[…]
Má biểu Tám Đỏ mang xấp lãnh qua gởi cô giáo Quyên, cảm ơn cái vụ nhờ cô giáo thảo đơn trả lời mấy ông trên tỉnh mời tía tham gia làng nghề nhằm khôi phục lại xứ lụa Tân Châu. Cô giáo Quyên ở miết tận đầu làng, giỏi chữ, đẹp người lại hiền lành.
Hồi đi học TP.HCM về, cô chọn dạy trường làng tới tận bây giờ, ngót chừng cũng chục năm, bám đất này mà đem con chữ cho đám trẻ nghèo hèn nơi đây. Nghe đâu có mấy ông trên tỉnh về, muốn cất nhắc cô lên đó, muốn nâng đỡ cô cho có chỗ khấm khá hơn. Nhưng cô cũng từ chối thẳng thừng.
Cô giáo Quyên đi rồi, vậy con chữ nơi đây sẽ ra sao? Đành rằng đâu phải chỉ mình cô ở cái trường cấp một heo hút này. Nhưng nếu cô đi mà lòng mình chưa trọn vẹn với quê hương xứ sở của mình, thì sao đành đoạn. Xứ này còn quá đỗi thiếu thốn. Nhưng thiếu con chữ nữa thì đời nghiệt ngã lắm.
Má cũng tính dợm lời hỏi cô giáo Quyên cho Tám Đỏ, nhưng Tám Đỏ chỉ lặng thinh. Tánh Tám Đỏ cục mịch, chỉ mới học hết cấp hai rồi theo tía làm nghề. Chữ nghĩa chắc cũng đủ ê a cái tên, hay đong đếm từng cây lụa. Tám Đỏ cù lần lắm, nhắc tới gái lại nhát hít, mặt đỏ lửng lên.
Nhưng hổng phải vậy mà Tám Đỏ không thương cô giáo Quyên. Tám Đỏ thương lắm chứ. Mà chỉ là thương thầm. Bỏ trong bụng, chỉ mình biết. Vài ba lần Tám Đỏ chếnh choáng men say, sang nhà cô giáo, lừng khừng năm thì bảy đỗi rồi lại đi về.
Sách Mình gọi nhau là cưng. Ảnh: Q.M. |
Dù có bận dặn lòng, mình nói đại, giờ tui thương cô giáo, cô giáo ưng hông. Người ta gật thì mình về kêu tía má qua cưới. Mà lỡ người ta lắc, thì coi như mình say, mình làm càng thế thôi. Đâu ai trách người say. Hoặc dĩ lỡ làng trên xóm dưới đều biết thì mình chữa thẹn bằng lời giải thích, mấy người say thường hay nói dối.
Nghĩ là nghĩ vậy thôi, chứ mình thương người ta thiệt, thì say hay tỉnh gì cũng là lời thật tự con tim mà ra. Mà càng thương người ta, mình càng phải hiểu. Đâu phải cứ thương nhau là đến được với nhau.
Người ta cô giáo, chữ nghĩa đầy bồ, mình chẳng có gì ngoài đôi tay đen thui, cái nghề bấp bênh theo thời cuộc. Biết đâu người ta đến với mình, mà mình chẳng lo đặng cho người ta, thì hóa ra làm khổ thêm đời người ta. Thương một người, đôi khi chỉ cần nhìn người ta bình yên hạnh phúc là được rồi. Còn mình buồn hay vui thì đâu sá gì.
Bấc vẫn réo rắt ngoài ngõ nhà cô giáo Quyên, bận Tám Đỏ vụng về gởi khúc lãnh Mỹ A. Tám Đỏ hổng biết nói gì, cứ vân vê cái vạt áo sơ mi trắng tinh, giấu mười ngón tay đen thẫm vì nhựa mặc nưa dính theo năm tháng.
Đám khiết bông thuận mùa gió, đâm nụ phơn phớt giữa đám lá xanh um. Tám Đỏ đứng vậy một đỗi rồi gật đầu chào cô giáo Quyên đi về. Nghe tim mình vỗ thình thịch. Nghe sóng nước bưng biền lăn tăn nơi cõi lòng.
