảnh: Xuân Trung. |
Về tình trạng nhập cảnh trái phép, ông Xô nêu rõ có người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và có số bà con người Việt đi làm ở nước bạn trở lại.
“Có tình trạng này vì bên Trung Quốc cũng đang có dịch bệnh, còn Việt Nam được tuyên truyền là đất nước an toàn nên nhiều người muốn quay lại. Ngoài ra có người vào vì muốn đi qua Việt Nam để qua Campuchia đánh bài”, ông Xô thông tin.
Ông cho biết vừa qua nhiều địa phương đều phát hiện tình trạng này. Nhưng với số lượng đông lên tới hàng trăm người thì đa phần là bà con Việt đi lao động chui ở Trung Quốc, họ đi lại khá nhiều, khi hết việc, bên Trung Quốc đẩy trở lại thì bà con đi về. Vì vậy, phải có biện pháp phù hợp.
“Bà con người Việt ở nước ngoài được máy bay đón về nhưng bà con lao động ở Trung Quốc lại chưa được đối xử như thế”, ông Xô nói.
Kết thúc điều tra vụ án Nhật Cường vào quý III
Trả lời câu hỏi về việc lái xe, thư ký của Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung và một cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu (C03, Bộ Công an) bị khởi tố, tạm giam với cáo buộc chiếm đoạt tài liệu mật trong vụ án Nhật Cường, thiếu tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh Nhật Cường là vụ án nghiêm trọng, phức tạp, thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi, chỉ đạo.
Vừa qua, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án về 4 tội danh. Cùng với đó là khởi tố 28 bị can, trong đó đã bắt giam 20 bị can, 8 bị can còn lại đang bị truy nã. Theo ông Xô, Bộ Công an đang tích cực điều tra vụ án. Theo kế hoạch của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, các cơ quan sẽ cố gắng kết thúc điều tra trong quý III năm 2020.
Song song với đó, người phát ngôn Bộ Công an cho biết ngày 16/7, cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước. Sau đó khởi tố 3 bị can về tội chiếm đoạt tài liệu mật trong vụ án Nhật Cường. Trong đó có 2 bị can liên quan đến UBND TP Hà Nội, 1 bị can là cán bộ công an.
Từ chối thông tin chi tiết về tài liệu mật bị chiếm đoạt, ông Xô cho biết sẽ thông tin khi có kết quả điều tra. “Sẽ cố gắng kết thúc điều tra vụ án này trong quý III năm 2020”, ông tái khẳng định.
Chỉ phong tỏa trung tâm ổ dịch
Phát biểu tại buổi họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng điểm qua những nội dung chính tại phiên họp Chính phủ vừa kết thúc. Ông cho biết sau 99 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng, cuối tháng 7, chúng ta phát hiện một số ca nhiễm Covid-19 mới ở cụm các bệnh viện tại Đà Nẵng.
Ngay sau đó, Thường trực Chính phủ đã có 3 phiên họp, Ban chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế cũng có những chỉ đạo quyết liệt để thực hiện các giải pháp ngăn dịch lây lan.
Theo người phát ngôn Chính phủ, Thủ tướng đã có những chỉ đạo căn cơ về khoanh vùng, dập nhanh ổ dịch, phong tỏa các khu dân cư liền kề với các bệnh viện là ổ dịch. Về phía địa phương, Đà Nẵng đã ngay lập tức thực hiện giãn cách xã hội.
Thủ tướng chỉ đạo ngành y tế tăng cường lực lượng hỗ trợ, tăng cường khả năng xét nghiệm. Còn các địa phương rà soát kỹ các đối tượng đi về từ Đà Nẵng.
“Quan điểm của Chính phủ là chỉ tập trung phong tỏa nơi trung tâm ổ dịch và giãn cách xã hội ở nơi có dịch, còn lại sẽ khoanh vùng trong bán kính vừa đủ để quản lý, phân loại, kiểm soát phòng, chống dịch”, người phát ngôn Chính phủ nhấn mạnh.
Ông tái khẳng định để các hoạt động kinh tế, xã hội diễn ra bình thường, đảm bảo mục tiêu kép mà Thủ tướng thường xuyên nhắc nhở.
