Có câu chuyện nổi tiếng về Depay được dành để gói gọn những thứ xảy ra trong một năm khoác áo Manchester United.
Sau khi được HLV Louis van Gaal đưa vào sân trong những phút cuối của trận gặp Chelsea trên sân Stamford Bridge ở mùa 2015/16, tiền đạo người Hà Lan có pha xử lý cẩu thả khiến đội nhà nhận bàn thua. Diego Costa mang về bàn gỡ 1-1 cho "The Blues".
Cái giá Depay phải trả là bị đẩy xuống đội dự bị. Vào buổi chiều tiếp theo, số 7 của MU - khi ấy mới 21 tuổi - lái chiếc Rolls Royce tới sân Old Trafford chơi trận đấu cùng đội dự bị gặp Norwich City.
Đây là bằng chứng cho thấy bản hợp đồng 25 triệu bảng không khác nào cầu thủ trẻ thích phô trương và hờ hững với những gì diễn ra ở CLB.
Từ gã trai hư thành ngôi sao của Lyon
Ở Manchester, hình ảnh của Depay là gã trai hợm hĩnh. Trong ngày đầu tiên đến nước Anh, Depay chọn bộ vest Louis Vuitton trị giá 10.000 bảng. Anh đến sân tập bằng siêu xe Mercedes.
Ngoài ra, hình xăm, túi xách đắt tiền và các trang phục đều gây sự chú ý. Mối quan tâm hàng đầu của Depay không phải bóng đá.
Cuộc sống xa hoa của Depay từng nhận lời cảnh báo từ huyền thoại Ruud Gullit. "Cậu ta phải làm điều gì đó hơn là khoe khoang cuộc sống giàu sang. Depay có tiềm năng, nhưng phải phát huy mọi tố chất trên sân, chứ không phải khoe khoang cuộc sống", Gullit nói.
Depay từng gây thất vọng ở MU. Ảnh: Getty. |
Depay bỏ ngoài tai điều đó. Anh lên trang nhất của các tờ báo vì thói quen ăn chơi và thể hiện trang phục lòe loẹt. Tiền đạo người Hà Lan không thắng được sự cám dỗ của vật chất, để rồi trở thành quả bom xịt nơi thành Manchester.
Cuộc phiêu lưu của tài năng trẻ này trong màu áo MU kết thúc trong một năm rưỡi đáng xấu hổ.
Người Manchester nhớ tới Depay dưới hình quả bom xịt. Số bàn thắng anh ghi được trên sân rất ít, còn bê bối trong cuộc sống hậu trường lại nhiều vô số. Chân sút người sụp bẫy trong chính cái hố do anh tạo ra.
Và hễ nhắc tới Depay, người hâm mộ MU chỉ biết lắc đầu ngao ngán.
Vào rạng sáng 16/8, Depay sẽ bước ra sân Jose Alvalade (Bồ Đào Nha) để đối mặt với người Anh. Cựu tiền đạo MU chạm trán Man City của Pep Guardiola ở tứ kết Champions League.
Rũ bỏ hình ảnh dở tệ trong quá khứ, tiền đạo sinh trưởng ở vùng Moordrecht đã khác. Anh sẽ đeo chiếc băng đội trưởng của Lyon và lĩnh xướng hàng công đội nhà.
Không còn là hình ảnh gã trai hư, Depay hoàn toàn trưởng thành. Sự nghiệp của anh thay đổi sau khi rời Manchester United để tới Lyon trong kỳ chuyển nhượng mùa đông 2016.
Tới Pháp, mũi nhọn này nhanh chóng bùng nổ và trở thành một trong những ngòi nổ quan trọng nhất Lyon.
Trải qua 3 mùa rưỡi chơi cho Lyon, Depay hoàn thiện lối chơi. Anh ghi bàn giỏi, kiến tạo cũng tốt. Mũi nhọn này đang sở hữu 54 bàn thắng và 43 pha kiến tạo sau 136 trận khoác áo đại diện nước Pháp.
Đó là con số ấn tượng, đưa tầm vóc của tiền đạo người Hà Lan lên đẳng cấp khác. Anh đứng trong hàng ngũ những cầu thủ hay nhất Ligue 1.