[…]
Tám Đỏ ghé hàng rào có đám khiết bông đương thì trổ bừng sắc đỏ, xin cô giáo Quyên cho mình thử một ký bông, đem về nhuộm lãnh coi có ăn màu không. Giờ mình cải tiến chút đỉnh, biết đâu lãnh đẹp hơn, người ta biết thương lãnh hơn.
Hay Tám Đỏ thử thêm hoa văn vào lãnh Mỹ A cho bắt mắt hơn, chứ không để trơn như bây giờ, rồi hổng chừng người ta thích lãnh hơn. Mà thêm cái hoa văn nào đây, hay thêm thử cái hoa văn khiết bông coi sao.
Tám Đỏ lần đầu tiên mới dám nói nhiều vậy với cô giáo Quyên. Cũng hên chỉ là chuyện xin hoa để nhuộm, chứ mấy cái chuyện giấu kín trong lòng, chắc chẳng thể nói đặng như vậy đâu.
- Anh Tám thương lãnh vậy, chắc hổng còn để lòng thương ai đâu hen. Mà nếu nhuộm được lãnh đỏ, thì cây đầu tiên phải tặng em đó nghen.
Tám Đỏ về với thúng đầy bông khi cái rào bị hái ráo trọi, để lại nguyên dàn lá xanh. Mà cô giáo Quyên nói gì hồi nãy, lúc phụ Tám Đỏ hái hoa kìa. Tự dưng Tám Đỏ nghe lòng khấp khởi.
Non chừng nửa tháng sau, những ngày cuối Chạp, xuân len lỏi từng ngóc ngách miệt bưng biền. Đám mai vàng trước hiên nhà bắt đầu hé nụ chúm chím như đợi đúng khắc giây giao mùa thiêng liêng sẽ bung cánh vàng rực rỡ. Tám Đỏ mừng cẩng lên khi nhuộm thành công một cây lãnh đỏ. Tía rạng ngời ánh mắt long lanh.
Tám Đỏ thay bộ đồ vía thiệt đẹp, cái áo sơ mi màu trắng tinh, ôm khúc vải chạy đi.
- Trời thần, ông bà mình dạy, đem vải đỏ qua nhà người ta là đi dạm ngỏ hỏi cưới đó ông con.
- Ủa má nói vậy là sao?
- Là gì nữa trời! Thiệt cái tình, mày khờ quá Tám ơi! Người ta nói vậy mà hổng hiểu. Chẳng lẽ nói thẳng là người ta đợi mày qua hỏi à!
Tám Đỏ nghe lời má nói lòng không dưng nở bừng cánh mai.
- Mà Tết nhứt đâu ai đem vải vào nhà. Để đó đi, ra Giêng cũng có việc mà xài à con!
Chiều đó bờ rào khiết bông đầu làng, có đôi trai gái ngồi thủ thỉ chuyện lụa lãnh, chuyện Tết nhứt. Lần đầu tiên, Tám Đỏ mạnh dạn đưa đôi tay lấm đen màu mặc nưa, đan vào bàn tay thon nhỏ trắng nõn của cô giáo Quyên. Nghe Tết rộn ràng trong tim. Gió xuân ấm áp vô cùng.
Mùng một Tết, Tám Đỏ theo chân tía má sang nhà cô giáo Quyên. Mai vàng nhuộm óng ánh một miền quê. Người lớn nói chuyện mần sui, định ngày gả cưới. Đám trẻ lại vây quanh chúc tụng một mùa xuân dạt dào hạnh phúc. Dĩa bánh mứt thắm đượm mùi hoa trái quê hương.
Vẳng xa nhà ai vang câu vọng cổ, điệu bắc réo rắt thanh âm tưng bừng: “Mặc nưa làm ra lụa lãnh, tay đen phận nghèo đâu rảnh mà yêu. Anh thương, em có chịu liều. Dạm một xấp lãnh mình thêu mái nhà.”
Nghe chừng xuân chẳng đâu xa. Ở cạnh bên nhau, với Tám Đỏ và cô giáo Quyên, bốn mùa, cũng chỉ là xuân.
----------------
* Tiêu đề trong sách: Duyên lãnh.