Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Di cảo quý chưa từng được công bố của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc

Một năm sau ngày nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc qua đời, con trai út của ông, Nguyễn Vinh Tùng nhận được cuộc gọi từ người anh cả: “Cha dặn sách của cha, giao lại cho chú”.

“Di chúc cha để lại cho tôi là 5.000 cuốn sách”, ông Tùng nói. Ông không nghĩ cha sẽ để mình thừa kế thứ quý giá đến thế. “Bởi cụ quý sách lắm. Và tôi lại từng bị đánh đòn khi động vào sách của cụ”, ông hồi tưởng những ký ức về cha.

Nói đoạn, ông vào góc phòng, tìm trên kệ sách phía đầu giường, lọ mọ lấy ra một bản in với chằng chịt vết sửa màu xanh, đỏ. Một bản di cảo mang tên “Cơ sở Hà Nội học” của nhà nghiên cứu, nhà giáo Nguyễn Vinh Phúc viết từ năm 1999 lần đầu tiên được “hé lộ”.

Nguyen Vinh Phuc anh 1

Hành trình 12 năm từ di sản của cha

Sau nhiều lần hẹn, cuối cùng, ông Nguyễn Vinh Tùng, con trai thứ của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc mới bố trí được cuộc hẹn với nhóm phóng viên Báo Nhân Dân tại căn nhà của ông nằm trên trên căn gác nhỏ theo lối Hà Thành xưa.

Vừa trở về sau khi tham gia trong màn biểu diễn thực cảnh tái hiện ngày tiếp quản Thủ đô, người đàn ông 64 tuổi vẫn rất mặn chuyện, đặc biệt khi biết khách tới hỏi thăm về “di sản” Hà Nội của cha mình.

Ông kể, trong số các anh chị em, ông là người duy nhất thừa hưởng chữ “Vinh” trong tên, nhưng lại cũng từng… rất xung khắc với cha.

“Đó là một thời tuổi trẻ, khi hướng của tôi khác, cha tôi lại khác”, bập bập một hơi thuốc, ông Tùng kể; nhưng cũng chua thêm: “Tôi và cụ giống nhau ở cái gen ‘lọ mọ’, thích đọc sách, ham tìm hiểu, đặc biệt là về Cổ học phương đông”.

Có lẽ cũng bởi rất hiểu “chí” và “hướng” của con, nên ngay trước khi qua đời, Nhà Hà Nội học đã di chúc để lại toàn bộ số sách vở, ghi chép của mình cho Nguyễn Vinh Tùng lưu giữ.

“Tôi thực sự bất ngờ. Đó là một di sản khổng lồ. Tôi từng loay hoay đứng giữa hai lựa chọn: Quyên số sách này cho Thư viện hay giữ lại để đọc và nghiên cứu”, ông Tùng nhớ lại, chiếc bật lửa trên tay tạch tạch không ngừng.

Ông kể, trong số các anh chị em, ông là người duy nhất thừa hưởng chữ “Vinh” trong tên, nhưng lại cũng từng… rất xung khắc với cha.

“Đó là một thời tuổi trẻ, khi hướng của tôi khác, cha tôi lại khác”, bập bập một hơi thuốc, ông Tùng kể; nhưng cũng chua thêm: “Tôi và cụ giống nhau ở cái gen ‘lọ mọ’, thích đọc sách, ham tìm hiểu, đặc biệt là về Cổ học phương đông”.

Có lẽ cũng bởi rất hiểu “chí” và “hướng” của con, nên ngay trước khi qua đời, Nhà Hà Nội học đã di chúc để lại toàn bộ số sách vở, ghi chép của mình cho Nguyễn Vinh Tùng lưu giữ.

“Tôi thực sự bất ngờ. Đó là một di sản khổng lồ. Tôi từng loay hoay đứng giữa hai lựa chọn: Quyên số sách này cho Thư viện hay giữ lại để đọc và nghiên cứu”, ông Tùng nhớ lại, chiếc bật lửa trên tay tạch tạch không ngừng.

