Trong cuộc phỏng vấn với Zing.vn, Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam, nói thẻ vàng không phải là bi kịch đối với hải sản của VN. Kể từ khi bị rút thẻ vàng vào tháng 10/2017, Đại sứ Angelet đã thấy nhiều diễn biến thay đổi đáng kể của hải sản Việt.
Ông cũng nói EU mong muốn nhìn thấy quan hệ của khối với Việt Nam vượt lên trên các vấn đề thương mại để đi vào giáo dục, phát triển bền vững. Ông cũng cho rằng thời điểm hiện tại là lúc thích hợp để hai bên bắt đầu nói về quan hệ an ninh, quốc phòng.
FTA Việt Nam - EU không phải chậm
- Ký kết Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) có vẻ đang đi quá chậm, tôi thậm chí nghe thông tin là việc ký kết có thể phải tới tận 2019?
Đại sứ Bruno Angelet: Tôi không nghĩ vậy, ngược lại thì đúng hơn. Chúng tôi hoàn tất đàm phán vào tháng 12/2015, sau đó là rà soát từ ngữ pháp lý để đảm bảo không mâu thuẫn với hệ thống pháp lý hiện tại trước khi dịch ra các ngôn ngữ của EU. Có chút chậm trễ trong việc rà soát này. Thông thường, bạn có thể hoàn thành việc này trong 1,5 năm sau khi hoàn tất đàm phán.
Chúng tôi dự định đặt bút ký trước cuối năm 2017, nhưng mọi thứ bị chậm trễ khoảng 6 tháng. Chúng tôi định là sẽ ký kết trước cuối mùa xuân này. Hiệp định sẽ được trình lên Nghị viện châu Âu phê chuẩn trong năm 2018.
Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam. Ảnh: Hải An. |
- Khi ở Brussels, tôi rất bất ngờ là việc dịch hiệp định EVFTA ra các ngôn ngữ chưa được tiến hành? Đó hẳn là quá trình rất dài…
- Nó sẽ tốn vài tháng. Sau khi hoàn tất việc rà soát pháp lý, chúng tôi mới bắt đầu chuyển ngữ được. Công đoạn này bao gồm việc rà soát toàn bộ hiệp định từ cả hai phía, xem xét để đảm bảo ngôn ngữ là chuẩn xác và thống nhất ở mọi phần của văn bản. Chúng tôi cũng muốn làm nhanh hơn, nhưng tôi nghĩ (tiến độ hiện tại) là ổn.
- Về những việc đang xảy ra ở Berlin, các cuộc đàm phán và khó khăn của Thủ tướng Angela Merkel trong việc thành lập chính phủ, điều đó có làm chậm lại hiệp định EVFTA?
- Tôi không thể nói thay cho chính phủ Đức. Chúng tôi dự định ký trước cuối mùa xuân này.
Khi Cao ủy EU về thương mại đề xuất bật “đèn xanh” để ký kết hiệp định, việc này đòi hỏi ý kiến của tất cả các quốc gia thành viên. Mọi thành viên EU đều có quyền như nhau trong việc ra quyết định. Nói cách khác, chúng tôi chỉ ký được khi không một quốc gia thành viên nào nói rằng “tôi sẽ không ký”.
Đó là lý do tôi nói chúng ta phải rất tập trung, phải chuẩn bị một chiến lược toàn diện, bối cảnh và điều kiện thích hợp để đặt bút ký. Hai bên phải chuẩn bị kỹ lưỡng và toàn diện để ngày mà chúng ta xin phép các nước thành viên EU, mọi thứ diễn ra được suôn sẻ.
Việt Nam có lịch sử 'thân châu Âu'
- Ông đã ở Việt Nam khá lâu, sau Rwanda thì ông gần như đã bắt đầu sự nghiệp của mình tại Việt Nam. Trong mắt nhìn của ông, Việt Nam đã thay đổi như thế nào trong 20 năm?
- Tôi sẽ đi xa hơn chút. Khi còn là đứa trẻ, tôi sống ở khu phố nhiều người Việt. Cạnh nhà tôi có gia đình người Việt và có rất nhiều trẻ em gốc Việt. Khi tôi lớn lên và nhận công tác ở nước ngoài, họ hỏi tôi muốn đi đâu, tôi đã nói rằng tôi muốn đến Việt Nam. Dù vậy, người ta nói rằng họ đang cần gấp người ở Rwanda, sau đó là Tanzania, nơi có cuộc nội chiến. Cuối cùng cũng đến ngày bộ ngoại giao Bỉ nói: "Anh muốn đến Việt Nam à? Giờ thì anh có thể đến Việt Nam".
