Bài viết là quan điểm của biên tập viên Bogdan Petrovan, Android Authority.
Màn hình điện thoại ngày càng cong hơn, và tôi cũng hơi thích điều đó. Nhìn những chiếc smartphone có màn hình "thác nước" thật đẹp và tân tiến. Chúng khiến cho viền màn hình gần như biến mất hẳn, và tôi còn thích cảm giác cầm chúng trong tay.
Dù vây, tôi phải thừa nhận sau khi đã dùng Mate 30 Pro và Vivo Nex 3, tôi lại muốn quay về màn hình phẳng, hoặc cong nhẹ hơn. Màn hình thác nước làm ngoại hình của máy trông rất ấn tượng, nhưng sử dụng thì không sướng như vậy.
Màn hình càng cong, càng mong manh
Đầu tiên, tôi sẽ nói điều mà nhiều người đã nhận ra: màn hình cong khiến máy trơn, dễ tuột hơn. Ngoài ra, phần kính càng bao phủ diện tích rộng, khả năng kính bị nứt khi rơi càng lớn.
So với chiếc Note10 (bên phải), Mate 30 Pro có viền màn hình cong hơn nhiều. Ảnh: Lê Trọng. |
Dù kính bảo vệ màn hình ngày nay đã được gia cố, chúng vẫn không thể tránh khỏi nứt, vỡ nếu máy bị rơi vào góc. Ngoài việc kính bao gần hết viền, độ cong mạnh của màn hình thác nước khiến nó càng dễ vỡ hơn.
Tôi đã đánh rơi Mate 30 Pro vài lần, và may mắn là máy chưa vỡ. Đó hoàn toàn là may mắn, bởi anh bạn tôi chỉ đánh rơi chiếc Note10 Plus một lần là máy đã vỡ.
Màn hình quá cong cũng khiến việc tìm một tấm dán hay vỏ bảo vệ khó khăn hơn. Những chiếc vỏ sẽ phải để hở ra phần cạnh bằng kính, nếu không sẽ che mất nội dung. Gương bảo vệ thì gần như không thể tìm được.
Đẹp để làm gì nếu hiển thị không tối ưu?
Phần lớn nội dung, ứng dụng không được thiết kế cho màn hình thác nước. Với các ứng dụng thông thường, khi thao tác điều khiển được dồn vào phần trung tâm thì đây không phải vấn đề.
Tuy nhiên, một số ứng dụng hay game như PUBG Mobile lại có nhiều thao tác ở cạnh, do vậy sẽ rất khó dùng trên màn hình thác nước.
Với nhiều game như PUBG Mobile, màn hình thác nước khiến các thao tác ở cạnh bị ảnh hưởng. Ảnh: Android Authority. |
Vấn đề với các bàn phím như Gboard hay Swiftkey cũng tương tự. Tôi gõ khá nhanh, nhưng trên Mate 30 Pro hay Nex 3, tôi rất khó gõ những chữ cái ở góc như q và p, bởi chúng nằm ở phần viền và khó với tới.
Các website cũng gặp vấn đề tương tự. Với những trang web được thiết kế sát ra viền, nhiều nội dung sẽ nằm ở phần "thác đổ", đọc rất khó khăn. Kể cả khi bạn không cần thao tác ở viền, phần thác đổ cũng khiến những nội dung như phim ảnh bị hiển thị méo đi một chút.
Do hiệu ứng góc nhìn, khi dùng ngoài trời nắng, phần viền này sẽ phản chiếu mạnh, khiến nội dung trên màn hình khó nhìn hơn. Còn dưới điều kiện ánh sáng bình thường, phần viền lại bị sai màu, thường là sẽ hiển thị sáng hoặc tối hơn một chút so với phần màn hình chính.
Tạm biệt các nút bấm ở viền
Việc gõ phím cũng sẽ gặp khó khăn, nhất là phím q và p nằm ở hai cạnh. Ảnh: Android Authority. |
Đây là một thao tác phải mất thời gian làm quen, trong khi nút chỉnh âm lượng thông thường thì chẳng ai không biết dùng. Đó là chưa kể việc chỉnh âm lượng thế này mất thời gian hơn, sẽ bất tiện nếu bạn cần tắt tiếng nhanh chóng như khi đang trong cuộc họp.
Vì phải gõ vào cạnh rồi mới chỉnh được, rất khó để điều chỉnh âm lượng chỉ bằng một tay, hay khi bạn đang để điện thoại trong túi. Một tiện ích khác mà nhiều người cũng dùng là bấm nút âm lượng để chụp ảnh, và nó sẽ không được hỗ trợ trên những smartphone màn hình thác nước.
Cách chỉnh âm lượng trên Vivo Nex 3 đơn giản hơn chút. Thay vì phải gõ vào màn hình trước đó, bạn chỉ cầm bấm phía trên hoặc phía dưới nút nguồn để ra lệnh tăng, giảm âm lượng. Dù không tiện bằng nút vật lý, đây vẫn là cách làm hợp lý hơn Huawei.
Do màn hình quá cong, việc dùng máy ngoài trời có thể khiến ánh nắng phản chiếu vào mắt, gây khó chịu. Ảnh: Android Authority. |
Ngoại hình sẽ luôn được ưu tiên hơn độ tiện dụng
Dù không thích màn hình thác nước, tôi cũng phải thừa nhận Huawei và Vivo/Oppo đang đi đầu và muốn tạo xu thế. Họ từng đi đầu trong cách thiết kế camera trượt và màu sắc độc đáo, và màn hình thác nước cũng sẽ trở thành một xu thế như vậy.
Đây có thể là chi tiết thiết kế phổ biến trên smartphone cao cấp trong năm sau, thậm chí có thể được đưa xuống các sản phẩm tầm trung. Rất có thể nó sẽ tiến hóa thành smartphone màn hình cong từ trước ra sau, như chiếc điện thoại concept Mi Mix Alpha.
Giống như thẻ nhớ, chân cắm tai nghe, các hãng smartphone không ngần ngại hi sinh sự tiện dụng để đổi lấy một chút phá cách. Chẳng ai "cần" một smartphone màn hình thác nước, hay smartphone hai màn hình, màu sắc độc đáo, camera trượt. Dù vậy, các hãng vẫn sẽ tiếp tục đi theo con đường ưu tiên ngoại hình hơn là độ tiện dụng.