Tối nay 22/1, Bộ trưởng Mattis dự kiến đáp ở Indonesia và gặp gỡ Tổng thống Joko Widodo cùng Bộ trưởng Quốc phòng Ryamizard Ryacudu. Sau đó, ông sẽ đến Việt Nam từ ngày 24-26/1. Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch sẽ chủ trì lễ đón Bộ trưởng Mattis tại Hà Nội vào ngày 25/1.
Bộ trưởng Jim Mattis đón Đại tướng, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch tại trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ hồi tháng 8/2017. Ảnh: Reuters. |
Quan hệ quốc phòng Việt - Mỹ dưới thời Trump
Tuy việc Mỹ có chính quyền mới dẫn đến nhiều thay đổi đáng kể về chính sách, nhiều chuyên gia quốc tế nhận định quan hệ quốc phòng Việt - Mỹ vẫn tiếp tục duy trì dưới thời Tổng thống Trump, trên cơ sở tiếp nối những nền tảng đạt được từ thời các chính quyền trước.
Nói với Zing.vn bên lề một sự kiện ở TP.HCM tuần qua, ông Evan Medeiros, giám đốc cấp cao phụ trách châu Á trong Hội đồng An ninh Quốc gia thời Tổng thống Obama, thừa nhận vai trò của Việt Nam trong chính sách của Trump về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương còn chưa rõ ràng, do nội dung cụ thể của tầm nhìn này cũng chưa được công bố chi tiết.
"Tuy nhiên, điều chắc chắn là chính quyền Trump vẫn xem trọng và ưu tiên khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Hiện nay những lĩnh vực có cơ hội để đẩy mạnh hợp tác nhất chính là ngoại giao, an ninh và quân sự. Khi bộ trưởng quốc phòng Mỹ thăm Việt Nam là dịp để chứng tỏ kết quả của sự hợp tác về quốc phòng và an ninh giữa hai nước”.
Đây là lần gặp gỡ thứ 3 giữa Bộ trưởng Mattis và Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, từ sau lần gặp đầu tiên tại Washington D.C. hồi giữa năm 2017.
“Tôi tin chắc sự hợp tác này sẽ tiếp tục phát triển trong giai đoạn tới, nối tiếp từ chính quyền Obama sang chính quyền Trump. Nó xuất phát từ những nền tảng rất khiêm tốn ở thời buổi đầu khi hai nước thiết lập quan hệ, nhưng nhanh chóng đạt nhiều kết quả tích cực chỉ trong một thời gian ngắn”, bà Amy Searight, nguyên Phó vụ trưởng tại Bộ Quốc phòng Mỹ giai đoạn 2014-2016, nói.
Bà Amy Searight từng là quan chức phụ trách khu vực Đông Nam Á tại Bộ Quốc phòng Mỹ. Ảnh: Hải An. |
Với kinh nghiệm “làm việc rất nhiều lần cùng các quan chức Việt Nam”, bà Searight, hiện là giám đốc chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói rất hài lòng khi chứng kiến nhiều kết quả tiến bộ trong hợp tác quốc phòng hai nước, dù vẫn còn nhiều trở ngại trước mắt.
Trong khi đó, TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao, nói với Zing.vn rằng việc bộ trưởng quốc phòng Mỹ thăm Việt Nam cho thấy mối quan hệ đi vào những lĩnh vực thực chất hơn, bớt tính ồn ào. "Đó là những bước phát triển đúng vào 'khung quan hệ' đã xác lập, là tăng cường trao đổi cấp cao, đưa quan hệ đi vào chiều sâu. Đây là những bước phát triển chắc chắn dù không được chú ý nhiều như việc tổng thống đi thăm, cũng là những hành động đưa mối quan hệ vào cấp 'làm việc’”.
Trao đổi vấn đề Biển Đông, bàn chuyện tàu sân bay thăm VN
Một trong những nội dung mà Bộ trưởng Mattis được cho là sẽ thảo luận với phía Việt Nam là chuẩn bị cho chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam vào tháng 3.
Trước đó Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao đổi về việc này khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau ở Nhà Trắng hồi cuối tháng 5/2017. Đây sẽ là lần đầu tiên một tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam kể từ năm 1975, dấu hiệu cho thấy quan hệ hai nước đã cải thiện tích cực.
AFP cũng cho biết Bộ trưởng Mattis sẽ thảo luận với phía Việt Nam về tình hình Biển Đông.