Tôi từng loay hoay đứng giữa hai lựa chọn: Quyên số sách này cho Thư viện hay giữ lại để đọc và nghiên cứu

- Vậy di sản đó gồm những gì? - chúng tôi tò mò.

- Nhiều không tưởng. Sách của cụ xếp đầy trên gác tại căn nhà cũ trên phố Ngô Quyền. Trong hàng chục năm, cụ mua và đọc một khối lượng khổng lồ các loại ấn phẩm, từ văn hóa, âm nhạc, ngoại ngữ đến… cả kỹ thuật, vật lý. Mỗi thể loại được sắp xếp thành các danh mục riêng và đều được dán nhãn Tủ sách Nguyễn Vinh Phúc.

Lần lữa mãi, cho tới năm 2023, Nguyễn Vinh Tùng mới sắp xếp được thời gian và công việc để đưa “di sản của cha” về căn nhà nhỏ trên đường Tôn Đức Thắng. “Phải thuê tới 3 đợt cửu vạn, chất đầy lên một chiếc ô-tô lớn mới hết. Về tới nơi, cả nhóm lại phải khênh lên tầng 3, xếp vào giá sát mái”, ông Tùng vừa kể, vừa cong lưng, gồng tay, cố diễn tả cho chúng tôi hiểu “mức độ đồ sộ” của kho sách quý.

Nguyen Vinh Phuc anh 2

Chỉ tay lên khu gác xép xéo trên cửa nhà, ông Tùng bảo: 2/3 “di sản” đang được lưu trữ tại vị trí này. Nói đoạn, ông “bật đèn xanh” cho chúng tôi lên tiếp cận kho sách quý.“Các bạn lànhững nhà báo đầu tiên được lên đây”, ông Tùng không quên bổ sung.

Giá sách được đóng bằng inox dày, cao tới 3-4m. Phần đỉnh kịch sát trần nhà, nơi vài vạt nắng cuối chiều hắt xuống, làm nổi lên lớp bụi thời gian lơ lửng bay. Phía trên, sách chất đầy, ken chặt vào nhau không còn một khoảng hở. Nhiều chồng sách vẫn còn buộc những sợi ni-lon nhiều màu, chằng chịt.

Ông Tùng nhón chân, với lên giá sách cao quá đầu, cố gắng lấy xuống quyển Hà Nội – Thành phố nghìn năm cho chúng tôi xem. Cuốn sách in song ngữ của tác giả Nguyễn Vinh Phúc, được Hội Hữu nghị Việt – Pháp thành phố Hà Nội ấn hành năm 2002, giấy đã ố, đượm mùi thời gian.

Ngay bên cạnh, một loạt cuốn đại tự điển về Thủ đô như 1.000 năm Thăng Long Hà Nội, Lịch sử Thăng Long Hà Nội… của cả Nguyễn Vinh Phúc và nhiều tác giả khác cũng được xếp ngay ngắn.

Phần đỉnh kịch sát trần nhà, nơi vài vạt nắng cuối chiều hắt xuống, làm nổi lên lớp bụi thời gian lơ lửng bay.

Được sự cho phép đặc biệt của chủ nhân kho tàng, chúng tôi nán lại “trong lòng di sản” thêm rất nhiều thời giờ. Xen lẫn các công trình nghiên cứu, khảo cứu đã được xuất bản, còn rất nhiều những cuốn sổ, trang viết tay, bản thảo… chưa được sắp xếp, phân loại.

Đáng chú ý, trong 5.000 đầu sách còn lưu lại, chúng tôi nhận ra có rất nhiều sách Anh ngữ, Pháp ngữ và tiếng Trung. Thậm chí, sức đọc “khủng khiếp” của nhà Hà Nội học còn được thể hiện ở một loạt các ấn phẩm về văn hóa-nghệ thuật khắp các vùng miền, cũng như sách Toán học, Vật lý, Hóa học, Y học đông tây.

