Theo Bloomberg, ngày 13/4 SoftBank cho biết lỗ đầu tư của quỹ Vision Fund trong năm tài chính kết thúc ngày 31/3 lên đến 1.800 tỷ yen, tương đương 16,6 tỷ USD. Riêng trong 2 quý liên tiếp vừa qua, Vision Fund lỗ 11 tỷ USD.
Như vậy, tổng tài sản của Vision Fund - trước đây là 100 tỷ USD - sẽ hao hụt đáng kể. Ngoài ra, SoftBank cũng lỗ 800 tỷ yen - tương đương 7,4 tỷ USD - với những khoản đầu tư bên ngoài Vision Fund, bao gồm đầu tư vào WeWork và OneWeb.
Giới phân tích cho biết sau "cú lừa WeWork", SoftBank đang đối mặt với một thảm họa đầu tư tương tự. Đó là chuỗi khách sạn Oyo Hotels & Homes của nhà sáng lập Ritesh Agarwal. Chỉ mới 9 tháng trước, tỷ phú Son tự tin mô tả Ritesh Agarwal là một trong những doanh nhân "ngôi sao" được SoftBank chống lưng.
Ông khoe rằng Oyo Hotels & Homes sẽ vượt mặt các chuỗi khách sạn hàng đầu thế giới chỉ sau vài năm thành lập. “Không thể tưởng tượng nổi. Ở tuổi 25, Ritesh Agarwal sắp trở thành vua khách sạn lớn nhất hành tinh”, ông Son nói trong một cuộc họp của SoftBank ở Tokyo.
Quỹ Vision Fund của tỷ phú Masayoshi Son lỗ gần 17 tỷ USD. Ảnh: Bloomberg. |
Tình hình tồi tệ
Tuy nhiên, hoạt động của Oyo Hotels & Homes trên toàn cầu đang hoàn toàn tê liệt, hàng nghìn nhân viên bị giãn việc khi chuỗi khách sạn chật vật duy trì hoạt động trong đại dịch Covid-19. Virus có nguồn gốc từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) khiến ngành du lịch toàn cầu đình trệ, các phòng khách sạn trống rỗng, thua lỗ ngày càng chồng chất.
Oyo có nguy cơ trở thành một thảm họa startup đối với SoftBank và tỷ phú Son sau "quả lừa" WeWork. SoftBank kỳ vọng thắng đậm khi giá trị vốn hóa của Oyo tăng vọt và giờ đối mặt với nguy cơ thua lỗ vì khoản đầu tư này. Năm ngoái, Oyo được định giá tới 10 tỷ USD.
Oyo là ví dụ điển hình cho thấy hậu quả đến từ chủ trương "đầu tư thần tốc" của tỷ phú Son. CEO SoftBank luôn đổ số tiền cực lớn để buộc startup tăng trưởng nhanh chóng. Có quá nhiều tiền trong tay, hàng loạt startup tiêu pha ồ ạt để mở rộng, thay vì tuân thủ kỷ luật kinh doanh, để rồi trả giá.
Vụ Oyo thậm chí có thể đe dọa túi tiền riêng của tỷ phú Son. Nhà sáng lập Agarwal, 26 tuổi, vay 2 tỷ USD để mua cổ phần của chính công ty này khi mức định giá của nó tăng vọt. Ông Son là người đứng ra bảo lãnh khoản vay từ các tổ chức tài chính, bao gồm Mizuho Financial Group.
Nếu định giá của Oyo lao dốc vì kết quả kinh doanh thảm hại, các ngân hàng có thể đòi thêm tài sản thế chấp. Khi đó, cả Agarwal và ông Son đều bị tổn thất tài chính.
Ritesh Agarwal, nhà sáng lập 26 tuổi của chuỗi khách sạn Oyo. Ảnh: Bloomberg. |
“Agarwal có thể gặp rắc rối lớn nếu kết quả kinh doanh của Oyo tiếp tục lao dốc. Anh ta sẽ phải bán cổ phiếu với mức giá thấp hơn trước rất nhiều”, Bloomberg dẫn lời chuyên gia tài chính Justin Tang thuộc United First Partners nhận định. Oyo, SoftBank và Mizuho từ chối bình luận về vụ việc.
