Tuy nhiên, sàn thương mại điện tử không phải là lĩnh vực bùng nổ duy nhất của Amazon trong thời điểm hiện tại. Các dịch vụ nền tảng đám mây của tập đoàn này như Amazon Web Services cũng tăng trưởng dữ dội khi lượng người dùng của những khách hàng lớn như Zoom và Netflix tăng đột biến.
CNN dẫn lời James Bailey - giáo sư quản lý kinh doanh thuộc Đại học George Washington - nhận định dịch Covid-19 càng kéo dài tại Mỹ, vị trí của Amazon sẽ càng trở nên "vững chắc". "Mỗi cuộc khủng hoảng tạo ra một khoảng trống. Bất cứ công ty nào lấp đầy khoảng trống đó sẽ tăng cường sức mạnh", Bailey nói.
Theo nghiên cứu của Bank of America, Amazon không phải là tập đoàn duy nhất "sống khỏe" trong Covid-19. Cuộc khủng hoảng này có tác động tích cực đến toàn bộ ngành thương mại điện tử. Lĩnh vực này tăng trưởng 16% trong tháng 3 so với một năm trước.
Các chuyên gia cho rằng nhờ lợi thế về quy mô và hiệu quả, Amazon hưởng lợi từ dịch Covid-19 hơn nhiều đối thủ. Dù chi phí quản lý bị đội lên, công ty của người giàu nhất thế giới Jeff Bezos vẫn có thể thu thêm 4 tỷ USD doanh thu trong năm 2020.
Người tiêu dùng Mỹ đang ngày càng phụ thuộc vào Amazon. Ảnh: CNN. |
Tuyển ồ ạt công nhân
Vai trò ngày càng quan trọng của Amazon trong đời sống tiêu dùng Mỹ khiến Washington phải để ý. CEO Jeff Bezos thường xuyên liên lạc với phía Nhà Trắng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Theo CNN, Tổng thống Mỹ Donald Trump cần Bezos và Amazon hơn bao giờ hết.
Có thể thấy rõ những thay đổi của Amazon ở dịch vụ thương mại điện tử. Tập đoàn này xây dựng danh tiếng với dịch vụ giao hàng siêu tốc, kể cả các mặt hàng khan hiếm hiện tại như nước khử trùng tay, giấy vệ sinh và nhiệt kế kỹ thuật số.
Jay Carney, Phó chủ tịch cấp cao của Amazon, cho biết khối lượng đơn hàng hãng phải xử lý cao gấp nhiều lần mùa lễ. Hiện tại, Amazon đã gần hoàn thành việc thuê thêm 100.000 công nhân để giúp đáp ứng nhu cầu.
Tuy nhiên, sự bùng nổ này cũng kéo theo những hệ lụy, đặc biệt là đối với nhóm công nhân tuyến đầu. Nhiều người dự đoán Amazon sẽ mở thêm các đợt tuyển lao động khi nhiều công nhân của hãng bị nhiễm Covid-19 hoặc bị cách ly tạm thời.
Hơn 12 cơ sở của Amazon tại Mỹ có nhân viên nhiễm Covid-19. Nhiều công nhân đã tổ chức các cuộc biểu tình để phản đối việc tập đoàn này không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn an toàn lao động.
Amazon thuê thêm hơn 100.000 nhân công sau khi dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: Getty Images. |
Một nhân viên giấu tên tại cơ sở JFK8, Staten Island (New York) tiết lộ: "Nhiều kiện hàng bị trả về kho. Hiện chúng tôi không có đủ nhân viên để vận chuyển".
Không chỉ riêng JFK8, nhân viên tại nhiều cơ sở của Amazon trên khắp nước Mỹ đang phàn nàn về việc kiểm tra thân nhiệt, thiếu vật tư y tế và phải làm việc trong các khu vực đông người bất chấp khuyến cáo giãn cách xã hội. Phản ứng lại, phía công ty nói rằng đã liên tục khử trùng toàn bộ hệ thống giao hàng và mua khẩu trang cho toàn bộ nhân viên.
Những chỉ trích về an toàn lao động Amazon phải đối mặt cho thấy áp lực cực lớn mà tập đoàn này đang đối mặt để giao hàng kịp thời trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát.
Lấp đầy khoảng trống
Bên cạnh thương mại điện tử, các dịch vụ trên nền tảng đám mây của Amazon tạo ra phần lớn lợi nhuận. Hồ sơ tài chính cho thấy Amazon Web Services (AWS) chiếm 63% tổng doanh thu của Amazon trong năm 2019. Chuyên gia Justin Post thuộc Bank of America cho biết: "Những ứng dụng phổ biến nhất hiện nay như Zoom, Netflix, Slack, Fortnite đều là khách hàng của AWS".
Sự bao phủ của ông lớn ngành thương mại điện tử không chỉ dừng ở đó. Amazon đầu tư rất nhiều vào Whole Food và dịch vụ giao hàng tạp hóa riêng biệt mang tên Amazon Fresh. Hai mảng kinh doanh này dễ dàng hưởng lợi từ việc người tiêu dùng tránh tiếp xúc tại các khu mua sắm lớn.
Ngoài các nhu cầu về hàng hóa, nhu cầu giải trí của người tiêu dùng Mỹ cũng tăng cao. Audible - hệ thống audiobook của Amazon - cho phép người dùng truy cập miễn phí vào hàng trăm audiobook. Matthew Thornton, quản lý toàn cầu của Audible, nói: "Lượt truy cập tăng đột biến. Hàng triệu người dùng trên khắp thế giới sử dụng dịch vụ của chúng tôi".
Twitch - nền tảng nổi tiếng của Amazon, nơi người dùng có thể xem livestream các trò chơi - cũng có lượng truy cập và người xem tăng cao, đặc biệt là trên các kênh liên kết với âm nhạc và thể thao khi phần lớn sự kiện nghệ thuật và thể thao trực tiếp bị hủy bỏ.
Twitch luôn nằm trong số 10 dịch vụ truyền phát video phổ biến nhất. Giống như YouTube và Facebook, công ty đã phải hạ chất lượng video ở châu Âu khi để ổn định trang web khi lượng truy cập tăng vọt.
Netflix là một khách hàng của Amazon Web Services. Ảnh: Getty. |
Khi đã chán các bộ phim của Netflix, người Mỹ hoàn toàn có thể bỏ tiền cho loạt phim gốc của Amazon hoặc mua thêm sách điện tử cho Kindles của mình. Việc người dùng loa thông minh của Amazon đưa ra yêu cầu nhiều hơn khi ở nhà cũng cung cấp cho Amazon nhiều dữ liệu để đáp ứng nhu cầu của khách hàng tốt hơn.
Khả năng phục vụ nhu cầu từ xa và hệ thống cơ sở dữ liệu khách hàng khổng lồ đã giúp Amazon trở thành cỗ máy bán lẻ đình đám nhất thế giới hiện nay. Người tiêu dùng có ít thời gian và tiền bạc để lãng phí, nhất là thời điểm đại dịch.
Như vậy, khủng hoảng đã củng cố sức mạnh của Amazon. So với các công ty nhỏ và hoạt động kém hiệu quả hơn, Amazon có đủ quy mô, nguồn vốn, nhân lực và quan hệ với các nhà cung cấp. "Amazon rõ ràng là công ty hưởng lợi lớn nhất từ đại dịch", luật sư chống độc quyền Kevin Arquit thuộc hãng Kasowitz Benson Torres khẳng định.