Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đi đường vòng để thành công

Đôi khi đi đường vòng sẽ khiến bạn hy sinh nhiều thời gian và sức lực hơn, nhưng cũng có thể giúp đạt được mục đích.

Hiểu Thần là cháu gái của nhà hàng xóm ở quê, cô bé 18 tuổi, thi đại học không nhận được giấy báo nhập học của trường mình thích, nên lên thủ đô giải khuây. Để cho an toàn, tôi bảo cô bé đến nhà tôi ở.

Vợ chồng tôi phải đi làm, Hiểu Thần cũng khá độc lập, không muốn làm phiền chúng tôi, năm lần bảy lượt nói không cần có người bầu bạn, chỉ chịu đi xe của chúng tôi đến ga tàu điện ngầm mỗi sáng, và giao hẹn nhất định sẽ về nhà trước 8 giờ tối.

Để không tăng thêm gánh nặng tâm lý cho Hiểu Thần, tôi dặn dò một số điều cần chú ý rồi để cho cô bé tự do. Hai ngày đầu, Hiểu Thần đều về nhà rất sớm, đến giờ cơm tối sẽ kể với chúng tôi về thức ăn ngon, ngõ hẻm, vẽ tranh, không hề biết mệt, tâm trạng dường như không hụt hẫng giống như người nhà cô bé nói trong điện thoại. Không ngờ, đến ngày thứ ba, cô gái nhỏ đã khiến chúng tôi trở tay không kịp.

Tối hôm ấy, tôi đang nấu cơm, ông xã thì xem tivi. Đã hơn 8h mà Hiểu Thần vẫn chưa về nên tôi bảo chồng gọi điện thoại. Không ngờ người nghe máy là một chàng trai, nói Hiểu Thần uống say ở quán bar, còn đập bàn ghế của quán, bảo chúng tôi đến đền tiền nhận người. Chồng tôi hỏi rõ địa chỉ, rồi nhờ một đồng nghiệp giúp đỡ, vội vàng lái xe đến đó. Sau bao trắc trở, cuối cùng hai người cũng đưa được Hiểu Thần về nhà trước mười hai giờ khuya.

Sau khi lo cho Hiểu Thần ngủ xong, tôi chạy về phòng, hỏi chồng có chuyện gì. Hóa ra Hiểu Thần xảy ra xung đột với bàn bên cạnh, người ta thấy cô bé là con gái nên không bận tâm, nhưng Hiểu Thần vừa khóc vừa quậy, khiến quán bar hỗn loạn. Ông chủ thấy cô bé cứ khóc mãi, đoán rằng không thất tình thì cũng gặp chuyện không như ý, nên không báo cảnh sát. Sau đó, chồng tôi đến nơi, bồi thường tổn thất cho quán rồi mới được dẫn người đi.

Chồng tôi nói: “Anh nghĩ em nên nói chuyện đàng hoàng với Hiểu Thần, trong lòng con bé chắc chắn vẫn nghĩ đến chuyện buồn thi đại học, em hãy dùng những trường hợp thất bại trong cuộc đời mình để khuyên bảo con bé".

Tôi hỏi ngược lại: “Tại sao anh không đi?”.

Chồng tôi nhướng mày: “Anh từng gặp phải thất bại gì sao? Ngược lại là em đó, bị hại bởi sự ngu dốt của bản thân bao nhiêu lần rồi nhỉ?”.

Tôi không còn lời nào để đối đáp, chỉ có thể tặng anh ấy một cái trợn mắt siêu to khổng lồ.

Hôm sau, tôi xin nghỉ một ngày, quyết định dẫn Hiểu Thần đi tham quan “ngôi nhà” đầu tiên của tôi ở thành phố.

***

Lúc mới đi làm, tôi thuê một căn hộ bán tầng hầm nằm ở Đông Ngũ Hoàn. Phòng u ám ẩm ướt, chỉ vào lúc khoảng mười giờ sáng mỗi ngày mới có ánh nắng yếu ớt chiếu vào, thời gian còn lại đều chìm trong bóng tối. Nhưng may mà là phòng đơn, nhà vệ sinh riêng, giá rẻ, ban ngày tôi đi làm, tối cũng chỉ ngủ ở đó, nên đóng luôn nửa năm tiền nhà.