Sau bê bối WeWork, tỷ phú Son đã thề sẽ không bao giờ giải cứu bất kỳ startup nào nữa, nhưng những lo ngại của giới đầu tư kéo dài và ảnh hưởng tiêu cực tới giá cổ phiếu của SoftBank. Tình hình của Oyo rất phức tạp vì có dính líu tới lợi ích tài chính cá nhân của ông Son (với tư cách người bảo lãnh khoản vay).
Hội đồng quản trị của SoftBank có thể sẽ phải can thiệp nếu SoftBank quyết định giải cứu Oyo. “Việc cho hàng nghìn nhân viên nghỉ phép vô thời hạn cho thấy Oyo đang gặp vấn đề lớn về thu nhập và dòng tiền”, CEO Daisuke Seki của IB Research & Consulting bình luận.
Tham vọng bành trướng
Hôm 13/4, cổ phiếu của SoftBank sụt giảm 3,4%. Mức giảm tính từ đầu năm lên đến 12%. Tuần trước, Agarwal giải thích rằng việc cho nhân viên nghỉ phép là để đảm bảo an toàn trong dịch bệnh và giúp duy trì hoạt động kinh doanh trong dài hạn. Theo một nguồn tin của Bloomberg, Oyo có hơn 1 tỷ USD tiền gửi ngân hàng và đang tìm cách duy trì hoạt động trong ít nhất 36 tháng tới.
Sau khi đi du lịch khắp Ấn Độ, Agarwal nảy ra ý tưởng sáng lập Oyo. Năm 19 tuổi, anh thành lập website đặt phòng khách sạn và bắt đầu kết hợp với các khách sạn nhỏ. Oyo làm việc với họ về dịch vụ, thiết kế, đồ trang trí tiêu chuẩn để thu hút khách du lịch và lấy 25% doanh số.
Ý tưởng của Agarwal thành công lớn tại Ấn Độ. Sự đảm bảo về chất lượng đã thúc đẩy niềm tin của khách hàng và giúp tăng doanh thu. Năm 2015, tỷ phú Son biết đến Agarwal và bắt đầu đầu tư vào startup 2 năm tuổi này. Sau khi SoftBank thành lập quỹ Vision Fund vào năm 2017, ông Son khuyến khích Agarwal "chơi lớn".
Ông đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD vào công ty và đề nghị nhà sáng lập trẻ cạnh tranh với các chuỗi khách sạn lớn nhất thế giới. Trở thành chuỗi khách sạn có số phòng nhiều nhất thế giới sẽ giúp Oyo vượt mặt Marriott International, chuỗi khách sạn nổi tiếng, được thành lập vào năm 1927.
Mô hình kinh doanh của Oyo hoạt động trơn tru tại Ấn Độ, nhưng Mỹ và châu Âu là những thị trường rất khác biệt với hàng loạt chuỗi khách sạn danh tiếng. Nhưng Agarwal quyết liệt mở rộng hoạt động trên phạm vi toàn cầu, tuyển nhân viên ồ ạt ở nước ngoài và mua lại một số khách sạn như Hooters Casino Hotelin Las Vegas.
Chuỗi khách sạn Oyo đang chật vật vì dịch Covid-19. Ảnh: Nikkei. |
Tham vọng bành trướng của Oyo bị chặn đứng vì đại dịch Covid-19. Trước đây, Oyo thuyết phục chủ các khách sạn bằng cách đảm bảo doanh thu tối thiểu. Hiện, doanh thu khách sạn giảm mạnh nhưng công ty của Agarwal vẫn phải trả tiền cho chủ các khách sạn này.
Cú ngã của Oyo sẽ giáng đòn mạnh vào danh tiếng của tỷ phú Son, vốn đã sa sút rất nhiều sau bê bối WeWork. Ngoài ra, cũng phải kể đến những đầu tư thất bại khác của Vision Fund, như vụ Brandless đóng cửa, Zume Pizza cắt giảm việc làm và OneWeb mới nộp đơn xin phá sản.
Trước đây, Vision Fund luôn khoe mức định giá tăng vọt của các startup mà quỹ này đổ tiền vào. Tỷ phú Son khẳng định đó là bằng chứng cho thấy SoftBank sẽ thu lợi khổng lồ, nhưng các chuyên gia tài chính mô tả đó chỉ là lợi nhuận trên giấy.
Oyo cũng là một khoản lợi nhuận trên giấy như vậy. Và các chuyên gia cho biết chắc chắn SoftBank sẽ phải định giá lại Oyo với mức thấp hơn nhiều so với trước đây sau đại dịch Covid-19.