“Chúng tôi cùng chia sẻ Thái Bình Dương, vùng đại dương với tên gọi ý nghĩa về hoà bình, và chúng tôi muốn nó vẫn bình yên như vậy, để tất cả các nước có thể sử dụng, đi lại còn cuộc sống ở đây được thịnh vượng”, AFP dẫn lời Bộ trưởng Mattis nói với nhóm phóng viên tháp tùng.
Gần đây, Mỹ hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực bảo vệ an ninh biển, bao gồm giúp đỡ hiện đại hoá các đội tàu như tàu cảnh sát biển, xuồng tuần tra…
Liên quan đến thảo luận mua bán vũ khí, bà Searight cho biết hai bên đang thảo luận để Việt Nam tìm hiểu mua một số vũ khí tiềm năng từ Mỹ, trong đó có máy bay không người lái UAV.
“Mỹ và Việt Nam đều có lợi ích từ một trật tự khu vực dựa trên luật pháp, luật lệ và tiêu chuẩn quốc tế; nơi các nước có quyền theo bảo vệ và theo đuổi lợi ích của mình mà không lo ngại đe doạ. Nguyên tắc tự do đi lại trên biển rất quan trọng với cả hai nước”, bà Searight nói.
Tàu sân bay USS John C. Stennis của Mỹ. Ảnh: AFP. |
Thách thức trong hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ
Nền tảng của hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ chính thức bắt đầu từ việc ký kết "Bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng" năm 2011, từ đó đặt ra các lĩnh vực chính để làm sâu sắc quan hệ quốc phòng hai nước. Đó là tiến hành những cuộc đối thoại cấp cao; hợp tác về an ninh biển, tìm kiếm cứu nạn và các hoạt động hỗ trợ nhân đạo trên biển; sứ mệnh gìn giữ hoà bình…
Sự hợp tác tiếp tục được củng cố khi Việt Nam và Mỹ ký “Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng” năm 2015, đưa các vấn đề vào khuôn khổ chiến lược hơn, đặt ra tầm nhìn chung về điều mà hai bên muốn hướng đến trong mối quan hệ này, cách thức để phối hợp với nhau để xây dựng một khu vực mà chúng ta đều mong muốn.
Song song trong quá trình này là những lần nới lỏng rồi tiến đến bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam vào năm 2016.
Bộ trưởng quốc phòng hai nước cũng nhiều lần có chuyến thăm và làm việc với nhau.
Gần đây nhất, bà Searight nhắc lại một nội dung trong tuyên bố chung sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch nước Trần Đại Quang hồi tháng 11/2017. “Đó là hai bên đã khẳng định kế hoạch hành động về Hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ giai đoạn 2018-2020, vạch ra những bước đi theo chiều hướng hợp lý trong giai đoạn 3 năm này”.
Tuy hai nước bình thường hóa quan hệ hơn 20 năm, nhưng những cuộc đối thoại nghiêm túc về hợp tác quốc phòng chỉ diễn ra trong một thập kỷ trở lại đây. Do vậy, bà Searight nói một trong những thách thức là bộ máy quốc phòng hai bên vẫn còn mới mẻ với nhau, nên các bên vẫn trong giai đoạn tìm hiểu để xác định cách thức hợp tác hiệu quả.
“Bộ máy của Mỹ phải nói là rất phức tạp và không dễ định hướng. Cho nên thường xuyên đối thoại là cách mà Việt Nam có thể hiểu được hệ thống quốc phòng Mỹ, từ đó phát hiện những lĩnh vực mới có thể hợp tác. Trong khi đó, phía Mỹ phải kiên nhẫn và linh hoạt khi làm việc cùng Việt Nam”, bà Searight nói.
Theo nữ cựu quan chức Lầu Năm Góc, một thách thức khác là về mặt chiến lược và sự tương ứng về tầm nhìn chung của hai bên. Sau khi Mỹ có chính quyền mới, bà Searight cho biết một câu hỏi thường nhận được là “vị trí của Việt Nam và Đông Nam Á nói chung trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Tổng thống Trump như thế nào?”.
“Theo tôi những nội dung mà Tổng thống Trump từng công bố vẫn chưa rõ ràng, đặc biệt là về phần chiến lược. Do vậy vẫn cần thêm thời gian để xác định rõ là cần những chính sách, hành động cụ thể nào, cũng như một định hướng chiến lược rõ ràng hơn; để hoàn thiện tầm nhìn về một trật tự khu vực dựa trên luật lệ. Tôi hy vọng chuyến thăm của Bộ trưởng Mattis vào tuần này sẽ cung cấp rõ thêm về chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.