Do dịch Covid-19 bùng phát nên nhiều nước rơi vào cảnh cảnh khan hiếm và “cháy hàng” khẩu trang. Với thế mạnh về dệt may, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng chuyển đổi dây chuyền sản xuất khẩu trang, cung ứng cho thế giới.
Tuy nhiên, việc sản xuất khẩu trang được tiến hành ồ ạt ở một số nơi, trong khi chưa đáp ứng tiêu chuẩn của các nước, dẫn đến không bán được.
Ồ ạt sản xuất
Anh Hoàng Tiến, Giám đốc Công ty TNHH May - Xuất nhập khẩu Trường Tiến (quận Bình Thạnh, TP.HCM), cho biết doanh nghiệp mình đang bận rộn với những đơn hàng khẩu trang vải xuất khẩu đi nước ngoài. Các đối tác đến từ nhiều nơi như Mỹ, châu Âu, Israel, Trung Đông… Thậm chí, doanh nghiệp này còn hỗ trợ một số doanh nghiệp khác xuất hàng đi châu Phi.
Vị này cho biết do dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu dẫn đến nhu cầu nhập khẩu trang tăng vọt từ các nước. Một số doanh nghiệp châu Âu và Mỹ đẩy mạnh tìm kiếm nguồn hàng khẩu trang từ Việt Nam. Trong đó có một số ít đối tác chấp nhận nhập khẩu dù hàng chưa đáp ứng tiêu chuẩn của nước sở tại.
Một nhà máy sản xuất khẩu trang ở miền Bắc. Ảnh: Việt Hùng. |
Chính điều này dẫn đến tâm lý sản xuất ồ ạt khẩu trang ở nhiều doanh nghiệp phía Nam, từ đó nguồn cung tăng vọt. Những doanh nghiệp này nghĩ rằng có thể dễ dàng tiêu thụ sản phẩm khi dịch bùng phát, nguồn cung khan hiếm, dù không đáp ứng các tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, ngay sau đó nguồn cung bị “tắc” khi phần lớn chưa đáp ứng bộ tiêu chuẩn khẩu trang như CE (của châu Âu) và FDA (của Mỹ). Hàng không xuất được nên rơi vào cảnh ế ẩm, tồn kho. Nguồn tiêu thụ trong nước cũng dần bão hòa khi nhu cầu giảm xuống dần do người dân ở nhà cách ly xã hội.
Vì vậy, doanh nghiệp của anh Tiến ngoài việc tự sản xuất, xuất khẩu tới các đối tác trên thế giới, phải hỗ trợ các doanh nghiệp khác giải quyết số khẩu trang tồn kho. Một trong các giải pháp là xuất khẩu đi các thị trường dễ tính như châu Phi, Trung Đông, Ấn Độ… để tránh ế hàng.
Do đó, ông Tiến nhấn mạnh các doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến việc đáp ứng chất lượng khẩu trang xuất khẩu, thay vì chỉ quan tâm việc sản xuất với giá rẻ nhất.
“Hiện chưa có doanh nghiệp nào của Việt Nam đủ tiêu chuẩn xuất đồ bảo hộ y tế đi châu Âu. Còn khẩu trang, nếu sản phẩm tốt đến mấy mà không được cấp chứng chỉ cũng không thể xuất”, ông Tiến chia sẻ.
Trong khi đó, khẩu trang Việt Nam cũng đang phải chịu sự cạnh tranh rất lớn từ các nhà sản xuất Trung Quốc. Nước này nắm giữ công nghệ, nguyên liệu, lại có lợi thế giá rẻ… nên dễ dàng cạnh tranh với các sản phẩm tương tự của Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp Việt đang chuyển đối dây chuyền sang sản xuất khẩu trang vẫn phải phụ thuộc máy móc và nguyên liệu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Tiến cho rằng các doanh nghiệp có thể tìm kiếm các bạn hàng khác trên toàn thế giới, với sản phẩm chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn.
‘Đói thì chân phải bò’
Cũng là doanh nghiệp tham gia cuộc đua sản xuất khẩu trang nhưng Công ty TNG với nhà máy ở Thái Nguyên đã có những sản phẩm xuất đi Mỹ và châu Âu. Dự kiến các lô hàng sẽ ngày càng tăng thêm trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch TNG, cho biết để có kết quả này, doanh nghiệp này đã đi trước một bước trong việc chuyển đổi dây chuyền sang sản xuất khẩu trang. Trước đây, doanh nghiệp vốn chuyên gia công hàng may mặc cho các đối tác nước ngoài.
“Quan trọng là chuyển đổi sớm. Khi đó, chúng tôi đã có thời gian xin cấp phép, cấp các giấy chứng nhận, tiêu chuẩn. Giờ thì những vấn đề đó đã và đang hoàn tất, có thể xuất hàng”, ông Thời nói.
Theo vị này, việc chuyển đổi sang sản xuất khẩu trang có những khó khăn nhất định. TNG được coi là làm từ A đến Z trong mọi công đoạn thay vì chỉ nhận gia công như trước kia. Theo đó, vừa phải nghiên cứu mẫu mã, tìm kiếm công nghệ sản xuất, thị trường, xin cấp phép lưu hành.
“Khó hơn rất nhiều. Nhưng đói thì chân phải bò. Anh nào không bò thì chết, phải nghĩ cách làm thôi”, ông Thời chia sẻ.
Ngành dệt may Việt Nam có nhiều lợi thế để sản xuất khẩu trang để xuất khẩu. Ảnh: Việt Hùng. |
Một doanh nghiệp khác cũng mới ký được hợp đồng xuất khẩu lô hàng trị giá 50 triệu USD các mặt hàng khẩu trang cho các đối tác nước ngoài là Tổng công ty May 10. Lãnh đạo doanh nghiệp này cũng cho biết việc quan trọng là phải đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường xuất tới.
Bộ Công Thương cho rằng việc sản xuất đại trà khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế mà không theo tiêu chuẩn kỹ thuật nào thì rất có thể sẽ không xuất khẩu được vào EU và gây dư thừa, thiệt hại về kinh tế nếu không tiêu thụ được ở các thị trường khác.
"Doanh nghiệp Việt cần tìm hiểu kỹ tiêu chuẩn về khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế của EU", Bộ này cảnh báo.
Bộ Công Thương cũng cho rằng các doanh nghiệp dệt may có thể tranh thủ khai thác thị trường tại thời điểm này, nhưng để coi đây là một sản phẩm lâu dài, đầu tư quy mô lớn thì cần thận trọng. Đã có một vài doanh nghiệp thông báo nhận được đơn hàng dài hạn về khẩu trang, nhưng con số này còn rất ít.