1950: Giông tố tích tụ
Ngày đầu năm mới 1950: thời điểm bản lề của thế kỷ 20. Vào đầu thế kỷ, chưa ai biết về sự tồn tại của hạt nhân nguyên tử, huống chi biết nó nắm giữ nguồn năng lượng khổng lồ. Đến cuối thế kỷ, nhân loại đã biết chung sống với khả năng xảy ra cuộc thảm sát nhiệt hạch. Tuy nhiên, vào đầu năm 1950, chưa đầy năm năm kể từ khi các quả bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki kết thúc Thế chiến II, thế giới chỉ mới bắt đầu nhận biết những hệ quả khủng khiếp.
Tại một thương trấn Anh quốc cổ kính gần Oxford, một trong những cha đẻ của thời đại nguyên tử đón chào năm mới cùng gia đình mình. Bruno Pontecorvo 36 tuổi. Mười sáu năm trước, khi còn là sinh viên vật lý, ông đã góp phần vào một khám phá báo hiệu một thế giới mới với những lò phản ứng hạt nhân và vũ khí nguyên tử. Bước đột phá đó đã định đoạt số phận của ông.
Nguồn ảnh: BBC. |
Đến năm 1950, ông đã nổi tiếng là một trong những nhà vật lý hạt nhân hàng đầu thế giới, vừa công bố hai bài báo có thể dẫn đến những giải Nobel, và đang được những cơ sở vật lý ở cả châu Âu và Bắc Mỹ săn đón. Nhà khoa học lỗi lạc người Ý này chừng như có cuộc sống bình dị. Ông sống thoải mái trong căn nhà ấm cúng gần sông Thames cùng người vợ Thụy Điển duyên dáng và ba con trai nhỏ tuổi.
Tất cả dường như hoàn hảo vô ưu. Nhưng Bruno Pontecorvo có một bí mật.
Đã hơn mười năm ông là đảng viên Đảng Cộng sản. Thoạt nhìn điều này có vẻ không đáng để bình luận. Nhiều trí thức trưởng thành trong thập niên 1930 và chứng kiến những ảnh hưởng tàn bạo của chủ nghĩa phát xít đã lựa chọn liên kết với phong trào cộng sản.
Tuy nhiên tới năm 1950, chứng cuồng loạn chống cộng gia tăng ở phương Tây và nhiều cuộc đời đã bị hủy hoại. Với Bruno, mấu chốt sống còn là những mối liên hệ của ông vẫn bí mật. Trong Thế chiến II, công việc của ông liên quan đến bom nguyên tử, và giờ đây ông lại bị lôi kéo vào công tác bí mật tại Harwell giữa lòng nước Anh, nơi Vương quốc Anh đang xây lò phản ứng hạt nhân đầu tiên ở châu Âu.
Vào lúc đó, cơ quan tình báo Anh và Mỹ đã để ý đến Tiến sĩ Pontecorvo, và trong đôi ba tháng tiếp theo những tệp hồ sơ của họ về ông sẽ dày lên nhanh chóng. Trước tháng hai 1950, khi đồng nghiệp Klaus Fuchs của ông bị bắt vì chuyển những bí mật nguyên tử [...], nhìn chung niềm tin của Bruno Pontecorvo không cản trở công việc hay cuộc sống của ông.
Tất cả những ai liên quan đến công việc bí mật đều có hồ sơ an ninh; Pontecorvo chỉ là một trong số nhiều người đó. Nhưng chứng cuồng loạn đã gia tăng sau việc bắt giữ và kết án Fuchs.
Các biến cố gần như vượt ngoài tầm kiểm soát của Pontecorvo, rốt cuộc dẫn đến bước ngoặc giữa cuộc đời của ông.
Guy Liddell, tổng cục phó Cơ quan an ninh Anh, MI5, lật giở sổ nhật ký của ông. Một năm mới nghĩa là một cuốn sách mới, những trang giấy trắng sẽ sớm được điền đầy các ghi chép cá nhân tin tức nội bộ về những sự vụ quốc tế. Vào ngày đầu năm 1950, tác động của vũ khí nguyên tử nằm ở vị trí quan trọng nhất trong nghị trình của ông.
Bình luận