Tôi đến Việt Nam vào tháng 10/1994 và mọi người lo lắng sao lại đến đó, “Việt Nam là đất nước chìm trong chiến tranh mà”. Tôi nói, “Đã 1994 rồi, anh chẳng biết gì cả”. Đó là ấn tượng của mọi người, họ nghĩ Việt Nam vẫn đen tối, xuống dốc, nghèo đói.
Trở về với năm 2011, khi tôi đến đây để làm đại sứ Bỉ tại Việt Nam và sau đó là trưởng phái đoàn EU từ 2015, những thay đổi còn to lớn hơn.
Đại sứ Angelet nói rằng trong các quốc gia ASEAN, Việt Nam là nước "thân châu Âu" nhất trong khi bản thân ông có liên hệ với đất nước này từ khi ông còn bé. Ảnh: Hải An. |
- Sau FTA là gì? Ông đã ở đây một thời gian dài, ông muốn hướng tới những dấu mốc mới nào cho quan hệ Việt Nam - EU?
- Tôi nói với lãnh đạo EU: Việt Nam là nước thân châu Âu. Hãy nhìn vào lịch sử, vào những mối quan hệ của Việt Nam với các nước châu Âu trong tương quan với các quốc gia ASEAN khác. Không quốc gia nào trong khu vực có mối quan hệ với châu Âu, cả về lịch sử lẫn sau này, sâu đậm hơn Việt Nam.
Về 2018? 2017 đã là năm tuyệt vời với Việt Nam, nhờ thành công trong APEC, ổn định kinh tế vĩ mô, các thành tựu của chính phủ. Năm 2018 nên chứng kiến nhiều hợp tác hơn giữa Việt Nam và EU. FTA là một phần, nhưng nên có nhiều hơn thế. Chúng ta có quan hệ đối tác chiến lược thông qua Hiệp định Đối tác và Hợp tác, tôi hy vọng trong năm 2018, hai bên có thể thống nhất với nhau về một chương trình hành động chung.
Tháng 12/2017, Đại tướng Mikhail Kostarakos, Chủ tịch Ủy ban Quân sự Liên minh châu Âu (EU) lần đầu tới thăm Việt Nam. Ông ấy là người đại diện và điều phối tư lệnh của 28 nước thành viên EU. Ông ấy đã có những cuộc hội đàm rất hiệu quả với lãnh đạo quốc phòng Việt Nam. Chúng tôi muốn hỗ trợ Việt Nam tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình đa phương, hỗ trợ trong vấn đề an ninh và quốc phòng.
Trong tuần này, cũng lần đầu tiên, chúng tôi có phó chủ tịch Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) đến Việt Nam. EIB là thể chế rất lớn, gấp đôi quy mô World Bank (WB). Điểm khác biệt so với WB là đến 95% hoạt động của nó diễn ra bên trong châu Âu. Nhưng nếu thế thì vì sao phó giám đốc EIB lại đến Việt Nam? Vì trong năm 2018, EIB dự tính mở rộng hoạt động ra ngoài châu lục, chúng tôi muốn Việt Nam xuất hiện trên bản đồ của ngân hàng. Tôi mong lãnh đạo Việt Nam sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng về thể chế này, Việt Nam sẽ có thị phần lớn hơn trong việc hợp tác.
Đại sứ EU nói rằng ông mong muốn quan hệ Việt Nam - EU không dừng lại ở các hợp tác thương mại. Trong ảnh, chuyên gia của EU, WHO cùng chuyên gia Việt Nam đang hướng dẫn nông dân khử trùng trang trại và nhà ở trong đợt cúm gà năm 2004. Ảnh: AFP. |
Về giáo dục, trong hơn một năm qua tôi đã nói chuyện với các lãnh đạo về việc thành lập một đại học quản lý châu Âu tại Việt Nam. Tôi cho rằng việc giới lãnh đạo tương lai của Việt Nam, những sinh viên ngành kinh doanh hoặc chính sách công có kỹ năng lãnh đạo và quản lý tốt là điều rất quan trọng.
Ngày hôm qua tôi đã nói chuyện với Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong, chúng tôi cũng đã thảo luận tại Hà Nội, rằng đại học này nên có hai cơ sở, một ở TP.HCM và một ở Hà Nội. Đến lúc này, đại học quản lý châu Âu sẽ được xây dựng với 6 quốc gia thành viên, Đức, Pháp, Ba Lan, Italy, Tây Ban Nha và Bỉ. Trong vài năm tới, chúng tôi hy vọng có thể cung cấp các khóa học không chỉ về MBA, toán, chính sách công mà cả về tăng trưởng bền vững, hội nhập vùng.