Sách tràn từ kho tầng 3. Sách chảy vào phòng làm việc của ông Tùng. Sách ngổn ngang trên bàn làm việc. Có cảm giác, sách như một dòng lũ, sẵn chờ bung ra khi người con thứ mang tên đệm Vinh cố gắng sắp xếp và phân loại lại trong vài tháng qua.

“Tôi đã ngỡ ngàng khi tiếp cận. Phải nói luôn, trước đây, do điều kiện bảo quản không tốt, cụ đã mất rất nhiều sách. Mỗi năm, cha tôi bỏ đi vài cuốn do mối mọt xông. Giờ nhìn lại tôi vừa tiếc, vừa phục cụ”, tự nhận mình là người ham đọc, ham tìm hiểu, nhưng ông Tùng cũng “ngả mũ” trước kho tàng của cha.

Di cảo quý chưa từng được công bố

Năm 2012, thời điểm nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc qua đời, nhà thơ Hồng Thanh Quang đã từng có những dòng gan ruột: Trong khoa học xã hội mang tính hàn lâm của chúng ta trước kia chẳng hề có bộ môn nào mang tên là "Hà Nội học" cả. Ấy vậy mà danh xưng "nhà Hà Nội học" của Nguyễn Vinh Phúc luôn gợi lên trong chúng ta một niềm kính trọng. Mà hình như cũng chỉ có mình ông được có danh xưng này. Vài năm trước, ông đã nói với tôi: "Thực ra đó là một cái danh xưng dân dã thôi. Ở Việt Nam ta chưa có giáo trình nào về môn Hà Nội học, nhưng có danh xưng nhà Hà Nội học là do bắt đầu từ tôi. Người ta gọi tôi là nhà Hà Nội học... Tôi biết rằng cách gọi đó từng làm một số vị giáo sư khả kính cảm thấy khó chịu, nhưng tôi cũng chẳng "lấy đó làm điều". Cái danh xưng ấy thực ra chỉ xuất phát từ sự quý mến của bạn đọc, của người dân....

Nói vậy, nhưng thật ra, từ trước đó cả nửa thập niên, Nguyễn Vinh Phúc đã trăn trở và nghĩ tới việc cần thiết phải có một ngành nghiên cứu riêng về Thăng Long nghìn năm có lẻ.

Ông Nguyễn Vinh Tùng bảo chúng tôi ngồi đợi để mình… tìm bằng chứng. Đoạn, ông đứng dậy, đẩy cánh cửa dẫn vào phòng làm việc kín bưng phía trong. Chỉ chốc lát, trên tay ông đã có một tập bản thảo cũ kĩ, chằng chịt chữ màu xanh đỏ mang tên: Cơ sở Hà Nội học.

“Tuần trước 10/10, trong quá trình soạn lại di sản của cụ, tôi tìm thấy tập di cảo này. Phía bên ngoài có ghi năm soạn thảo là 1999”, ông Tùng nói.

Quay trở lại hiện tại, đầu năm 2024, Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU đề xuất nghiên cứu đưa môn “Hà Nội học” vào giảng dạy trong hệ thống các trường ở Thủ đô. Liền sau đó, nhiều hội thảo đã được tổ chức để bàn luận về các vấn đề liên quan.

Đặt trong thế so sánh này mới thấy, học giả Nguyễn Vinh Phúc đã “đi sớm” và “nghĩ sớm” thế nào từ tận hơn… 20 năm về trước. Trong tập bản thảo dài 74 trang, chủ yếu gõ bằng máy đánh chữ, ông trình bày rất lớp lang các khái niệm, kiến thức tổng quát về Hà Nội học, Thiên nhiên Hà Nội, Cư dân Hà Nội, Văn hóa Hà Nội, Đô thị học và đô thị hóa Hà Nội. “Cơ sở Hà Nội học” đã cố gắng đúc kết những cảm nghiệm về địa lý, lịch sử, con người và văn hóa của Nguyễn Vinh Phúc trong hàng chục năm ròng rã gắn bó với Thủ đô.

