Kể từ khi virus corona xuất hiện ở châu Âu, Thụy Điển đã thu hút sự chú ý của quốc tế khi có một quyết định đi ngược với phần còn lại của thế giới: nước này vẫn mở cửa và duy trì cuộc sống gần như bình thường. Và những gì diễn ra không bình thường như người ta mong đợi ở Thụy Điển đã cung cấp cho thế giới góc nhìn về đại dịch khi một chính phủ không áp các biện pháp hạn chế.
Và đây là những gì đã xảy ra: Thụy Điển trở thành quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất châu Âu, và kinh tế cũng chẳng phát triển hơn nhiều.
Tỷ lệ tử vong cao nhất châu Âu
"Thực tế, họ chẳng đạt được gì cả", ông Jacob F. Kirkegaard, một thành viên cao cấp tại Viện kinh tế quốc tế Peterson ở Washington cho biết.
Hậu quả của những chính sách sai lầm của Thụy Điển vượt ra cả bờ biển Scandinavi. Tại Mỹ, nơi virus đang lây lan với tốc độ đáng báo động, nhiều bang - theo thúc đẩy của Tổng thống Trump - đã xoá bỏ hoặc nới lỏng lệnh cách ly với suy nghĩ rằng việc này sẽ thúc đẩy sự hồi phục kinh tế, cho phép người dân quay lại nơi làm việc, cửa tiệm và nhà hàng.
Cư dân Thụy Điển vẫn sinh hoạt bình thường trong đại dịch. Ảnh: AFP. |
Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson - người từng được chẩn đoán dương tính với Covid-19 - đã cho mở lại các quán rượu và nhà hàng vào cuối tuần trước trong nỗ lực khôi phục đời sống kinh tế bình thường.
Tiềm ẩn trong các biện pháp này là giả định rằng chính phủ phải cân bằng trong việc bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và quyết định tạo thêm công việc với nhiều rủi to từ việc nới lỏng giãn cách xã hội.
Nhưng kết quả nghiệt ngã của Thụy Điển - số lượng tử vong và thiệt hại kinh tế gần như tương đồng - cho thấy sự lựa chọn này là sai lầm. Thất bại trong việc áp dụng giãn cách xã hội có thể phải trả giá bằng mạng sống và tiền bạc cùng một lúc.
Chính phủ Thụy Điển cho phép các nhà hàng, phòng tập thể dục, cửa hàng, sân chơi và hầu hết trường học vẫn mở. Ngược lại, Đan Mạch và Na Uy đã chọn cách ly nghiêm ngặt, cấm tụ tập đông người và đóng cửa cửa hàng và nhà hàng.
Hơn 3 tháng sau, dịch bệnh đã khiến 5.420 người tử vong ở Thụy Điển, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Con số này có vẻ không mấy đáng kể so với hơn 129.000 người Mỹ tử vong vì Covid-19. Nhưng phải lưu ý rằng, Thụy Điển là một đất nước chỉ có 10 triệu dân. Tính theo tỷ lệ, Thụy Điển có số lượng tử vọng nhiều hơn 40% so với Mỹ, gấp 12 lần Na Uy, gấp 7 lần Phần Lan và 6 lần so với Đan Mạch.
Kinh tế vẫn bị tàn phá nặng nề dù không đóng cửa
Số lượng người chết tăng cao là hậu quả của các biện pháp chống dịch tại đây. Điều nổi lên hiện nay là mặc dù hoạt động kinh doanh không bị gián đoạn, Thụy Điển vẫn phải chịu thiệt hại về kinh tế ở mức độ tương đương với các nước láng giềng.
Ngân hàng Trung ương Thụy Điển dự kiến nền kinh tế sẽ suy giảm đến 4,5% trong năm nay, dù mức tăng dự kiến trước đó là 1,3%. Tỷ lệ thất nghiệp đã tăng từ mức 7,1% trong tháng 3 lên gần 9% từ tháng 5. "Tổng thiệt hại kinh tế này có nghĩa là sự phục hồi sẽ bị kéo dài, với tỷ lệ thất nghiệp vẫn tăng cao", Oxford Economics tổng kết trong một nghiên cứu gần đây.
Còn đây là mức độ thiệt hại do đại dịch gây ra ở Đan Mạch, nơi Ngân hàng Trung ương cho rằng nền kinh tế sẽ giảm 4,1% trong năm nay. Tỷ lệ thất nghiệp tại đây tăng từ 4,1% trong tháng 3 lên 5,6% trong tháng 5.
Tóm lại, Thụy Điển phải chịu tỷ lệ tử vong cao hơn rất nhiều trong khi không thu được lợi ích kinh tế như dự kiến.
Virus không dừng lại ở biên giới quốc gia. Bất chấp quyết định của chính phủ cho phép nền kinh tế trong nước phát triển, Thụy Điển vẫn mắc kẹt với suy thoái như ở mọi nơi khác trên thế giới. Và người dân Thụy Điển đã phản ứng với nỗi sợ virus bằng các hạn chế mua sắm - điều không đủ để ngăn chặn tỷ lệ tử vong cao ngất, nhưng lại đủ để tạo ra sự suy giảm trong hoạt động kinh doanh.
Các nhà hàng, phòng tập thể dục, cửa hàng, sân chơi và hầu hết trường học vẫn mở tại Thụy Điển. Ảnh: AFP. |
Từ trường hợp của Thụy Điển có thể rút ra được rằng không phải các hành động kiểm dịch của chính phủ như là lệnh đóng cửa, mà chính virus mới là thủ phạm thực sự gây ra những thiệt hại nặng nề về kinh tế. Từ châu Á đến châu Âu rồi đến châu Mỹ, những rủi ro của đại dịch đã làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, đồng thời khiến mọi người dân tránh xa các trung tâm mua sắm và nhà hàng, thường được biết đến là những nơi đông người, bất kể chính sách chính thức của chính phủ là như thế nào.
Thụy Điển đang phải hứng chịu tác động rõ ràng nhất từ sự thất thường của thương mại toàn cầu. Một khi đã xảy ra đại dịch có quy mô trên toàn thế giới như thế này, chắc chắn các quốc gia sẽ phải chịu hậu quả nặng nề về kinh tế, theo ông Kirkegaard, một nhà kinh tế học, chia sẻ với tờ New York Times.
Chính phủ Thụy Điển dường như chưa sẵn sàng để thực sự thay đổi chiến lược kiểm dịch, cũng theo ông Kirkegaard.
Mặc khác, Na Uy không chỉ nhanh chóng áp dụng biện pháp cách ly mạnh mẽ nhưng cũng sớm nới lỏng khi dịch bệnh đã dần trong tầm kiểm soát. Chính phủ cũng đẩy mạnh việc xét nghiệm virus. Ngân hàng Trung ương Na Uy dự đoán rằng nền kinh tế tại đây, không bao gồm lĩnh vực dầu khí, sẽ giảm 3,9% trong năm nay. Đây là một sự cải thiện rõ rệt so với mức giảm 5,5% dự kiến trong thời gian đóng cửa.
Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cách kiểm dịch của Thụy Điển đã giảm thiểu thiệt hại kinh tế so với các nước láng giềng trong 3 tháng đầu năm, nhưng điều đó đã thay đổi khi đại dịch đã càn quét nền kinh tế thế giới. Người tiêu dùng Thụy Điển đã tự giảm thiểu nhu cầu mua sắm của họ.