Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

VOICES

Di dời ga Nha Trang - làm lợi nhà đầu tư, thiệt hại cho số đông

Không có đô thị lớn nào lại xóa bỏ nhà ga xe lửa khu trung tâm chỉ để làm dự án địa ốc. Một dự án thương mại mọc lên tại đất nhà ga sẽ chỉ phục vụ lợi ích của nhà đầu tư.

di doi Ga Nha Trang anh 1

Di dời ga Nha Trang - làm lợi nhà đầu tư, thiệt hại cho số đông

Không có đô thị lớn nào trên thế giới lại xóa bỏ nhà ga xe lửa khu trung tâm chỉ để làm dự án địa ốc. Một dự án thương mại mọc lên tại đất nhà ga sẽ chỉ phục vụ lợi ích của nhà đầu tư.

di doi Ga Nha Trang anh 2

di doi Ga Nha Trang anh 3

Ngô Viết Nam Sơn

Kiến trúc sư

TSKH.KTS. Ngô Viết Nam Sơn là Chủ tịch NgoViet Architects & Planners. Ông là chuyên gia về quy hoạch và kiến trúc. Ông có bằng tiến sĩ và thạc sĩ chuyên ngành tại ĐH Washington và ĐH California - Berkeley, Mỹ. Ông có trên 30 năm kinh nghiệm về thiết kế quy hoạch kiến trúc tại Bắc Mỹ và châu Á, tư vấn chiến lược cho các chính quyền địa phương, và giảng dạy tại nhiều trường đại học quốc tế. Đây là bài viết riêng của ông cho Zing.vn.

Dời ga xe lửa ra ngoài trung tâm thành phố để lấy đất làm dự án đang là đề xuất của các nhà đầu tư tại nhiều đô thị trên khắp cả nước. Trong đó, việc di dời ga Nha Trang ra khỏi nội đô thành phố để làm dự án địa ốc cũng đã được đề nghị trong nhiều năm qua, với lý do giảm ùn tắc giao thông.

Tuy nhiên, đứng từ góc độ khoa học quản lý đô thị, chúng ta hoàn toàn không nên cổ xúy cho việc đô thị hóa đến đâu, dời ga đến đó. Đây là xu hướng rất có hại cho đô thị, trong khi bỏ qua tiềm năng phát triển giao thông công cộng.

Đặc biệt với trường hợp của ga Nha Trang, nếu chọn cách di dời nhà ga hiện tại để đổi lấy đất vàng phục vụ dự án thương mại sẽ là một sai lầm chiến lược.

Chỉ nhà đầu tư hưởng lợi

Trong quá trình phát triển ở phần lớn các đô thị lớn trên thế giới như New York (Mỹ), Paris (Pháp) hay Montreal (Canada), ga xe lửa đều được giữ lại trong khu trung tâm, và được chỉnh trang để kết nối tốt với mạng lưới giao thông công cộng của thành phố.

Nhờ đó, người dân có thể đi mọi nơi trong thành phố, và đi đến các thành phố khác một cách tiện lợi, mà không cần phương tiện giao thông cá nhân.

Việc phá các tuyến đường sắt cũ để làm dự án địa ốc là một sai lầm chiến lược, dẫn đến thiệt hại kinh tế rất lớn, trong khi chỉ làm lợi cho nhà đầu tư.

Với trường hợp của ga Nha Trang, nếu chọn cách di dời nhà ga hiện tại để đổi lấy đất vàng phục vụ dự án thương mại sẽ là một sai lầm chiến lược.

Chúng ta từng mắc nhiều sai lầm trong lịch sử phát triển đô thị. Hà Nội từng có đường tàu điện, TP.HCM từng có đường xe lửa chạy đến tận chợ Bến Thành, nhưng đều đã bị bỏ đi, hoặc cắt ngắn, để làm đường và xây dựng nhà phố.

Giá như lúc đó vẫn giữ lại các tuyến giao thông này, ngày nay chúng ta đã có thể dễ dàng nâng cấp thành một mạng giao thông công cộng phục vụ nội đô hiệu quả và ít tốn kém.

Cả Hà Nội và TP.HCM đang có dự án thực hiện những tuyến metro hàng tỷ USD, bao gồm đường sắt Cát Linh - Hà Đông ở Hà Nội, metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên ở TP.HCM, nhưng đã nhiều năm rồi vẫn không xong.

Trong khi đó, giá như lúc trước giữ lại tuyến xe lửa Hòa Hưng - Bến Thành, thì nay chúng ta đã có thể chuyển thành tuyến giao thông công cộng đường sắt nhẹ (light rail), có thể hoàn thành chỉ trong vài tháng, với chi phí thấp hơn rất nhiều.

Việc phá các tuyến đường sắt cũ để làm dự án địa ốc chỉ làm lợi cho nhà đầu tư.

Với bài học kinh nghiệm đó, Nha Trang có thể xem xét hai lựa chọn.

Thứ nhất là giữ lại ga đường sắt như một ga hành khách nhỏ ở khu trung tâm, dời ga chính (hành khách và hàng hóa) của thành phố ra ngoài, và chỉnh trang mạng lưới giao thông, đặc biệt là những chỗ giao cắt khác cốt giữa đường sắt với tuyến đường bộ trong nội thành. Như vậy từ ga chính chỉ có một số toa hành khách tách ra để chạy vào khu trung tâm.

Thứ hai, nếu muốn dời toàn bộ ga đường sắt ra khỏi trung tâm thành phố, thì nhà ga và hệ thống đường ray hiện tại vẫn nên được giữ lại để chuyển đổi sang loại hình giao thông công cộng khác, như tuyến metro hoặc đường sắt nhẹ. Các chuyến tàu chạy trên đường sắt nhẹ có thể chạy nối đuôi nhau với tần suất 5 phút/chuyến, và cũng có thể xen kẽ với xe buýt để tăng hiệu suất sử dụng.

Khi nhà ga xe lửa chính ở ngoài nội đô, tuyến nhánh đường sắt nhẹ đi vào trung tâm sẽ thành tuyến giao thông công cộng, không những nối nội thành với ga đường sắt, mà còn phục vụ cho giao thông công cộng khu nội thành, tích hợp với các tuyến xe buýt khu vực. Người dân sẽ có một mạng lưới giao thông công cộng hiệu quả và kinh tế.

Bỏ qua nhu cầu của đô thị

Phương án giữ lại ga Nha Trang hiện tại, chuyển đường ray xe lửa trong trung tâm thành phố thành tuyến đường sắt nhẹ không hề tiêu tốn nhiều tiền của ngân sách đầu tư công, nhưng hiệu quả kinh tế kèm theo của toàn khu vực được tăng lên rất nhiều.

Tiền đầu tư đến từ những trạm dừng của tuyến đường sắt nhẹ đi vào trung tâm thành phố. Những khu đất xung quanh các trạm dừng khi được quy hoạch lại thành khu cao tầng sẽ thành “đất vàng”, giá trị có thể tăng lên đến 30-40 lần. Nhà nước sẽ đấu giá những khu đất đó để lấy chi phí thực hiện dự án đường sắt nhẹ và số tiền tự bỏ ra rất ít.

Không có đô thị lớn nào trên thế giới lại xóa bỏ nhà ga xe lửa khu trung tâm chỉ để làm dự án địa ốc.

Nếu làm được điều này, chính quyền sẽ kích thích, tạo ra cơ hội phát triển mới cho nhà đầu tư, ngân sách cũng có thêm nguồn thu.

Chọn đúng cách, Nhà nước có thể không tốn một đồng nào và có mạng giao thông công cộng, có những trạm dừng với các khu đô thị hấp dẫn, phục vụ người dân.

Bài toán chuyển đường xe lửa thành đường sắt nhẹ chắc chắn không những bù lại kinh phí đã bỏ ra để chỉnh trang, mà còn đem lại nguồn thu cao cho ngân sách. Chính quyền đô thị chỉ tốn công sức triển khai dự án. Nếu chưa có người đủ năng lực để làm, Nhà nước có thể thuê đơn vị tư nhận tư vấn, hoặc cho đấu thầu.

Nhà quản lý cần thấy tiềm năng chuyển đường sắt xe lửa thành đường sắt nhẹ phục vụ công cộng. Lập luận dời ga ra khỏi khu vực trung tâm đô thị hóa để giảm ùn tắc giao thông nội đô, mà không tính đến việc chỉnh trang nâng cấp mạng lưới giao thông công cộng trong quá trình phát triển tương xứng với việc cao tầng hóa nội thành, là cách nhìn hạn hẹp, bỏ khó lấy dễ, bỏ qua nhu cầu của đô thị.

Lập luận thu hồi ga Nha Trang để bán hoặc giao đất cho doanh nghiệp làm dự án địa ốc cũng là cách nhìn thiển cận, chỉ thấy cái lợi nhỏ và ngắn hạn về thu ngân sách, mà bỏ qua lợi ích lớn lao hơn của tiềm năng nâng cấp hạ tầng đô thị.

Không có đô thị lớn nào trên thế giới lại xóa bỏ nhà ga xe lửa khu trung tâm chỉ để làm dự án địa ốc. Một dự án thương mại mọc lên tại đất nhà ga sẽ chỉ phục vụ lợi ích của nhà đầu tư chứ không phải lợi ích của mọi người dân.

Nhà ga xe lửa là một tài sản công. Đã là tài sản công thì phải thuộc sở hữu công, phục vụ cho lợi ích công, phát triển kinh tế.

Nhà ga xe lửa là một tài sản công. Đã là tài sản công thì phải thuộc sở hữu công, phục vụ cho lợi ích công, phát triển kinh tế. Nếu nhìn theo góc độ phục vụ dân sinh, đây không phải là tài sản của riêng một đơn vị nào. Nếu chuyển đường ray xe lửa sang đường sắt nhẹ, chúng ta vẫn phục vụ dân sinh, thậm chí còn phục vụ còn tốt hơn nữa.

Lợi ích kinh tế nhiều mặt trong việc chỉnh trang khu vực ga Nha Trang có thể rất lớn. Do đó, dự án này nên được giao cho một ban quản lý, bao gồm các đại diện của đơn vị đang quản lý đường sắt cũng như của chính quyền địa phương và trung ương.

Câu hỏi quan trọng nhất mà các đại diện này cần trả lời là phải đảm bảo việc dự án chỉnh trang khu vực ga Nha Trang, kết nối với mạng lưới giao thông đa dạng của thành phố, phục vụ cho nhu cầu phát triển bền vững của thành phố, và đảm bảo lợi ích hài hòa của các bên khi thực hiện dự án.

Trong đó bao gồm lợi ích của cơ quan chủ quản, lợi ích của chính quyền địa phương và trung ương, nhưng trên hết phải là lợi ích của người dân thành phố.

Ngô Viết Nam Sơn

Illustration: Nhân Lê

Bạn có thể quan tâm