Từ trước đó cả nửa thập niên, Nguyễn Vinh Phúc đã trăn trở và nghĩ tới việc cần thiết phải có một ngành nghiên cứu riêng về Thăng Long nghìn năm có lẻ.

Ông viết: “Hà Nội học là gì? Thật khó trả lời! Vì nó không có trong danh mục các ngành học ở các trường. Nó là một ngành học hình thành một cách hồn nhiên, mang tính dân dã, trong khoảng hai chục năm nay [tính vào thời điểm năm 1999-người viết]. Trước những năm 70 của thế kỷ này [Thế kỷ XX] chưa có thuật ngữ đó”.

Theo Nguyễn Vinh Phúc, thuật ngữ Hà Nội học xuất hiện chính thức lần đầu tiên trong tập sách Hà Nội - Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do NXB Sự thật in năm 1984. “Nhưng dầu sao, đây vẫn là một từ ngữ dân dã, chưa được điển chế hóa - tức là chưa có trong từ điển”.

Nguyen Vinh Phuc anh 9

Một trang bản thảo trong cuốn di cảo mang tên Cơ sở Hà Nội học của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc.

Đáng chú ý, trong phần dẫn nhập, cố học giả đã đưa ra sơ khởi phương pháp luận định hướng cho quá trình nghiên cứu. Cụ thể, ông cho rằng: Nếu như về điều kiện tự nhiên trong việc khảo cứu địa chí Hà Nội thì không khác mấy so với các vùng, các tỉnh, nhưng về mặt con người, hoạt động của con người thì khác hẳn, vì nơi đây đã tụ hội nhiều con người ở nhiều vùng, thậm chí ở các nước ngoài. Họ đã giao lưu rồi tiếp biến tạo ra những hoạt động, những sản phẩm tinh thần, sản phẩm về chính trị, kinh tế, văn hoá… có đặc thù riêng mang tính chất tiêu biểu cho cả nước, cả dân tộc-tức là tính chất tinh hoa.

“Chính vì vậy, việc nghiên cứu về Hà Nội phải đặt Hà Nội trong mối tương quan với cả nước, kể cả về tự nhiên và xã hội. Tách riêng ra là sẽ phiến diện, đôi khi dẫn đến những khái quát sai lạc. Tất nhiên, Hà Nội học không phải là sự cộng lại những nghiên cứu về địa - tự nhiên, địa - kinh tế, địa - nhân văn hay địa - lịch sử mà phải là sự tổng hợp các vấn đề thuộc về mọi mặt của đời sống vật chất và tinh thần Hà Nội, vừa lịch đại vừa đồng đại, trong đó lấy lịch sử và văn hóa tinh thần làm trục chủ thể. Có nghĩa là ngành Hà Nội học nghiên cứu chủ yếu về lịch sử và văn hoá Thủ đô nhưng cũng thông qua các dữ liệu về điều kiện tự nhiên, chính trị, hành chính, các hoạt động kinh tế, xã hội…”, ông nêu quan điểm.

Nguyễn Vinh Phúc nhấn mạnh, để trở thành một nhà Hà Nội học, người nghiên cứu cần phải yêu Hà Nội từ tận tấm lòng; phải có vốn liếng học vấn luôn được củng cố và bồi dưỡng tăng cường; phải kiên nhẫn tìm tòi trong các thư tịch, sách vở xưa; kết hợp thực tế điền dã với tra cứu dẫn chứng được văn bản hóa. Và sau cùng, ông cho rằng: “Muốn đi vào Hà Nội học thì phải biết ngoại ngữ, ít ra là tiếng Hán và tiếng Pháp".