Chúng tôi hy vọng trường sẽ không chỉ là đại học quản lý tốt nhất cho Việt Nam mà còn thu hút sinh viên từ các nước ASEAN, khi đó Việt Nam có thể trở thành một nhà cung cấp dịch vụ giáo dục có năng lực cạnh tranh trong khu vực. Tôi đã nói chuyện với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về kế hoạch này và ông ấy đã chỉ đạo cho Bộ Giáo dục xem xét đề án.
Nguyên tắc cốt lõi ở Biển Đông
- Khi ở Brussels, tôi đã nghe các quan chức châu Âu nói về việc EU muốn tham gia vào vấn đề Biển Đông, nhưng với cách tiếp cận khác với Washington. Quan điểm của ông về vấn đề này?
- Chính sách của EU đối với các vấn đề quốc phòng và đối ngoại không hoàn toàn mới, chúng tôi đã đề cập vấn đề này từ cuối thập niên 1990.
Về quốc phòng thì vào khoảng năm 2002-2003, chúng tôi có các hoạt động quân sự đầu tiên ở Balkan và châu Phi, đó là những chiến dịch rất thành công.
Tôi nghĩ Việt Nam và EU đang đi cùng trên một con đường: chúng ta đều muốn thúc đẩy hội nhập quốc tế, luật pháp quốc tế nhưng cũng muốn đảm bảo rằng trong tiến trình đó, chúng ta đủ tự chủ để kiểm soát chính mình, sự an ninh của mình. Triết lý của EU cũng chính xác là như vậy.
Vấn đề là châu Âu hiện nay phải tập trung vào khu vực lân cận, đảm bảo rằng chúng tôi có thể kiểm soát vấn đề di dân, duy trì sự ổn định ở những khu vực gần hơn như Trung Đông.
Tất nhiên, chúng tôi không thờ ơ với vấn đề Biển Đông. Có một nguyên tắc cốt lõi ở đây, là luật pháp quốc tế. Chúng tôi phải đảm bảo rằng dù cho có chuyện gì xảy ra, tự do hàng hải và các nguyên tắc quốc tế như nguyên tắc đàm phán, giải quyết tranh chấp trong hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế thông qua các hiệp ước, dù có chuyện gì xảy ra, phải được tôn trọng.
- Trong năm qua, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã lần đầu tiên đến tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á (tại Philippines, tháng 11/2017). EU có ý định trở thành thành viên chính thức của hội nghị không?
- Chúng tôi đã ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC), bước dự trù và được trông đợi sẽ tiến đến trở thành thành viên đầy đủ của Hội nghị Đông Á. Chúng tôi hiểu rằng việc này sẽ cần thời gian do những vấn đề bên trong ASEAN. Dù vậy, sau tất cả, chúng tôi nghĩ rằng EU nên là một phần trong trật tự này.
Đại sứ Angelet cho rằng quá trình chuẩn bị văn bản cho thỏa thuận rất quan trọng để đảm bảo nó sẽ "qua cửa" thuận lợi tại Nghị viện châu Âu. Ảnh: AFP. |
ASEAN không nên sao chép hoàn toàn mô hình EU
- Khi tôi ở Brussels, người ta nói về “cách của EU” và “cách của ASEAN”, và nguyên tắc đồng thuận của ASEAN đôi khi “ngáng đường” khối, ông nghĩ sao về điều này?
- Quá trình ra quyết định bên trong EU cũng dựa trên sự đồng thuận. Chúng tôi hiếm khi thúc đẩy các cuộc thảo luận đến một phiên bỏ phiếu, chúng tôi thường tìm kiếm sự đồng thuận. Tôi nghĩ việc này tương tự ASEAN. Khác biệt lớn ở đây là chúng tôi có các thể chế, chúng tôi có cả cao ủy phụ trách đối ngoại, chúng tôi có Ủy ban châu Âu, có ngân sách, có Nghị viện châu Âu, chúng tôi có phái đoàn ở nước ngoài, như tôi là người đứng đầu phái đoàn EU ở Việt Nam… Đó là một khác biệt rất lớn.
Cách đây 15 năm, người ta sẽ nói rằng các nước châu Âu rất chia rẽ về chính sách. Trong quá khứ, điều đó có thể đúng. Đó là thời gian chúng tôi rất dễ chia rẽ, ví dụ như trong vấn đề quan hệ với Mỹ, tiến trình hòa bình tại Trung Đông.
