Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 3/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận tình hình kinh tế tháng 7 phát triển khá tốt, đặc biệt là kích cầu và du lịch nội địa, hàng không. Đây vốn là những ngành chịu nhiều thiệt hại do Covid-19, nhưng đều đã tiến triển đáng mừng.
Tuy nhiên, cuối tháng 7, ổ dịch Covid-19 tiếp tục xuất hiện tại Đà Nẵng và lây lan ra 7 tỉnh, thành phố. Theo Thủ tướng, trong bối cảnh đó, chúng ta đã tập trung chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh một cách bình tĩnh, lạc quan.
Quyết tâm giữ được các cân đối lớn của nền kinh tế
Cho rằng dịch bệnh cơ bản trong tầm kiểm soát, Thủ tướng đánh giá chúng ta đã làm tốt, quyết liệt và có kinh nghiệm nhất định trong phòng, chống dịch. Theo đó, chúng ta đã chỉ đạo khoanh vùng dập dịch quyết liệt nhưng không hoảng loạn, đặc biệt là hạn chế giãn cách tràn lan.
Ông cho biết sắp tới sẽ có chỉ thị mới về các biện pháp phòng chống Covid-19 trong giai đoạn hiện nay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá chúng ta đã làm tốt, quyết liệt và có kinh nghiệm nhất định trong phòng, chống dịch. Ảnh: Quang Hiếu/VGP. |
Người đứng đầu Chính phủ đánh giá mọi giải pháp được thực hiện với quyết tâm cao là đảm bảo mục tiêu kép, vừa khoanh vùng dập dịch kịp thời, vừa không để đứt gãy nền kinh tế, giữ cân đối vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đặc biệt là giữ được các cân đối lớn của nền kinh tế.
“Nếu ốm nặng quá thì gượng dậy rất khó, còn ốm nhẹ thì cố gắng gượng dậy”, Thủ tướng ví von về sức khỏe nền kinh tế.
Nhắc đến vấn đề đầu tư công, theo Thủ tướng, nếu giải ngân hết 630.000 tỷ đồng sẽ góp thêm 0,4% vào tăng trưởng GDP, chưa kể tạo tiền đề thúc đẩy đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài, giải quyết việc làm. Do đó, Thủ tướng yêu cầu giải ngân 100% vốn đầu tư công, kể cả vốn ODA với những biện pháp mạnh mẽ.
“Phải coi giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là căn cứ đánh giá cán bộ năm 2020; đồng thời, xử lý nghiêm các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân làm chậm, làm sai quy định”, Thủ tướng quán triệt.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải có những tổ công tác đặc biệt do các bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng để cùng Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng tập trung giải quyết vướng mắc, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhất là từ các công ty đa quốc gia đang dịch chuyển trong khu vực và toàn cầu.
3 rủi ro, thách thức lớn
Dù có nhiều tín hiệu đáng mừng về sức khỏe nền kinh tế, Thủ tướng chỉ ra 3 rủi ro, thách thức từ bên ngoài có khả năng đe dọa sự phục hồi kinh tế.
Trong đó, rủi ro lớn nhất vẫn là dịch Covid-19 với diễn biến khó lường, khiến các đối tác quan trọng của Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Thách thức thứ hai xuất phát từ căng thẳng thương mại và công nghệ leo thang giữa nhiều nước. Thứ ba là địa chính trị phức tạp, thiên tai, lũ lụt ảnh hưởng tới khả năng phục hồi kinh tế.
“Tôi xin lưu ý thách thức đối với chúng ta là bùng phát dịch trở lại, đe dọa phục hồi kinh tế”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, cùng với quyết liệt phòng, chống, không để dịch bệnh lây lan, cần tập trung phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, giảm thiểu tác động của dịch bệnh. Ảnh: Quang Hiếu/VGP. |
Theo người đứng đầu Chính phủ, lạm phát được kiểm soát, đang giảm dần nhưng còn nhiều thách thức.
Chi ngân sách tiếp tục tăng, khiến cho thâm hụt ngân sách 2020 dự báo sẽ tăng. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng kể cả bội chi ngân sách, chính sách tài khóa vẫn cần tiếp tục hỗ trợ cho chính sách tiền tệ, hỗ trợ cho người lao động, các doanh nghiệp.
“Số người lao động gặp khó khăn hiện nay còn lớn lắm, chúng ta phải có giải pháp mạnh hơn, đề xuất chính sách mới hơn”, Thủ tướng chỉ đạo và nói thêm, việc triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng vừa qua cần rút kinh nghiệm để thuận lợi hơn.
“Cùng với quyết liệt phòng, chống, không để dịch bệnh lây lan, cần tập trung phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, giảm thiểu tác động của dịch bệnh”, Thủ tướng nhắc lại.
Ông yêu cầu tất cả bộ, ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt hơn nữa, không bộ, ngành nào được chủ quan, lơ là nhiệm vụ quan trọng này. Bộ trưởng, chủ tịch UBND các địa phương phải trực tiếp chịu trách nhiệm về phòng, chống dịch bệnh.