Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đi tìm chân dung Ngô Kha

Ngô Kha là một thầy giáo dạy học sinh lòng tự tôn dân tộc, một thi sĩ viết những vần thơ siêu thực, một người đấu tranh cho hòa bình.

Trong phim Em và Trịnh, bên cạnh những nàng thơ, nhóm bạn thân thiết của vị nhạc sĩ tài hoa cũng được khắc họa. Nhóm bạn thân của Trịnh Công Sơn đều là văn nhân, nghệ sĩ như Bửu Ý, Ngô Kha...

Ngoài đời thật, Ngô Kha là một thi sĩ, thầy giáo, một liệt sĩ. Cuối năm 1973, Ngô Kha đang ở cùng mẹ già thì bị mật thám đến bắt và không bao giờ quay trở lại. Chân dung, cuộc đời nghệ thuật của Ngô Kha được dựng lại qua ký ức bạn bè ông và qua những vần thơ mà ông để lại.

Nha tho Ngo Kha anh 1

Nhóm bạn Tuyệt Tình Cốc trong Em Và Trịnh. Ảnh: FB Phim Em và Trịnh.

Mối quan hệ gắn kết giữa Trịnh Công Sơn và Ngô Kha

Nhiều nguồn tư liệu khác nhau cho thấy Ngô Kha và Trịnh Công Sơn có mối gắn kết đặc biệt trong nhóm bạn văn nghệ. Họ ảnh hưởng lẫn nhau trong cả thế giới quan nghệ thuật lẫn lập trường sống. Ngô Kha còn là em rể của Trịnh Công Sơn khi kết hôn với Trịnh Vĩnh Thúy vào năm 1967.

Trên phim, biên kịch cũng xây dựng Ngô Kha như là người bạn có bản lĩnh và thân thiết của Trịnh Công Sơn, nhưng quan hệ anh vợ - em rể của họ lại không được nhắc đến.

Theo giáo sư Lê Văn Lan, Ngô Kha thần tượng Che Guevera, ông thích đội mũ beret màu đen lệch một bên để giống với hình tượng của nhà cách mạng người Argentina. Nhà giáo gốc Huế là một nhà thơ truyền cảm và là một nhà hùng biện đầy năng lượng.

Trong khi đó, nhà thơ Bửu Ý tiết lộ Ngô Kha không phải là tuýp nhà giáo cứng rắn, khó thỏa hiệp và luôn toát ra một vẻ bất bình trước bối cảnh phức tạp về chính trị xung quanh mình.

Nha tho Ngo Kha anh 2

Nhà giáo, thi sĩ Ngô Kha. Ảnh: Báo Nhân Dân.

Bằng sự chân thành và tính cách yêu chính nghĩa, Ngô Kha được biết đến là một người thầy đầy sức hút. Ông có vẻ đẹp của người trí thức, dạy cho học sinh biết yêu tình yêu đất nước và đau nỗi đau chiến tranh. Ngô Kha không nhốt mình trong giáo án mà muốn bài giảng của mình phải có sức ảnh hưởng rõ rệt với học sinh, giúp họ có ý thức nhận thức các vấn đề nội tại trong xã hội bấy giờ.

Bên cạnh kỹ năng sư phạm, Ngô Kha cũng được đánh giá cao với tư cách một nhà thơ siêu thực, ảnh hưởng bởi làn sóng tư tưởng mới từ phương Tây thời bấy giờ.

Thế hệ của Ngô Kha, Trịnh Công Sơn cũng như Sartre, Camus, Jacques Prevert và Lorca đều bước ra từ chiến tranh. Họ ưa lối ngôn ngữ mang tính thể nghiệm, đôi khi xa xôi và trừu tượng, từ chối logic cũng như sự mạch lạc vì quá mệt mỏi trong việc giải nghĩa thế giới đã quá đỗi hỗn loạn và phi lý trong và sau thời chiến.