Nếu anh nhìn vào bây giờ, vào năm 2017, chúng tôi vẫn có một số vấn đề gây chia rẽ, nhưng nếu nhìn vào cách ứng xử của EU với các khu vực lân cận, cách ứng xử với những đối tác khó khăn như Nga hay với các quyết định từ tổng thống mới của nước Mỹ, nếu là 20 năm trước mà nói rằng chúng tôi đoàn kết trước những vấn đề đó thì mọi người sẽ cười, nhưng vào năm 2017, chúng tôi rất đoàn kết trong những chuyện quan trọng.
Ví dụ, khi tổng thống Mỹ nói rằng ông sẽ chuyển đại sứ quán Mỹ ở Israel về Jerusalem, EU không chia rẽ, chúng tôi đã nói cùng một tiếng nói. Trong nhiều vấn đề đối ngoại, chúng tôi đã đoàn kết hơn rất nhiều so với 15 năm trước.
EU đã buộc phải trở nên đoàn kết hơn sau rất nhiều diễn biến mới xảy ra với khu vực và thế giới trong vài năm qua, bao gồm các chính sách tranh cãi từ Tổng thống Donald Trump của Mỹ. Ảnh: AFP. |
Nói về “cách của ASEAN”, trước hết chúng ta phải nhìn về Đông Nam Á, nó không giống như châu Âu, châu Âu đã khá thống nhất qua nhiều thế kỷ kể từ khi đế chế La Mã sụp đổ. Chúng tôi cùng nói tiếng Latin, chúng tôi có giáo hội Công giáo, các nhà lãnh đạo nói chung thứ tiếng trước khi họ bắt đầu tiếp xúc với các ngôn ngữ khác. Sự thống nhất trong văn hóa khiến cho việc thống nhất thể chế ngày nay ở châu Âu dễ dàng hơn. Đông Nam Á không có một lịch sử như vậy, chúng ta không nên cố gắng so sánh. Thay vào đó, ASEAN nên cố gắng tìm kiếm một sự cân bằng và một thể chế phù hợp với lịch sử riêng của họ. Đừng cố gắng copy/paste.
Tôi nghĩ bản thân ASEAN đã làm nên những việc lớn của họ. Về EU của thời điểm này, tôi nghĩ chúng tôi cần một “bước nhảy lượng tử” và suy nghĩ về tương lai, đảm bảo rằng chúng tôi phải đoàn kết, nếu chúng tôi không đoàn kết, người khác sẽ chia rẽ chúng tôi. Đó cũng là thứ mà tôi nghĩ rất quan trọng với ASEAN. Sau khi xây dựng một cộng đồng, các bạn có thể suy nghĩ xem mình có thể làm gì cùng nhau.
Thẻ vàng không phải là bi kịch
- Hãy trở lại với Việt Nam, chúng tôi đã nhận một thẻ vàng. Sau một vài tháng, ông có thấy dấu hiệu nào rằng thẻ vàng sẽ sớm được dỡ bỏ?
- Trước hết, thẻ vàng không phải là bi kịch. Chúng ta nên hiểu thẻ vàng là gì, đó là một tín hiệu cảnh báo. Sau nhiều năm thảo luận, chúng tôi không nhìn thấy tiến triển, chúng tôi đưa ra một vài tín hiệu để các bạn có thể hành động hiệu quả hơn. Đó là thẻ vàng. Thẻ vàng có nghĩa là chúng tôi đã đưa ra khuyến cáo, nếu các bạn không chấp nhận, chúng tôi sẽ có những quyết định cứng rắn hơn trong tương lai.
Đó là quy trình và chúng tôi đã sử dụng nó ở nhiều quốc gia, các nước láng giếng của Việt Nam như Thái Lan hay Campuchia đều từng nhận thẻ vàng. Philippines nhận thẻ vàng nhưng sau một năm họ đã được thẻ xanh.
Kể từ khi thẻ vàng được “rút ra”, tôi nghĩ mình đã thấy nhiều diễn biến đáng kể. Tôi đã làm việc với Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường và nói chuyện với thủ tướng về vấn đề này khi tôi gặp thủ tướng. Kế hoạch hành động để thay đổi luật về đánh bắt cá đã được thông qua ở quốc hội. Tôi cảm thấy rất được khích lệ khi giới lãnh đạo Việt Nam đã tiếp cận rất mạnh mẽ để giải quyết vấn đề này.
