Chiều 26/4, chị Loan, nhà ở phố Trần Thái Tông (Hà Nội) cho biết chị phải chạy xe dọc tuyến Trần Thái Tông, Cầu Giấy mới rút được tiền. "Máy ATM của ngân hàng Á Châu, Quân đội trên tuyến Trần Thái Tông đều ngưng phục vụ. Trong khi đó, trên phố Cầu Giấy, chỉ có một trong hai ATM của Vietcombank hoạt động", chị Loan nói. Lúc hơn 16h, cùng với chị Loan, có 5-6 khách đợi đến lượt rút tiền tại ATM ngân hàng này.
Anh Sáng, một nhân viên văn phòng làm việc tại khu vực Cầu Giấy chia sẻ, anh cũng gặp phải tình cảnh đi hàng loạt ATM mà không rút được tiền trong chiều 26/4. "Cứ nghĩ các ngân hàng đã thu phí rút nội, ngoại mạng và ngân hàng cũng đã có quy định về các máy ATM hết tiền sẽ bị xử lý, vậy mà cảnh ATM gặp sự cố vẫn cứ diễn ra suốt", khách hàng này bức xúc.
Trước đó, chiều tối 5/4, người giao dịch tại một số điểm giao dịch ATM của Vietcombank tại khu vực Đống Đa, Ba Đình, Thanh Xuân... (Hà Nội) không thực hiện được lệnh rút tiền.
Những năm trước đó, vào dịp nghỉ lễ, trục trặc tại ATM cũng thường xuyên diễn ra. Các quy định về tiếp quỹ, đảm bảo phục vụ thông suốt trên máy ATM thường xuyên được ban hành. Tuy vậy, tình trạng các máy rút tiền tự động "nghỉ lễ" vẫn diễn ra tương đối phổ biến.
ATM của ngân hàng ACB trên phố Trần Thái Tông tạm ngừng hoạt động vào chiều 26/4. Ảnh: NVCC. |
Trước kỳ nghỉ 30/4 năm nay, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có chỉ thị yêu cầu các đơn vị chủ động bố trí lực lượng chăm sóc ATM, tránh tình trạng hết tiền hoặc ngừng phục vụ dịch vụ trong dịp nghỉ lễ lần này.
"Không hiểu vì sao đã thu phí đối với người sử dụng thẻ, mà các ngân hàng lại chưa nâng cao chất lượng dịch vụ" là điều mà một số khách hàng chia sẻ khi được hỏi về chất lượng dịch vụ ATM.
Trao đổi với Zing.vn, đại diện một ngân hàng lớn tại Việt Nam cho biết, các đơn vị luôn có hệ thống theo dõi các cây ATM do từng chi nhánh quản lý. "Khi số tiền trong máy ATM tại một địa điểm rơi xuống dưới mức giới hạn, đơn vị phụ trách địa bàn sẽ có trách nhiệm xử lý ngay", vị này cho biết.
Một nguồn tin từ ngân hàng có ATM gặp sự cố trong chiều 26/4 cho hay, việc ATM cùng khu vực không thể sử dụng, thông báo ngừng hoạt động cũng có thể do mất điện.
Theo Điều 28 Nghị định 96, trong trường hợp ngân hàng “không giám sát mức tồn quỹ tại máy giao dịch tự động, không đảm bảo máy giao dịch tự động phải có tiền để đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng theo quy định” sẽ bị áp dụng mức phạt từ 10 đến 15 triệu đồng.
Theo quy định tại Thông tư 36, ngân hàng không được để ATM hết tiền quá 4 giờ làm việc (đối với ATM nằm trong nội đô, thị xã, trung tâm huyện) hoặc quá 8 giờ làm việc (đối với ATM ở xa trung tâm) và 1 ngày nếu ngoài giờ làm việc. Các ngân hàng không tuân thủ đúng quy định về thời hạn tiếp quỹ nêu trên thì sẽ bị phạt từ 10 đến 15 triệu đồng.