Dưới ảnh hưởng của làn sóng tư tưởng mới, nếu Trịnh Công Sơn có Tình ca người mất trí để kể câu chuyện tình yêu trong chiến tranh thì Ngô Kha có Ngụ ngôn của người đãng trí kể câu chuyện thời chiến dưới góc nhìn của tiềm thức. Ông được công nhận là người đầu tiên kết hợp được thơ siêu thực phương Tây với thơ yêu nước của Việt Nam.

So với nhạc của Trịnh Công Sơn thì thơ của Ngô Kha có phần khó hiểu hơn. Ông thích dùng những ẩn dụ về sự sống và cái chết như những mật mã của tiềm thức, gợi cảm quan về một cõi khởi nguyên mông muội và nhuốm màu hoang dại. Theo nhà thơ Ngô Minh, thơ Ngô Kha trong giai đoạn Ngụ ngôn của người đãng trí thể hiện sự cô đơn của thi sĩ Huế và phản ứng của ông trước nỗi kinh hoàng của chiến tranh. Đỗ Lai Thúy gọi tác phẩm là “một mê cung siêu thực, mộng mị giấc mơ”.

Nha tho Ngo Kha anh 3

Ngô Kha và Trịnh Công Sơn có mối gắn kết trong phim Em và Trịnh. Ảnh: FB Phim Em và Trịnh.

Thơ siêu thực

Có nhiều cách khác nhau để diễn giải ngôn ngữ thơ của Ngô Kha. Có người cho rằng lựa chọn thơ siêu thực là một cách để tránh kiểm duyệt. Hoàng Phủ Ngọc Tường tôn vinh Ngụ ngôn của người đãng tríTrường ca hòa bình như một “nỗi buồn lặng lẽ và trong sạch”, phản ánh tâm hồn đầy hoài nghi của tác giả trước xã hội đương thời.

Theo quan điểm của Thanh Thảo thì Ngô Kha chọn ngôn ngữ siêu thực vì thể loại này “đột nhập” được vào những khoảng bất chợt trong tâm hồn sâu thẳm con người, với những hình ảnh mờ chồng tự động và nhiều khi sẫm tối, làm bộc lộ sự phong phú nhiều khi đáng kinh ngạc trong đời sống nội tâm của một thi sĩ.

Sau giai đoạn của Trường ca Hòa bìnhNgụ ngôn của người đãng trí, Ngô Kha giảm bớt chất siêu thực và thực hiện những tác phẩm thể hiện lập trường chính trị một cách trực diện hơn. Điều đó một phần khiến ông lọt vào danh sách đen của chính quyền Sài Gòn và bị bắt giam ba lần.

Đến cuối năm 1973, Ngô Kha mất tích. Thông tin về vụ thủ tiêu Ngô Kha được giải mật sau giải phóng. Ông bị một trong những học trò cũ của mình là Liên Thành bắt giam và thủ tiêu.

Chiến tranh đi qua, thế hệ nghệ sĩ yêu nước cùng thời với Ngô Kha dần không còn nữa. Hành trình đi tìm Ngô Kha không chỉ giới hạn ở việc tìm lại phần hồn cốt của cố nhà thơ mà còn là nhiệm vụ tái hiện và bồi đắp tiếp giá trị tinh thần mà cố nghệ sĩ và thế hệ của ông để lại.

Sức quyến rũ khác thường trong ca từ của Trịnh Công Sơn

Chất thơ tỏa bóng dáng huy hoàng của chủ nghĩa lãng mạn trên ca từ Trịnh Công Sơn, chất triết học thì đem lại chiều sâu của tư tưởng hiện đại.

Căn nhà của Trịnh Công Sơn và những 'gã lang thang'

Trên chiếc bàn viết bằng gỗ mộc của Sơn để lại, và trong chiếc ghế làm bằng sợi mây hèo to của Cường thường ngày vẫn ngồi vẽ, đều dậy lên mùi hương lặng lẽ của tuổi trẻ chúng tôi.

Minh Quân

Bạn có thể quan tâm