Sáng 2/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên của năm 2021. Buổi làm việc nhằm bàn luận về kịch bản, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng 6 tháng đầu năm và các giải pháp lớn trong phòng, chống dịch Covid-19.
Người đứng đầu Chính phủ thông tin từ ngày 28/1, một số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng đã xuất hiện. Kể từ ca lây nhiễm đầu tiên xuất hiện ở Hải Dương, dịch bệnh đã lan sang 10 tỉnh, thành.
Chỉ trong 6 ngày, Bộ Y tế đã ghi nhận 271 ca nhiễm cộng đồng tại Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, Gia Lai, Bắc Ninh, Bình Dương, Hòa Bình, Hải Phòng, TP.HCM, Bắc Giang.
"Dịch Covid-19 xuất hiện trong quá trình chúng ta chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc. Bộ Y tế và các địa phương đã chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt bằng các biện pháp phù hợp. Đến nay, dù còn nhiều vấn đề, có thể nói chúng ta đã kiểm soát cơ bản dịch Covid-19", Thủ tướng nhận định.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam đã cơ bản kiểm soát dịch Covid-19. Ảnh: VGP. |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết trong phiên họp Chính phủ lần này, Bộ Y tế sẽ báo cáo về những giải pháp, chủ trương lớn trong phòng dịch Covid-19. Một trong số đó là việc đưa vaccine tới người dân trong thời gian tới.
"Chúng ta có thể bàn đến việc đưa vaccine tới người dân ngay trong quý I. Chính phủ sẽ thảo luận về quyết sách này, không thể bỏ qua", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Về hoạt động kinh tế, Thủ tướng cho biết trong tháng 1, Việt Nam đã đạt nhiều kết quả khả quan với những tăng trưởng quan trọng. Trong đó có các ngành quan trọng đạt tăng trưởng dương như sản xuất công nghiệp, chế tạo, xuất nhập khẩu, xuất siêu và giải ngân đầu tư công.
Thủ tướng nhận định những chỉ số trên là tiền đề giúp nền kinh tế Việt Nam duy trì phát triển ổn định trong quý I. Ông đề nghị các bộ, ngành tận dụng thời cơ để cải thiện môi trường, thu hút đầu tư đối với các tập đoàn kinh tế lớn. Các tỉnh, thành cần cải thiện, đổi mới chính sách, tạo thuận lợi cho đầu tư trong nước và nước ngoài.
"Chúng ta cần tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế thị trường trong nước, tiếp cận quốc tế bằng cách tận dụng hiệp định thương mại tự do. Một vấn đề khác mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc nhiều lần là cần tăng cường kinh tế số, trao đổi số và các vấn đề liên quan", ông Nguyễn Xuân Phúc lưu ý.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 có nhiều diễn biến mới, Thủ tướng đề nghị các địa phương phải chăm lo Tết cho người dân chu đáo, an toàn, đặc biệt là vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng phong tỏa do dịch.
"Còn mấy ngày nữa là Tết, chúng ta cần kiểm tra lại nguồn lực, từ cấp bộ, ngành trung ương đến các siêu thị của thành phố lớn. Các địa phương cần có biện pháp chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, tránh đầu cơ, để người dân có một cái Tết đầm ấm trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra", ông Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 1, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 22,2% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 27,2%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 ước tính đạt 479,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung của các doanh nghiệp tăng 10,5% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp thành lập mới đạt gần 10.100 doanh nghiệp, tăng 21,9% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, nhiều chỉ số khác cũng cho thấy dấu hiệu tốt lên của nền kinh tế so với tháng đầu năm trước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 1 ước tính đạt 53,9 tỷ USD, tăng 45,2% so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 27 tỷ USD, tăng 46,7%; nhập khẩu hàng hóa đạt 26,9 tỷ USD, tăng 43,7%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 100 triệu USD.