Giấc mơ có liên hệ mật thiết tới phần vô thức bên trong mỗi người. Ảnh: L.C. |
Một chàng trai trẻ kể về giấc mơ sau, “Cha tôi đang lái chiếc xe ôtô mới ra khỏi nhà. Ông lái rất vụng về như người mới học lái xe. Cha tôi đi về phía này rồi phía kia, tiến tới rồi lùi lại, liên tục đưa xe vào những chỗ chật hẹp. Cuối cùng ông tông vào bức tường và chiếc xe hư hỏng nặng. Trong giấc mơ tôi cảm thấy bực bội, tôi bảo bố đừng lái xe bất cẩn như vậy, sẽ rất nguy hiểm. Cha tôi chỉ cười to và sau đó tôi nhận ra ông đang trong tình trạng say xỉn.”
Thực tế là không có bất cứ nền tảng nào cho giấc mơ này. Người nằm mơ tin chắc rằng cha của anh không bao giờ hành động như vậy, ông ấy sẽ không lái xe khi say rượu. Bản thân chủ thể đã rất quen thuộc với chiếc xe và anh là một người lái xe cẩn thận và ít sử dụng rượu bia, đặc biệt khi phải lái xe.
Việc lái xe ẩu, thậm chí là khiến chiếc xe bị trầy xước khiến anh rất khó chịu. Mối quan hệ giữa con trai và cha rất tốt. Anh rất ngưỡng mộ cha mình vì ông là một người thành công. Vì vậy, không cần cố gắng diễn giải, chúng ta có thể nói rằng rằng giấc mơ thể hiện một bức tranh bất lợi về người cha. Vậy thì, chúng ta có nên phân tích ý nghĩa của giấc mơ này trong phạm vi liên quan đến người con trai không?
Liệu rằng mối quan hệ giữa anh và cha chỉ có vẻ tốt đẹp trước con mắt của người ngoài, và liệu rằng giấc mơ có chứa đựng sự bù đắp nào quá mức không? Nếu là như vậy, chúng ta nên gán dấu cộng cho nội dung của giấc mơ này; chúng ta có lẽ nên nói với chàng trai trẻ rằng, “Đây chính là mối quan hệ thực sự giữa anh và cha mình.”
Nhưng vì tôi không thể tìm thấy điều gì mơ hồ hoặc dễ kích động về mối quan hệ giữa người con trai và cha trong thực tế, tôi không có lý do gì để làm xáo trộn cảm xúc của chàng trai trẻ này với một thông báo mang tính hủy hoại như vậy. Làm như thế sẽ ảnh hưởng đến kết quả của buổi điều trị.
Nhưng nếu mối quan hệ với cha tốt đến thế, thì tại sao giấc mơ lại bịa đặt một câu chuyện khó tin đến vậy để bôi nhọ người cha? Vô thức của chủ thể phải có khuynh hướng rõ rệt thì mới có thể tạo ra giấc mơ như vậy. Sau tất cả, liệu chàng trai này có cảm xúc chống đối cha mình, điều được nuôi dưỡng từ lòng đố kỵ hoặc cảm giác tự ti?
Nhưng trước khi chúng ta khiến vấn đề này đè nặng lên lương tâm của anh ta, một người vốn nhạy cảm, sẽ dễ mang tới những điều bất lợi. Trong trường hợp này, câu trả lời có thể là do vô thức của anh đang cố gắng làm giảm giá trị của người cha.
Nếu xem đây là một sự bù đắp, chúng ta buộc phải đi đến kết luận rằng mối quan hệ giữa anh với cha không chỉ tốt, mà còn là quá tốt. Chàng trai này xứng đáng với biệt danh fils à papa [1] trong tiếng Pháp. Cha anh vẫn luôn là người đảm bảo cho cuộc sống sung túc của anh ta và điều đó khiến chàng trai tự tin.
Anh đứng trước nguy cơ thất bại trong việc hiểu rõ bản thân mình bởi vì hình ảnh "người cha" có mặt ở mọi khía cạnh trong đời sống . Đó là lý do vô thức sản xuất ra một kiểu bôi nhọ: nó tìm cách hạ thấp người cha để nâng vị trí của người con trai lên.
Đây là “Một hành vi trái đạo đức”, ta muốn gọi nó như thế. Những người cha thiếu sự hiểu biết sâu sắc sẽ bắt đầu cảnh giác. Và tuy nhiên, sự bù đắp này hoàn toàn xác đáng. Điều đó buộc người con trai phải đối chiếu chính mình với người cha và đó là cách duy nhất để anh có thể nhận thức về bản thân.
Đây là cách giải thích vừa rõ ràng vừa chuẩn xác về tác động của vô thức lên mỗi giấc mơ và mối liên hệ giữa vô thức, giấc mơ và hiện thực đời sống. Cách giải thích này giành được sự tán thành của chàng trai trẻ và không gây tổn hại đến tình cảm giữa hai cha con.
Nhưng cách giải thích này chỉ khả dĩ khi mối quan hệ cha-con được nghiên cứu dựa theo các sự kiện mà ý thức có thể tiếp cận được. Nếu không có kiến thức về tình huống có ý thức, thì ý nghĩa thực sự của giấc mơ vẫn còn bị nghi ngờ.
---------------------------------
[1] Con trai cưng của bố.