Ông chỉ rõ: Có nghiên cứu kỹ về địa phương, tìm ra được những đặc trưng thì mới biết cách quản lý đúng đắn địa phương đó. Riêng với ngành Hà Nội học, nếu có những công trình nghiên cứu giá trị, chiết xuất ra tinh hoa của văn hiến Thăng Long – Hà Nội, biết cái gì hay, cái gì dở trong truyền thống xây dựng và bảo vệ Kinh đô; biết mặt mạnh, mặt yếu, biết tiềm năng và dự báo thì tất là có đóng góp thiết thực, có ý nghĩa lớn với công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa; công cuộc bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn thành phố ngàn tuổi - trung tâm chính trị, văn hóa và kinh tế của đất nước.

Lớp lang và khoa học là thế, nhưng người đọc vẫn bắt gặp được những nét tài hoa trong các trang bản thảo của Nguyễn Vinh Phúc. Đó là khi cố học giả cắt nghĩa về nét thanh lịch của cư dân Thăng Long. “Thanh là thanh tú, thanh nhã, thanh cảnh. Lịch là lịch duyệt, lịch lãm, lịch sự. Đó chính là tính cách… của một nếp sống đầy tính văn hóa…”. Hoặc giả như ông ví von: “…người ở khắp nước về Hà Nội sinh cơ lập nghiệp và rồi cũng từ Thăng Long - Hà Nội lại tỏa đi nhiều miền; như máu từ trăm dòng mạch, lọc qua trái tim; rồi lại từ trái tim về trăm dòng mạch suốt ngàn năm”.

Lớp lang và khoa học là thế, nhưng người đọc vẫn bắt gặp được những nét tài hoa trong các trang bản thảo của Nguyễn Vinh Phúc.

Ông Tùng trao cho chúng tôi tập bản thảo có tuổi đời ngót nghét ¼ thế kỷ để quan sát kỹ hơn. Trên lớp giấy mà không ít trang đã ố vàng, những dòng chữ được đánh máy qua nhiều thời kỳ vẫn thẳng thớm, nghiêm cẩn. Để… tiết kiệm, nhiều trang bản thảo được gõ trên một mặt trống của những bản in bỏ đi mà tác giả… nhặt nhạnh được.

Nhà nghiên cứu cẩn trọng gạch chân, hoặc in đậm, hoặc chua thêm những đoạn viết tay chi chít vào từng khoảng trống. Có những khi “hết” chỗ để chú giải, Nguyễn Vinh Phúc lại cắt từng trang giấy trắng, đính vào để giải thích thêm.

Nguyen Vinh Phuc anh 10

Những trang chú giải chi tiết bằng bút tích viết tay của cố học giả Nguyễn Vinh Phúc.

Viết tiếp giấc mơ dở dang của một người yêu Hà Nội

Sau 25 năm ngủ quên, trong khi nhiều nghiên cứu về Hà Nội của cố học giả đã được xuất bản, chẳng biết vì lý do gì, Cơ sở Hà Nội học vẫn chịu cảnh… dang dở.

“Tôi đoán, ngày ấy, hẳn ông cụ bị gián đoạn khi phải giải quyết lắm việc bộn bề. Hoặc có thể cụ chưa tìm được nơi phát hành ưng ý. Hay giả như, người vẫn chưa thật hài lòng về nghiên cứu của mình vì cụ vốn khó tính trong việc viết”, ông Tùng lý giải.

Nâng niu trên tay di cảo mà cha để lại, ông Nguyễn Vinh Tùng nhận định: Nguyễn Vinh Phúc là “người cực kỳ nhún nhường” nhưng “vẫn có sự kiêu hãnh riêng, dù không mấy khi thể hiện, như các cụ đã chắt chiu, thầm lặng dựng cuốn đại cương”.

“Tôi thích cách cha khái quát các sự kiện, sự đổi thay của Hà Nội theo lịch đại để tạo nên diện mạo đầy đủ nhất của vùng đất này. Cách làm này đã tạo nên một dòng chảy thống nhất trong lối nghiên cứu về ngành Hà Nội học, tránh những cách làm manh mún và rời rạc”.

