Sáng 2/2, phát biểu kết luận cuộc họp thường kỳ đầu tiên trong năm 2021 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương sự hăng hái, trách nhiệm trong phòng chống dịch của ngành y tế, công an, quân đội, đặc biệt ở những vùng có dịch như Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng...
Ông chia sẻ tình nguyện viên, bác sĩ đã ngày đêm lặn lội để cùng các cơ quan chuyên môn quyết tâm ngăn chặn, không để dịch bệnh lây lan.
Đưa vaccine đến người dân trong quý I
Nói về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng cho biết cần tập trung xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và trình Quốc hội phê duyệt. Ông lưu ý trong tình hình mới cần đổi mới tư duy phát triển, cách nghĩ, cách làm. Đổi mới sáng tạo là vấn đề lớn, cần khẩn trương làm trong quý I.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu là quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19, không được chủ quan. Ảnh: Quang Hiếu/VGP. |
Vấn đề thứ hai được Thủ tướng yêu cầu là quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần không được chủ quan, cần tiếp tục cảnh giác với các biện pháp mạnh mẽ, kịp thời theo tinh thần tiếp tục thực hiện mục tiêu kép.
"Một số biện pháp đã triển khai thì tiếp tục triển khai tốt nhất, nhanh nhất trong thời gian tới. Tôi cho rằng những biện pháp vừa qua của Ban Chỉ đạo và cấp địa phương đã giúp chúng ta nắm rõ cách làm về biến thể mới. Các đồng chí cần tận dụng mạnh mẽ hơn để ngăn chặn kịp thời hơn loại biến thể mới này", Thủ tướng yêu cầu.
Chính phủ cũng đồng ý với đề xuất của Bộ Y tế về việc đưa vaccine đến với người dân trong quý I sao cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Các địa phương tập trung, chủ động chỉ đạo dịch trên địa bàn, thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế. Đặc biệt là đeo khẩu trang, tuân thủ chủ trương không tập trung đông người và khai báo y tế.
"Chính phủ yêu cầu ngành y tế tiếp tục nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm vaccine song song với nhập khẩu vaccine. Tinh thần là nếu chúng ta sản xuất được, có chất lượng, tiêu chuẩn thì đương nhiên phải tận dụng", Thủ tướng quán triệt.
Bảo đảm cho người dân đón Tết vui tươi, an toàn
Yêu cầu thứ 3 được Thủ tướng đặt ra trong quý I là triển khai thúc đẩy tăng trưởng 3 không gian kinh tế: Kinh tế trong nước, kinh tế quốc tế và kinh tế số. Lưu ý nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần có biện pháp kích cầu đầu tư, giảm phí, miễn giảm một số khoản mà luật cho phép. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục xây dựng gói kích cầu số 2 và sớm có đề án trình Chính phủ.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu sau Tết, các ngành không nghỉ ngơi nhiều mà cần tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường; giải quyết chủ động, hài hòa quan hệ thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FDI. Thủ tướng nhấn mạnh cần tận dụng thời cơ, tạo môi trường thu hút các dòng vốn đầu tư và tập đoàn công nghệ lớn vào Việt Nam.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2021. Ảnh: Quang Hiếu/VGP. |
Cuối cùng, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, đảm bảo hiệu quả thực chất, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho đổi mới sáng tạo. Ông lưu ý chú trọng phát triển kinh tế tư nhân, tiếp tục đẩy mạnh giảm chi phí cho doanh nghiệp để tăng sức cạnh tranh.
"Mục tiêu là đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất công nghệ cao, đẩy mạnh phát triển đất nước", Thủ tướng chỉ đạo.
Song song với mục tiêu phát triển kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh bảo vệ rừng và trồng rừng. Sau Tết, ông đề nghị các địa phương phát động phong trào trồng cây xanh.
Để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, ông yêu cầu các ngành đảm bảo người dân đón Tết vui tươi, an toàn trên tinh thần không để ai mất Tết, đặc biệt là đối tượng chính sách, vùng bị phong tỏa, vùng có dịch.
"Không tổ chức đi thăm cấp trên và lãnh đạo các cấp, nghiêm cấm tặng quà dưới mọi hình thức", lãnh đạo Chính phủ quán triệt.
3 khả năng của dịch ở Việt Nam
Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nêu ra 3 kịch bản diễn biến dịch Covid-19 tại Việt Nam. Khả năng đầu tiên là Việt Nam có thể ngăn chặn, khống chế được dịch bệnh trước Tết Tân Sửu.
Khả năng thứ 2 là dịch bệnh Covid-19 không được khống chế hoàn toàn, nhưng lây nhiễm cộng đồng chỉ ở mức thấp. Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19 tiếp tục duy trì các biện pháp đã thực hiện.
"Chúng ta cũng không thể bỏ qua khả năng không ngăn chặn được dịch bệnh. Khi tình huống này xảy ra, các biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ, thậm chí phong tỏa trên diện rộng cần được thực hiện", ông Bình lưu ý về kịch bản xấu nhất trong phòng, chống Covid-19.
Để ứng phó, đón đầu với mọi khả năng, Phó thủ tướng đề nghị các lực lượng áp dụng những kinh nghiệm, bài học trước đây như truy vết nhanh, phát hiện sớm, xét nghiệm tầm soát diện rộng. Các địa phương cần tập trung tối đa nguồn lực tài chính, trang thiết bị y tế và đề xuất chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19.
Ông cũng yêu cầu các nơi không để xảy ra tình trạng ngăn sông cấm chợ, chỉ khoanh vùng những nơi được xác định là tâm dịch. Ngoài ra, việc kích cầu tiêu dùng, chuẩn bị hành hóa cung cấp cho người dân và đảm bảo an ninh trật tự dịp Tết cần được đặc biệt quan tâm.
"Đối với vấn đề vaccine phòng Covid-19, tôi cho rằng chắc chắn là phải mua. Chúng ta cần nghiên cứu thị trường, đơn vị cung cấp nào tốt nhất để triển khai", Phó thủ tướng chia sẻ.