Truyền thống niêm phong di chúc của những thành viên hoàng gia Anh đã tồn tại từ năm 1910, với bản di chúc đầu tiên thuộc về Hoàng tử Francis. Hiện nay, di chúc của hơn 30 thành viên hoàng gia Anh được cất giữ tại một địa điểm bí mật ở thủ đô London, dưới sự cai quản của một thẩm phán, theo Reuters ngày 13/9.
Theo thông lệ, sau khi một thành viên cấp cao của hoàng gia Anh qua đời, người thực hiện di chúc sẽ gửi yêu cầu niêm phong lên người đứng đầu nhánh tòa gia đình của Tòa án Cấp cao London.
Di chúc của Nữ hoàng Elizabeth II sẽ được niêm phong trong ít nhất 90 năm. Ảnh: Reuters. |
Thông lệ trên chỉ được công chúng biết tới sau khi Hoàng thân Philip, chồng của Nữ hoàng Elizabeth II, qua đời vào tháng 4/2021. Thẩm phán Andrew McFarlane khi đó là người chịu trách nhiệm giải quyết yêu cầu niêm phong di chúc của Hoàng thân Philip.
Thẩm phán McFarlane đồng ý với yêu cầu trên nhưng đã công khai nội dung phán quyết để giúp người dân Anh hiểu được quá trình ra quyết định của mình.
"Việc công bố di chúc sẽ thu hút sự chú ý không cần thiết từ công chúng, gây ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của nền quân chủ", phán quyết viết.
Ông McFarlane, tuy là người đứng đầu Tòa Gia đình và chịu trách nhiệm cho các di chúc trên, cho biết mình không biết về nội dung của những văn bản đã bị niêm phong này.
Di chúc của Nữ hoàng Elizabeth II sẽ được cất giữ cùng với di chúc của thân mẫu, Nữ hoàng Elizabeth và em gái của bà, Công chúa Margaret. Cả hai người đều qua đời vào năm 2002.
Di chúc của Công chúa Margaret từng là tâm điểm của một vụ kiện vào năm 2007. Robert Brown, người tự xưng là con trai ngoài giá thú của công chúa, đã yêu cầu gỡ niêm phong di chúc của bà để chứng minh tuyên bố trên. Tòa án Anh sau đó đã từ chối yêu cầu của ông Brown.