Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19 bùng phát ảnh hưởng thế nào đến tăng trưởng GDP?

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu dịch được khống chế trong quý I, GDP năm nay vẫn tăng trưởng trên 6%. Để đạt được mục tiêu 6,5%, Chính phủ phải nỗ lực hơn nữa trong quý IV.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 2/2, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng đã đưa ra một số dự báo tình hình, kịch bản tăng trưởng GDP năm 2021 sau khi cập nhật những ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Thách thức đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5%

Trong Nghị quyết 01/NQ-CP ban hành hồi đầu năm, Chính phủ đã xây dựng các kịch bản tăng trưởng đối với từng quý và từng ngành. Chính phủ phấn đầu cả năm đạt mức tăng trưởng GDP là 6,5%, cao hơn 0,5 điểm % so với Quốc hội giao.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ KHĐT nhận định trường hợp dịch được khống chế kịp thời trong quý I, ước tính GDP quý I/2021 tăng 4,46%, thấp hơn 0,66 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP.

kich ban tang truong 2021 anh 1

Với mức suy giảm trên, nếu hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng của các quý sau theo Nghị quyết 01/NQ-CP, tăng trưởng cả năm ước đạt 6,37%, đạt mục tiêu tăng trưởng của Quốc hội (6%) nhưng thấp hơn mục tiêu tăng trưởng tại Nghị quyết 01/NQ-CP (6,5%).

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% thì quý II cần đạt mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP với tăng trưởng 7,11% và quý III, quý IV phải phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn so với Nghị quyết 01/NQ-CP.

Theo đó, quý III tăng 6,73% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,02 điểm phần trăm) và quý IV tăng 7,04% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,37 điểm phần trăm).

Thành lập tổ công tác đặc biệt gỡ dự án vướng mắc

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng cần khẩn trương, quyết liệt triển khai thực hiện ngay Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và phấn đấu đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và 5 năm 2021-2025.

Trong 6 tháng đầu năm, cùng với phòng, chống, kiểm soát đại dịch Covid-19, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt triển khai các chương trình hành động thực hiện nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 01/NQ-CP, đặc biệt là các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế qua “cỗ xe tam mã” gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.

kich ban tang truong 2021 anh 2

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Cụ thể, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng hợp lý để ổn định kinh tế vĩ mô, kích thích tăng trưởng kinh tế.

Đánh giá kỹ dư địa của chính sách tiền tệ, tài khóa để xây dựng các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng còn gặp khó khăn do tác động bởi dịch, đặc biệt là ngành dịch vụ, du lịch, vận tải.

Ông cũng cho rằng cần tập trung, chú trọng phát triển thị trường trong nước theo chiều sâu, cải thiện môi trường kinh doanh và bảo đảm lao động. Hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi để phát triển thương mại điện tử, ứng dụng thanh toán điện tử; hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu mở rộng thị trường đầu ra qua hình thức thương mại điện tử xuyên biên giới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 để thúc đẩy quản lý theo chuỗi, tạo điều kiện thuận lợi truy xuất nguồn gốc.

Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi.

Người đứng đầu ngành KHĐT cũng nhấn mạnh giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thu hút vốn đầu tư xã hội, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các hiệp định FTA đã ký kết.

Cùng với đó, Bộ sẽ nghiên cứu, đề xuất gói hỗ trợ thứ hai cho người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, Bộ trưởng lưu ý, hiện, các địa phương còn rất nhiều dự án đầu tư gặp vướng mắc. Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý thành lập tổ công tác đặc biệt do một phó thủ tướng đứng đầu để tháo gỡ.

Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm