Ngày 29/11, dãy du thuyền, quán bar, nhà hàng nổi trên Hồ Tây, đoạn ven đường Thanh Niên - Nguyễn Đình Thi (Hà Nội) vẫn tấp nập khách. Cạnh đó, một số tàu cũ nát vẫn yên vị dù đã quá hạn phải di dời chừng một tháng.
Hướng mắt về dãy nhà nổi đang ồn ào tiếng chúc tụng, ông Lê Minh Đức (đường Nguyễn Đình Thi) cho hay, từ khi biết tin các nhà hàng trên hồ phải chuyển đi người dân rất vui. Nhưng quá hạn khá lâu mà hoạt động kinh doanh ở đây vẫn rầm rộ, ồn ào suốt ngày đêm không bị xử lý khiến họ bán tín bán nghi.
"Quá hạn di dời đến khu vực Đầm Bảy đã một tháng nhưng vẫn chưa thấy động tĩnh. Không biết thành phố có làm được thật không hay chỉ nói cho vui", ông bức xúc.
Nhà hàng nổi sáng rực đèn vào ban đêm. Ảnh: Anh Tuấn. |
Bà Phạm Lê Thi - Tổ trưởng Tổ dân số 1 (phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ) cho hay, người dân thường xuyên kiến nghị lên phường và quận về tình trạng mất an ninh trật tự, xả rác bừa bãi tại các tàu thuyền kinh doanh trên hồ. Dù đã có quyết định di dời trả lại cảnh quan, các tàu thuyền vẫn hoạt động.
Đồng quan điểm, ông Lưu Thanh Y – Tổ trưởng Tổ dân phố số 2 (phường Thụy Khuê) cho rằng, thành phố cần chỉ đạo xử lý dứt điểm việc gì dời.
"Hoạt động của tàu thuyền ở đây gây ô nhiễm nước hồ. Trưa thì ăn uống, tối thì tiếng loa nhạc, người đi lại ầm ĩ. Thậm chí, tại các tàu thuyền đã xảy ra nhiều vụ đánh nhau", ông Y cho hay.
Bến tàu cũ (màu đỏ) nằm trên phố Nguyễn Đình Thi sẽ được chuyển về bến tàu mới ở khu Đầm Bảy (màu xanh). |
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Việt Phương - Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, Sở đã đề xuất việc di dời các du thuyền, nhà hàng nổi và được UBND TP Hà Nội thống nhất, còn UBND quận Tây Hồ phải thực hiện di dời tàu thuyền.
"Đến nay chưa di dời được là trách nhiệm của UBND quận Tây Hồ. Nếu thấy quận chưa di dời thì UBND TP Hà Nội phải có công văn đốc thúc chứ không phải việc của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội", ông Phương nói.
Để làm rõ nguyên nhân các du thuyền, nhà hàng nổi không chịu di dời, Zing.vn đã nhiều lần liên lạc với ông Đỗ Anh Tuấn - Chủ tịch UBND quận Tây Hồ nhưng ông này thoái thác trả lời.
Ông Tuấn nói việc này giao cho Phó chủ tịch Nguyễn Lê Hoàng và văn phòng thông tin, nhưng sau 1 tuần, UBND quận Tây Hồ vẫn chưa có phản hồi.
Hàng loạt tàu cũ nằm ăn vạ trên hồ suốt nhiều năm. Môi trường khu vực này cũng bị ô nhiễm theo. Ảnh: Anh Tuấn. |
Cuối tháng 8/2015, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã lập Đoàn thanh tra liên ngành, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các bến thủy nội địa tại khu vực Hồ Tây. Ngoài việc xử phạt hành chính một số nhà nổi, du thuyền, Đoàn thanh tra còn đình chỉ hoạt động bến thủy nội địa hoạt động trái quy định trên hồ Tây.
Hai tháng sau, UBND TP Hà Nội đã thống nhất với đề xuất của Sở Giao thông Vận tải về việc di dời bến tàu thủy nội địa trên hồ Tây về Đầm Bảy (phường Nhật Tân). Các phương tiện thủy nội địa cũ nát không sử dụng phải đưa ra khỏi hồ.
"Quận Tây Hồ phải có biện pháp xử lý nghiêm đối với các đơn vị không chấp hành, báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 10/2015", công văn của UBND TP Hà Nội nêu rõ.
Đây là lần thứ 2 Hà Nội yêu cầu du thuyền, nhà nổi hoạt động trên Hồ Tây phải chuyển địa điểm. 6 năm trước, hàng loạt du thuyền, nhà nổi trên đường Thanh Niên phải di chuyển về khu vực hiện nay do cảnh quan hồ bị che chắn.