11h30 đêm 20/4, sự im lặng và tĩnh mịch đã bao trùm lên thôn Hoành (Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội). Thi thoảng, tiếng gió, côn trùng kêu hay chó sủa bất chợt vang lên, khuấy động rồi lại trả về sự vắng lặng cho đêm quê.
Đây là một đêm bình yên với người dân trong thôn, kể từ khi họ rào làng, giữ cán bộ, công an, cảnh sát cơ động, nhà báo sau những bức xúc với chính quyền sở tại ngày 15/4.
Người dân kiệt sức
Trên đường làng, dưới ánh đèn huỳnh quang, nhiều người lặng lẽ đứng quan sát, bóng đổ xiên lên bức tường gạch ở các lối ngoặt. Đó là những người được cắt cử canh gác, đảm bảo an toàn cho thôn lúc đêm khuya. Lượng người canh gác càng dày đặc khi tới gần nhà văn hóa ở khu vực trung tâm thôn, nơi giữ 20 cán bộ và cảnh sát.
Người lạ đi qua các điểm canh giữ đều bị hỏi han kỹ lưỡng. Người dẫn đường là thành viên trong thôn phải bảo lãnh và giải thích rõ ràng thân phận thì những vị khách mới được đi tiếp.
Bên ngoài nhà văn hóa, đám đông ngồi tập trung ở 2 đầu đường, chủ yếu là người lớn tuổi. Họ bàn luận về những thay đổi và khó khăn trong cuộc sống của người dân kể từ khi biến cố xảy ra.
Bên trong, nhà văn hóa vẫn sáng đèn. Một bên hông, chiếc giường lớn được kê dưới tấm bạt, xung quanh ngổn ngang đồ đạc. Trước cổng, tấm băng rôn nền trắng chữ đỏ làm nổi bật khẩu hiệu: “Toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm luôn luôn tin vào đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước”.
Một phụ nữ ngoài 30 tuổi, tự nhận trong nhóm người phụ trách cơm nước cho 20 cán bộ, cảnh sát... đang bị giữ ở nhà văn hóa thôn, chia sẻ người dân đối xử với họ rất tử tế. Đều đặn ngày 3 bữa, họ nấu cơm, dân ăn gì họ ăn nấy.
"Chúng tôi còn thử trước cơm nước đề phòng kẻ xấu hãm hại. Mấy ngày nay trời nóng, chúng tôi còn mua kem cho họ ăn giải nhiệt. Giữ họ lại nhưng chúng tôi chẳng hề ghét bỏ hay thù hận gì. Họ cũng là người dân như chúng tôi mà ra", chị nói.
Chị cho biết tiền để nuôi những người đang bị giữ là do dân góp lại, mỗi ngày chi phí khoảng 1 triệu đồng.
Sau những phút dè chừng ban đầu, người dân thôn Hoành bắt đầu cởi mở, song vẫn không muốn đưa tên hay hình ảnh công khai. Họ cho phép chụp ảnh bên ngoài nhà văn hóa thôn để truyền tải hình ảnh thực tế ra bên ngoài.
Những người phụ nữ chia sẻ đêm nay đã là đêm thứ 6 họ không có giấc ngủ trọn vẹn vì lo lắng, hoảng loạn và mất phương hướng. Hàng đêm, mỗi khi tiếng kẻng cảnh báo vang lên, họ đều căng thẳng tột độ.
Từ những người nông dân chân chất, họ bị coi là nổi loạn, cực đoan trước dư luận xã hội. Người dân thôn Hoành bày tỏ đó là nỗi đau rất lớn.
Khi nhắc về những gì diễn ra trong thôn tuần qua, những phụ nữ thôn Hoành đều khóc. Họ nói, những gì xảy ra hiện tại là điều không ai mong muốn, đây chỉ là biện pháp bất đắc dĩ.
Một phụ nữ ngoài 30 nói trong tiếng nấc: “Ban ngày, chúng tôi không nuốt nổi cơm, chỉ uống nước cầm hơi, ban đêm lại không thể ngủ. Nhiều người suy kiệt sức khỏe, sụt 5-6 kg, phải truyền nước để gắng gượng. Nhiều cụ già lớn tuổi cũng vì thế mà ngã quỵ…”.
Những biểu ngữ được người dân treo bên ngoài hàng rào nhà văn hóa thôn Hoành. Ảnh: Hoàng Như. |
Cùng chia sẻ về những khó khăn, thay đổi trong cuộc sống, một người phụ nữ lớn tuổi cho biết từ khi sự việc xảy ra, đa số dân làng bỏ bê công việc. “Tôi vốn làm nông và phụ hồ. Nhưng từ khi thôn có chuyện, tôi không đi làm, ruộng vườn không cày cấy, chăm bón, các con trâu, bò, lợn, gà có đói cũng mặc kệ”, bà nói.