Depay cũng được HLV Rudi Garcia tin tưởng khi nhận chiếc băng thủ quân. Sứ mệnh lớn, trách nhiệm cũng nặng nề hơn. Depay không làm chiến lược gia người Pháp thất vọng. Anh cho thấy bản thân là thủ lĩnh đích thực trên sân cỏ.
Khi nhóm CĐV quá khích của Lyon giễu cợt hậu vệ Marcelo để gây sức ép buộc cầu thủ phải sớm rời CLB, Depay không ngần ngại bênh vực người đồng đội. Anh lao vào tranh cãi với CĐV, giật lấy tấm biểu ngữ có dòng chữ xúc phạm Marcelo. Ông Rudi Garcia bị chinh phục bởi khoảnh khắc ấy.
"Cậu ấy là thủ lĩnh thật sự. Hành động của Depay ra dáng người đội trưởng", chiến lược gia 56 tuổi nói.
Depay của năm 2020 là như vậy. Từ hình ảnh gã hề ở thành Manchester, anh trưởng thành trên đất Pháp để sắm vai thủ lĩnh Lyon.
Tiền đạo người Hà Lan mang trên mình niềm hy vọng của nước Pháp có thể loại Man City. Nhiệm vụ không hề dễ dàng, nhưng khi Depay có thể tỏa sáng để gieo sầu lên Juventus, nơi Cristiano Ronaldo thi đấu, không gì là bất khả thi.
Tại Champions League mùa 2019/20, Depay ghi 6 bàn sau 6 trận, thành tích rất ấn tượng. Ảnh: Getty. |
Ngày Depay gột rửa vết nhơ
Ở tuổi 26, Depay đang bước vào giai đoạn chín của sự nghiệp. Anh có sự tự tin lớn trong phong cách thi đấu. Thứ bóng đá của mũi nhọn người Hà Lan cũng chững chạc. Anh còn sở hữu sự ngạo nghễ, điều luôn được thấy ở những chân sút tài năng.
Trong trận lượt về vòng 1/8 của Champions League gặp Juventus, Depay gieo sầu lên đại diện Serie A với cú sút phạt đền kiểu Panenka. Lyon thua 1-2, nhưng đi tiếp nhờ luật bàn thắng trên sân khách. Và pha lập công của cựu sao MU mang ý nghĩa lớn.
Đứng trước chấm phạt đền, cầu thủ có thể chọn nhiều cách sút. Tuy nhiên, chỉ ai tràn đầy tự tin mới dám thực hiện cú Panenka. Depay có tất cả điều đó. Khi ghi bàn, anh thực hiện hành động bịt tai quen thuộc.
Đó như thông điệp đanh thép gửi tới những ai căm ghét mình. "Cứ hãy dè bỉu và chỉ trích nữa đi", đó được cho là ý nghĩa của pha ăn mừng được Depay thực hiện.
Sau khi trải qua nhiều tủi hổ trong sự nghiệp, nhất là thời gian chơi cho MU, tiền đạo 26 tuổi đang khoác trên mình chiếc áo hoàn toàn mới. Anh như được hồi sinh từ vực thẳm.
Sắp tới, Lyon khó giữ chân được Depay. Everton và Dortmund đang để mắt tới tiền đạo này. Mũi nhọn sinh năm 1994 được cho là cũng muốn trở lại Premier League. Gục ngã ở đâu, đứng dậy tại đó, Depay suy nghĩ tới điều này.
4 năm trước, người hâm mộ tưởng chừng phải thấy cầu thủ trẻ chôn vùi sự nghiệp lúc mới 21 tuổi tại Manchester. Trên đất Pháp, tiền đạo người Hà Lan hồi sinh mạnh mẽ và trên đường trở thành một trong những cầu thủ tấn công xuất sắc.
Tuy vậy, hình ảnh của Depay lại găm chặt trong suy nghĩ của người hâm mộ là quả bom xịt. Những gì Depay tạo ra tại Manchester là vết nhơ.
Tuy nhiên, những gì tồi tệ nhất vẫn có thể được gột rửa nếu tay săn bàn người Hà Lan lại tỏa sáng trước Man City. Với sự ngạo nghễ sẵn có, lúc này không gì có thể cản bước tiền đạo 26 tuổi.