Chiều 1/3, nhiều chuyên gia trong nước, quốc tế về Quảng Ngãi dự hội nghị triển khai kế hoạch xây dựng Công viên Địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh (Quảng Ngãi).
Có triển vọng được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu nhưng để điều này trở thành hiện thực, các chuyên gia cho rằng Quảng Ngãi còn nhiều việc phải làm đối với Công viên Địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh.
'Bảo tàng tự nhiên' hoạt động núi lửa
Ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, cho hay suốt năm qua, Viện Khoa học Địa chất Khoáng sản phối hợp Ban quản lý Công viên Địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh thực hiện nhiều đợt đánh giá. Chuyên gia đến từ các nước: Pháp, New Zealand, Nhật, Hàn Quốc và Việt Nam thực hiện 11 đợt khảo sát địa chất khoáng sản, địa mạo cảnh quan, lịch sử văn hóa tại 9 huyện, thành phố Quảng Ngãi.
Đoàn nghiên cứu cũng đi khảo sát thực địa 90 điểm trên ba tuyến: Quảng Ngãi - Dung Quất, Quảng Ngãi - Sa Huỳnh, Quảng Ngãi - Trà Bồng và huyện đảo Lý Sơn.
"Nhà khoa học đã khảo sát 1.130 điểm ở Công viên Địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh, lấy hàng trăm mẫu gửi ra nước ngoài phân tích. Kết quả nghiên cứu bước đầu, các chuyên gia nhận định di sản địa chất đá núi lửa basalt khu vực Lý Sơn, TP Quảng Ngãi và Bình Sơn chủ yếu thuộc hệ tầng Đại Nga và hệ tầng Túc Trưng”, ông Trí nói.
Trầm tích núi lửa tạo nên di sản địa chất độc đáo ở Gành Yến, xã Bình Hải (huyện Bình Sơn). Ảnh: M.Hoàng. |
PGS -TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học địa chất khoáng sản, nhìn nhận đảo Lý Sơn, ven biển Bình Châu và vùng phụ cận có những tầng lớp địa chất độc đáo, phong phú. Đây là dấu tích nhiều đợt kiến tạo của vỏ trái đất cách đây hàng triệu năm.
"Các thời kỳ phun trào núi lửa khác nhau đã tạo nên những tuyệt phẩm tự nhiên từ sự tương tác giữa biển và núi lửa. Di sản địa chất ở Quảng Ngãi ví như bảo tàng tự nhiên về hoạt động núi lửa hiếm có trên thế giới, xứng tầm là công viên địa chất toàn cầu", ông Văn nhìn nhận.
Trải qua nhiều ngày lên núi, xuống biển và vượt biển ra đảo Lý Sơn khảo sát, Tiến sĩ Guy Martini, Chủ tịch Hội đồng Công viên Địa chất UNESCO, Tổng thư ký Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu, đánh giá khu vực công viên Lý Sơn - Sa Huỳnh giàu tiềm năng, đa dạng sinh học...
Thắng cảnh Hang Cau ở huyện đảo Lý Sơn- một tuyệt phẩm thiên nhiên kiến tạo từ hoạt động phun trào núi lửa. Ảnh: Minh Hoàng. |
Theo ông Guy Martini, Công viên Địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh hội đủ giá trị di sản địa chất, lịch sử văn hóa, khảo cổ học, cảnh quan hoang sơ... có triển vọng được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu. Để đạt được điều này, Quảng Ngãi còn nhiều việc phải làm phía trước như: Lập trạm thông tin, lắp đặt hệ thống biển chỉ dẫn tại các địa điểm trong hệ thống công viên, chung tay gìn giữ, bảo tồn nguyên trạng cảnh quan, vệ sinh môi trường, truyền thông rộng rãi đến cộng đồng, du khách...
GS Nakada (Nhật Bản), Phó chủ tịch Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu, cũng từng ghi nhận các tiêu chí về di sản địa chất ở Quảng Ngãi hết sức độc đáo, hội đủ điều kiện trở thành công viên địa chất toàn cầu.
Nộp hồ sơ lên UNESCO vào cuối năm
Trước mắt, ngành Văn hóa thể thao và Du lịch tỉnh hoàn chỉnh định tuyến du lịch, thiết kế nội dung biển bảng giới thiệu các điểm di sản, điểm dừng chân; triển khai hoạt động truyền thông cho cán bộ các cấp, cộng đồng và trường học; xây dựng hồ sơ trình cấp thẩm quyền bảo tồn di sản địa chất và văn hóa; tham gia các hoạt động của mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu, mạng lưới Công viên Địa chất Việt Nam… Các chuyên gia cũng thống nhất đề xuất Quảng Ngãi cho phép lập Ban quản lý chuyên trách cho Công viên Địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh.
Dấu tích miệng núi lửa còn nguyên vẹn nằm ở vùng biển gần bờ Ba Làng An, xã Bình Châu (huyện Bình Sơn). Ảnh: Minh Hoàng. |
Quảng Ngãi đang tập trung hoàn thiện và dự kiến nộp hồ sơ Công viên Địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh cho UNESCO tháng 11 tới. Sau đó, địa phương tiếp tục lập hồ sơ trình Ủy ban Di sản Quốc gia công nhận và trình lên Hội đồng Di sản thế giới để UNESCO công nhận Lý Sơn - Sa Huỳnh là Công viên Địa chất toàn cầu.
Giá trị cốt lõi của Công viên toàn cầu tập trung vào 15 lĩnh vực trọng tâm nhằm thực hiện sứ mệnh bảo tồn và phát triển bền vững. Mục tiêu của chương trình này là bảo tồn di sản địa chất và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm hiểm họa về địa chất, bảo tồn đa dạng sinh học, di sản văn hóa, giáo dục, lưu giữ các kiến thức địa phương và bản địa...