Với tinh thần “thần tốc, kiên quyết, dồn mọi nguồn lực để dập các ổ dịch”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết quan điểm tiếp tục được quán triệt là “chống dịch như chống giặc”. Trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề, ông lưu ý việc vừa chống dịch, vừa phải thực hiện mục tiêu kép.
"Quan điểm của Chính phủ là chỉ tập trung phong tỏa nơi trung tâm ổ dịch và giãn cách xã hội ở nơi có dịch, còn lại sẽ khoanh vùng trong bán kính vừa đủ", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói. Ảnh: Xuân Trung. |
Để thực hiện mục tiêu này, vừa qua Thủ tướng đã có nhiều cuộc họp đôn đốc về giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương để khơi thông động lực tăng trưởng. 7 tổ công tác của Chính phủ cũng trực tiếp xuống các bộ, ngành, địa phương để nghe vướng mắc về giải ngân vốn, tháo gỡ khó khăn. Nhờ vậy, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt mức kỷ lục so với 7 tháng qua.
“Chúng ta đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong bối cảnh dịch bệnh nhưng tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm tiếp tục tháng sau khá hơn tháng trước. Trong khi các nước tăng trưởng âm, Việt Nam dù khó khăn vẫn đạt những chỉ tiêu quan trọng, đó là sự cố gắng của cả hệ thống chính trị”, người phát ngôn Chính phủ nhấn mạnh.
Không được lùi bước trước khó khăn, thách thức
Đề cập đến gói hỗ trợ 62.000 tỷ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch, ông Dũng nhấn mạnh “không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách”. Thời kỳ đầu triển khai gói hỗ trợ này phát sinh một số vấn đề nhưng theo ông Dũng đã kịp thời được chấn chỉnh, lấy lại lòng tin của người dân.
Với việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, ông Dũng truyền đạt lại ý kiến của Thủ tướng về việc phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, đặc biệt không để xảy ra tình trạng lây nhiễm với các thí sinh hoặc giáo viên trong kỳ thi. Riêng với các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam nên tính toán làm sao để tổ chức kỳ thi đảm bảo quyền lợi cho học sinh.
Dù đạt nhiều kết quả, kinh tế vĩ mô ổn định, người phát ngôn Chính phủ lưu ý thời gian tới vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, giá thịt lợn vẫn cao, giải ngân vốn ODA còn chậm, các ngành vận tải, hàng không, dịch vụ, du lịch… còn nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp giải thể và số lao động mất việc làm dự kiến sẽ cao hơn.
“Trên thế giới, dịch diễn biến khó lường, tiếp tục lan với tốc độ cao, kinh tế toàn cầu không mấy khả quan, thậm chí nếu không tốt có thể suy thoái”, ông Dũng nói. Dù vậy, ông cho biết các tổ chức quốc tế vẫn đánh giá lạc quan về Việt Nam. Ngân hàng Thế giới cho rằng kinh tế Việt Nam vẫn chịu đựng tốt, sẽ là quốc gia đứng thứ 5 về mức tăng trưởng năm 2020, dự kiến đạt 2,8% năm 2020 và quay trở lại mức 6,8% vào năm 2021.
“Tình hình trên đòi hỏi chúng ta hết sức tỉnh táo. Thủ tướng yêu cầu phân tích tình hình, có đối sách kịp thời, hiệu quả để không bị động. Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ là không được lùi bước trước khó khăn, thách thức, phải biến thách thức thành cơ hội, kiên định các giải pháp đề ra”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 7, kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ ổn định; hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 7 tiếp tục xu hướng tăng trở lại nhờ các chính sách kích cầu tiêu dùng và du lịch nội địa.
Hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản trên cả nước cơ bản được triển khai tích cực; nhiều dự án, công trình đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ NSNN tháng 7 (tăng 51,8%) và 7 tháng năm 2020 (tăng 27,2%), mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.
Riêng hoạt động vận tải trong nước sôi động trở lại với mức tăng 7,8% lượng hành khách vận chuyển và tăng 4% lượng hàng hóa vận chuyển so với tháng trước. Tuy nhiên, vận tải ngoài nước của các hãng hàng không tiếp tục gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ở các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.