Tại Brussels, người ta nói với tôi rằng chính trị là những thứ nghe rất to lớn nhưng thật ra chi tiết mới là quan trọng và sự thay đổi phải được nhìn thấy ở hạ tầng. Họ nói tôi hãy nhìn xem những sự thay đổi sẽ có hiệu quả ra sao sau vài tháng. Điều được quyết định ở Hà Nội là quan trọng nhưng chúng tôi phải nhìn cả hiện trạng bên dưới. Việc tái đánh giá sẽ được tiến hành 6 tháng sau khi thẻ vàng được rút ra, chúng tôi sẽ xem xét cả chính sách lẫn hiệu quả bên dưới để báo cáo lại với lãnh đạo EU.
Về lâu dài, đại sứ EU cho rằng nghề cá Việt Nam sẽ phát triển bền vững hơn sau khi thẻ vàng được thu lại. Ảnh: AFP. |
Nếu cảm thấy tình hình có tiến triển, họ có thể đề xuất việc trả lại thẻ xanh, hoặc tiếp tục giữ thẻ vàng thêm một thời gian nữa nhưng đề xuất một số điểm mà các bạn có thể làm tốt hơn. Điều gì cũng có thể xảy ra.
Hy vọng của tôi là mọi thứ có thể trở lại tình trạng ban đầu trong vòng một năm. Nó khả thi, nhưng cũng khá khó khăn vì đó là vấn đề phức tạp.
- Đôi khi tôi không nghĩ chúng tôi phải làm sao để giải quyết vấn đề đánh bắt cá trái phép…
- Tôi nghĩ nếu Việt Nam giải quyết được vấn đề này, nước các bạn sẽ hưởng lợi (về lâu dài). Có lại thẻ xanh với EU sau một giai đoạn dài cũng đồng nghĩa với việc nghề cá của Việt Nam đã bền vững hơn, phát triển và có khả năng cạnh tranh hơn. Tôi nghĩ việc này sẽ giúp nhiều cho Việt Nam, các bạn hãy tiếp cận nó theo hướng tích cực. Nó khiến thâm hụt cho nghề cá (trong ngắn hạn) nhưng sẽ có ích trong tương lai, cho nghề cá và cho người dân.
- Việt Nam đang tiến dần đến nhóm nước có thu nhập trung bình, việc này sẽ ảnh hưởng gì đến các khoản hỗ trợ mà Việt Nam nhận được, có lẽ là sau 2019?
- Như chúng tôi hay nói là Việt Nam đang “tốt nghiệp” và kể từ năm nay, các bạn sẽ không nhận được khoản vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới nữa. Khoản vay của Ngân hàng Phát triển châu Á sẽ chấm dứt vào năm 2019. Sau khi các khoản ODA “biến mất”, Việt Nam sẽ phải vay vốn thương mại từ thị trường tài chính để chi trả cho các đầu tư cơ sở hạ tầng của mình. Việt Nam buộc phải tính toán để những phương án thông minh khi đầu tư hạ tầng, họ có thể cân nhắc về hợp tác công tư PPP hoặc tìm kiếm các tổ chức quốc tế. Họ có thể cân nhắc Ngân hàng Đầu tư châu Âu, nơi có thể cung cấp các công cụ tài chính rất cạnh tranh. Việt Nam sẽ phải cân nhắc rất cẩn thận việc này.
- Hôm qua, ông đã có cuộc gặp nhiều doanh nghiệp châu Âu. Họ có phàn nàn gì về môi trường kinh doanh của Việt Nam?
- Họ rất hài lòng là chính phủ mới ở Việt Nam, nhậm chức từ năm 2016, có đầu óc hướng về việc kinh doanh. Các cuộc đối thoại về cải cách diễn ra thường xuyên, khi chính phủ cho phép đăng ký kinh doanh qua Internet, tôi nghĩ đó là một bước tiến mới. Eurocham thường xuyên được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng và các quan chức mời đến các cuộc đối thoại, điều đó rất đáng khích lệ. Có nhiều điều đã được cải thiện, quan hệ doanh nghiệp và chính phủ cũng tốt. Tất nhiên, không phải mọi thứ đều trải hoa hồng.
Dù vậy, tôi nghĩ về mặt tổng thể, có rất nhiều thay đổi đang diễn ra và luồng vốn đầu tư chảy vào Việt Nam năm vừa rồi cho thấy đất nước này vẫn là một môi trường đầu tư hấp dẫn. Điều cốt lõi là phải tiếp tục cải cách, cải cách một cách toàn diện, đảm bảo ổn định vĩ mô, điều mà Việt Nam đang làm rất tốt. Cảm giác của tôi là thái độ của các doanh nghiệp đang rất lạc quan, bao gồm cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
- Xin cảm ơn ông.