“Không đi làm, có khi tôi chỉ ra nhà văn hóa ngồi trông hay giúp mọi người nhặt rau nấu cơm cho những người bị giam. Nhưng nếu không đi, tôi không chịu được, tôi sẽ tự trách và đánh bản thân vì thương bà con”, người phụ nữ chia sẻ.
Người này cho biết thêm không chỉ người lớn bỏ bê công việc, một số trẻ em cũng bị gián đoạn học hành, không được chăm sóc chu đáo.
Mong được đối thoại tại thôn
Bên cạnh những khó khăn và đảo lộn trong đời sống thường ngày, người dân thôn Hoành bàn luận nhiều về lời mời đối thoại của ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chiều 20/4.
Trong lúc người lớn tuổi giãi bày tâm sự, nhiều nam thanh niên có nhiệm vụ canh gác đứng dọc hàng rào nhà văn hóa thôn không rời mắt khỏi mấy vị khách lạ...
Cụ Bùi Văn Nhạc (74 tuổi) thay người dân bày tỏ mong muốn đón tiếp Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung về đối thoại tại thôn Hoành. "Chúng tôi sẵn sàng đón tiếp đoàn của ông Chung niềm nở, nhiệt tình”, ông nói. Ảnh: Thắng Quang. |
Một người kể về sự chờ đợi và tha thiết được đối thoại của dân Đồng Tâm với ông Chung, để nói lên những bức xúc của họ thời gian qua. Tuy nhiên, họ không dám lên huyện hay rời khỏi thôn để đáp lại lời mời của ông chiều 20/4.
“Mong muốn hiện giờ của chúng tôi là ông Chung và đoàn về nhà văn hóa thôn, nói chuyện trực tiếp để ông hiểu và giúp đỡ người dân. Nếu địa điểm gặp gỡ không ở thôn Hoành thì chúng tôi không bao giờ dám đi”, người này nói.
Lời chia sẻ được những người xung quanh đồng tình.
“Chúng tôi không bao giờ muốn chống. Sự việc trong thôn thành ra như thế này, chúng tôi từng giây từng phút đứng ngồi không yên. Thật lòng, chúng tôi chỉ muốn sự việc qua đi để người dân trở lại cuộc sống thường ngày”, một người khác bộc bạch.
Chia sẻ với Zing.vn, cụ Bùi Văn Nhạc (80 tuổi), thay lời nhân dân xã Đồng Tâm, cho hay nguyện vọng của người dân là được đối thoại với ông Nguyễn Đức Chung tại hội trường Đảng ủy, HĐND xã Đồng Tâm, nằm ở thôn Hoành. “Chúng tôi sẵn sàng đón tiếp đoàn của ông Chung niềm nở, nhiệt tình”, ông Nhạc nhấn mạnh.
"Nếu thanh tra sớm, sự việc đã không xảy ra"
Chiều muộn 20/4, khi chúng tôi vào, đường vào làng quanh co, nhiều chốt chặn được dựng lên với đủ thứ vật liệu, từ gạch đá, khúc cây đến bàn ghế hỏng... Người được giao nhiệm vụ trực ở các chốt dò xét vì có người lạ vào thôn ban đêm.
Ở trung tâm thôn Hoành, gia đình anh Lê Văn Sơn dù mệt mỏi vẫn niềm nở đón phóng viên. Anh Sơn kể những ngày qua rất căng thẳng và mệt mỏi. Tuy nhiên, cuộc sống của người dân đang dần ổn định hơn. "Sáng nay, gia đình tôi đưa con đi học. Dù việc gì xảy ra, người dân thôn Hoành không muốn con em phải thất học", anh Sơn nói.
"Đêm nay là đêm bình yên nhất trong 6 ngày qua. Mỗi lần nghe tiếng kẻng, tiếng chân rầm rập của người dân chạy ra các chốt khi có bóng dáng người lạ muốn xâm nhập là rùng mình".
Anh Lê Văn Sơn
Sau bữa cơm, anh Sơn dẫn chúng tôi đến gặp cụ Bùi Văn Nhạc, ông Lê Đình Ba (người vừa được công an thả về). Ông Ba chia sẻ niềm vui khi Hà Nội ra quyết định thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm.
"Nếu như có quyết định này từ năm 2016 thì không có chuyện như những ngày này", ông Ba nói.
Ông Ba cho biết thêm từ ngày ông được thả về, ông có hứa với ông Nguyễn Đức Chung (Chủ tịch UBND Hà Nội) vận động người dân thả cán bộ, chiến sĩ cảnh sát.
"Tôi vận động dân làng thả người thì họ nghi ngờ. Họ nói tôi đã thay đổi, không còn vì bà con. Tôi còn nợ ông Chung một lời hứa. Tôi cũng muốn qua báo chí xin Đảng, Nhà nước và người dân tha thứ việc giữ người của chúng tôi. Biết là vi phạm pháp luật nhưng cần hiểu rõ vì sao chúng tôi lại làm như vậy, không còn cách nào khác nữa cả", ông Ba giãi bày.