Không dễ để smartphone cao cấp Trung Quốc xâm nhập thị trường Việt Nam. Trong ảnh là chiếc Mi Note Pro của Xiaomi. |
Di động Trung Quốc phủ sóng ngày một rộng ở thị trường Việt Nam, cả ở nhóm chính hãng lẫn xách tay. Những model với cấu hình cao, giá rẻ của Xiaomi, Meizu, Lenovo tạo sức ảnh hưởng lớn lên thị trường trong năm vừa qua. Tuy nhiên, thực tế là các hãng sản xuất này tránh đối đầu với các ông lớn ở nhóm cao cấp.
Oppo nằm trong top 3 nhà sản xuất có lượng máy bán ra cao nhất. Tuy nhiên, hãng không tung một chiếc máy cao cấp nào trong suốt năm 2015. Model có giá trị lớn nhất của hãng này - chiếc R7 Plus (11,5 triệu đồng) thực chất là bản nâng cấp của mẫu R7 tầm trung. Sau những năm đầu liên tục ra mắt máy cao cấp dòng Find và dòng N, hãng đã cắt bỏ hạng mục máy cao cấp từ 2015.
Điều tương tự cũng diễn ra với Lenovo. Hãng cho bán ra hàng loạt smartphone tầm trung và tầm thấp tại Việt Nam nhưng bỏ qua máy cao cấp. Model cao cấp thực sự Lenovo đem về Việt Nam gần đây nhất là chiếc K900 - từ năm 2013. Một ông lớn di động Trung Quốc khác, vừa tiến vào Việt Nam là Meizu cũng chọn 3 model từ giá rẻ đến tầm trung để ra mắt, bỏ qua mẫu Pro 5 cao cấp nhất.
Lenovo tung ra nhiều mẫu di động tầm trung tại Việt Nam, bỏ qua nhóm cao cấp. Ảnh: Thành Duy. |
Ở nhóm xách tay, điện thoại nội địa Trung Quốc đang lấn át các sản phẩm Nhật, Hàn – vốn thịnh hành trước đây. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của những chiếc máy giá rẻ. Xiaomi Redmi Note 2, Redmi Note 3 có thể liên tục cháy hàng nhưng sản phẩm như Xiaomi Mi Note hay Mi Note Pro gần như bị thị trường bỏ qua.
Khi được hỏi về triển vọng của di động cao cấp Trung Quốc tại Việt Nam, đại diện một nhà phân phối lớn cho hay, đây là bài toán khó. Ông này thừa nhận, không dễ để model nào khác cạnh tranh được với Apple, Samsung ở nhóm trên. Thay vào đó, di động Trung Quốc đang nhắm vào mức giá tầm trung, là phân khúc phát triển mạnh mẽ nhất.
Quan điểm này nhận được sự đồng tình của nhiều người. “Nếu chọn mua máy giá rẻ hoặc tầm trung, nhiều người sẽ ưu tiên cấu hình và chọn máy Trung Quốc. Tuy nhiên, phân khúc cao cấp là câu chuyện hoàn toàn khác”, anh Mạnh Tuấn – đại diện một hệ thống di động tại Hà Nội cho hay.
Anh này phân tích, khi mua máy cao cấp, cấu hình không phải ưu tiên hàng đầu của người dùng mà là yếu tố thương hiệu. Về mặt này, di động Trung Quốc phải mất nhiều thời gian, thậm chí không thể cạnh tranh nổi với Apple, Samsung hay Sony. Theo anh Tuấn, bản thân các ông lớn cũng "trầy da tróc vẩy" ở nhóm smartphone đầu bảng. Do đó, việc hãng sản xuất Trung Quốc bỏ qua phân khúc này, tìm kiếm cơ hội ở nhóm tầm trung và giá rẻ là điều dễ hiểu.