Ông Tùng cho biết, ông đang liên hệ với bạn bè, người quen để tìm nơi nhận hiệu đính, xuất bản tập bản thảo này. Bên cạnh đó, ông cũng cố gắng mở rộng kiến thức, để tiếp nối cha, hoàn thiện cuốn sách trong tương lai.

Ông Tùng dự định, từ Cơ sở Hà Nội học, ông sẽ mở “biên độ” để tiếp cận cụ thể học sinh phổ thông trên địa bàn Hà Nội. Cấp tiểu học sẽ là những câu chuyện gắn liền với con người, tên đường, tên phố. Cấp trung học cơ sở sẽ là những sự kiện lịch sử của Thủ đô. Cấp phổ thông trung học sẽ đề cập đến những bài học lịch sử.

Nguyễn Vinh Phúc là “người cực kỳ nhún nhường” nhưng “vẫn có sự kiêu hãnh riêng, dù không mấy khi thể hiện, như các cụ đã chắt chiu, thầm lặng dựng cuốn đại cương”.

Ông Nguyễn Vinh Tùng

Công trình sẽ kết hợp tư tưởng và lòng nhiệt thành của hai thế hệ. Những cuốn sách cha để lại đã giúp tôi hiểu hơn về di nguyện của ông. Từ đó, có căn cứ để hoàn thành một đại cương với đầy đủ phương pháp luận, tổng hợp các kiến thức về lịch sử, địa lý, triết học và xã hội của Hà Nội”, ông Tùng ấp ủ.

Theo ông Nguyễn Vinh Tùng, có rất nhiều nguyên cớ lý giải cho việc cố học giả Nguyễn Vinh Phúc đã viết về Hà Nội bằng cả một trái tim.

Đâu đó, có sự… day dứt của một anh giáo phố khi “trong quá trình dạy học thường xuyên phát hiện các lỗi sai lịch sử ở phần chú thích” nên “bèn quầy quả đạp xe đi thực địa để hỏi cho tới ngọn, tới ngành”. Lại có cả nguyên cớ đến từ… áp lực cơm áo, gạo tiền bởi “ông buộc phải viết để… nuôi vợ, chăm con”.

Nguyen Vinh Phuc anh 11

Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán).

Nhưng trên hết, có lẽ là tấm lòng yêu Hà Nội một cách thanh thuần và mê say. Trong những buổi đi thực tế, Nguyễn Vinh Phúc thi thoảng lại đưa ông Tùng đi cùng.

“Cụ đặt tôi lên gióng xe nam rồi bắt đầu đạp. Hai cha con đi khắp các chốn. Khi là những con ngõ nhỏ, phố nhỏ. Hoặc đình, chùa, miếu mạo. Đến đâu, cụ cũng ngắm nghía, hỏi han, tìm hiểu và ghi chép đầy vào những cuốn sổ tay. Rồi về nhà, cụ lại chong đèn tra cứu, viết viết, xóa xóa. Chẳng phải là người Hà Nội gốc, nhưng ở nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc, người ta cảm nhận được tình yêu lớn dành cho Thủ đô. Đọc sách của ông, người Hà Nội lại càng hiểu hơn về Hà Nội, còn những ai lạ lẫm bỗng cảm tình hơn với mảnh đất này.

Trong mắt tôi, hình ảnh cha có sự pha trộn giữa một nhà giáo, một người đàn ông quần quật làm công việc mưu sinh nuôi gia đình và một nhà nghiên cứu về Hà Nội đã yêu mảnh đất này trong gần suốt cả cuộc đời”, ông Tùng đúc kết.

Tổ chức thực hiện: TRẦN HỮU VIỆT

Nội dung: SƠN BÁCH, NGỌC KHÁNH

Trình bày: SƠN BÁCH

Ảnh: THÀNH ĐẠT, BÁO HÀ NỘI MỚI

Báo Nhân Dân

Bạn có thể quan tâm