Không gian dưới hầm rất lớn, hành lang dài thông đến cuối đường, có hơn 30 phòng. Ngoài nhân viên đi làm như tôi, người thuê nhà đa phần là sinh viên từ các nơi đến Bắc Kinh học vẽ. Vì quanh đây có rất nhiều phòng trưng bày nổi tiếng, tầng trên là phòng làm việc của nhiều họa sĩ. Sinh viên ở trọ thường là ba bốn người chen chúc trong một phòng, ban ngày lên lầu học, tối về tiếp tục vẽ.

Bước vào cổng chính chung cư, sẽ có một phòng họp nhỏ, vì thời gian đó sắp đến kỳ thi năng khiếu nên nhân viên quản lý mở luôn phòng họp cho thí sinh dự thi dùng. Đôi khi tôi tăng ca về gần 12 giờ khuya, vẫn có thể nhìn thấy phòng họp đèn điện sáng trưng. Những sinh viên 17, 18 tuổi kia dường như không biết mệt mỏi là gì, liên tục phối màu, luyện tập bút pháp.

Trên những gương mặt trẻ trung ấy là sự khao khát và kiên định đối với ước mơ, cũng mang nỗi băn khoăn và lo lắng về tương lai sau này. Nhưng tất cả đều cùng nhau kiên trì, chưa đến giây phút cuối cùng dường như không ai nghĩ đến việc từ bỏ. Hình ảnh ấy đã chạm đến trái tim tôi, cũng đã thay đổi nhận thức cứng nhắc về sinh viên năng khiếu của tôi từ trước đến nay.

Khi ấy, sát phòng tôi là một đồng hương, cậu ấy là một chàng trai trẻ trung khoảng 20 tuổi, đã ở căn hộ bán tầng hầm này hai năm rồi. Chí hướng và nguyện vọng của cậu ấy là Học viện Mỹ thuật Trung ương, sau hai năm thi liên tiếp, cậu ấy đều bỏ lỡ cơ hội vào học ngôi trường này chỉ với cách biệt rất nhỏ. Song, cậu ấy vẫn rất chăm chỉ chuẩn bị cho kỳ thi lần thứ ba.

Cậu ấy là số ít người sống minh bạch nhất trong số những người tôi từng gặp, có nhận thức rõ ràng về hiện thực đời không như là mơ. Cậu ấy nói với tôi: “Em cho mình ba cơ hội, nếu lần này vẫn thi không đỗ thì em sẽ dẹp đường hồi phủ".

Tôi hỏi: “Dẹp đường hồi phủ nghĩa là định bỏ cuộc sao?”.

Cậu ấy lắc đầu: “Chuyện đó thì chưa chắc, một là đối mặt với áp lực của người nhà và bạn bè thì em sẽ bỏ cuộc, một là em sẽ đi đường vòng để cứu nước".

Tôi lại hỏi tiếp: “Hai năm nay, có khi nào cậu cảm thấy mệt mỏi không?”.

Cậu ấy cười đáp: “Đương nhiên là có chứ, em không sợ đi đường vòng, miễn là có thể đến được nơi mình muốn đến, em không bận tâm phải tốn bao nhiêu thời gian và sức lực. Nhưng chỉ sợ đi đến cuối đường vòng mà vẫn là ngõ cụt, em không chắc chắn mình còn có thể gắng gượng được bao lâu".

Năm đó cậu ấy vẫn thi không đỗ, trước khi về quê, cậu ấy tặng tôi hai bức tranh, bảo tôi giữ gìn cẩn thận, nói không chừng một ngày nào đó cậu ấy nổi tiếng, hai bức tranh này sẽ rất có giá trị.

Những chuyện sau đó hợp lẽ. Cậu ấy được một ngôi trường khác nhận vào, sau bốn năm học tập, cậu ấy đăng ký thi nghiên cứu sinh vào Học viện Mỹ thuật Trung ương, thuận lợi thông qua kỳ thi, lựa chọn một vị giảng viên mình thích làm hướng dẫn.

Bây giờ, cậu ấy đã có năng lực mở triển lãm tranh riêng, một bức tranh cũng có thể bán được hơn một trăm nghìn tệ. Dĩ nhiên là tôi không bán hai bức tranh cậu ấy để lại cho mình, hơn nữa còn luôn giữ gìn rất cẩn thận.

Bởi vì hai bức tranh này luôn nhắc nhở tôi rằng: Đôi khi đi đường vòng sẽ khiến bạn hy sinh nhiều thời gian và sức lực hơn, nhưng cũng có thể giúp bạn đạt được mục đích, không phải sao?

Lý Huy / Gieobooks và NXB Văn học

SÁCH HAY