“Nếu chọn một cuốn sách bom tấn của văn chương Việt Nam xuất bản trong năm 2017, tôi chọn Đêm núm sen của tác giả Trần Dần. Khi nghe các nhà nghiên cứu, phê bình văn chương nói về tác phẩm, tôi càng tin lựa chọn của tôi là đúng” – Nguyễn Hoàng Diệu Thủy – một biên tập viên chuyên mảng văn học Việt Nam – nhận định.
Đêm núm sen được ra mắt vào giữa năm 2017, 20 năm sau khi tác giả qua đời, và 56 năm sau khi nó được viết ra. Hơn nửa thế kỷ bản thảo nằm góc tủ, đôi khi bằng cả đời người. Nhà văn Dương Tường – người bạn thân của Trần Dần – cho rằng, nếu tiểu thuyết xuất bản vào năm 1961, đúng thời điểm bản thảo hoàn thành, thì đó sẽ là “một chấn động rất lớn trong văn học, bởi cho đến giờ chúng ta nhìn lại, chưa có một tác phẩm nào cùng thời mà mang vóc dáng như Đêm núm sen”.
Dẫu ra đời muộn hơn nửa thế kỷ, song tác phẩm đã qua quá trình biên tập, minh họa kỹ lưỡng, bằng sự trân trọng của những người làm sách để đến tay bạn đọc. Và nói theo nhà phê bình Mai Anh Tuấn, “tác phẩm ấy nằm im 56 nay, nhưng vẫn đủ hiện đại để mời gọi những hướng nghiên cứu mới mẻ”.
Tiểu thuyết Đêm núm sen. |
Vẻ đẹp của nhục cảm
Đêm núm sen xoay quanh thế giới của loài kiến, nhưng thực chất nói về loài người. Tác giả mượn loài kiến để gửi gắm suy tư, triết lý, cảm xúc của mình.
Truyện trước hết viết về tình yêu của anh Kiến Gầy phải lòng một cô gái vú vểnh có tên Sứa. Kiến Gầy sục sạo tìm tới biệt thự Đá Đỏ để tìm hiểu, tỏ tình với Sứa. Nhưng anh không sao ngờ được rằng cuộc chinh phục của mình lại gian nan đến thế… bởi nó bị chia cắt bởi chiến tranh.
Cuốn sách gợi cảm từ cái tên gợi đi, chữ “núm” là một từ đắt, gợi cảm để nói về một cô gái vú vểnh. Yếu tố “sexy” bao trùm trong tác phẩm. Ngay lần đầu tiên anh Gầy gặp cô Sứa, màu sắc nhục cảm đã tràn ngập: “Cô đi rất nhanh trên quyền lực bộ đùi dài. Tia chớp cặp đùi trắng”. Ở lần hẹn hò đầu tiên: “Một pho tượng ngà trong suốt khỏa thân. Tôi đường đột quá. Tôi không gõ cửa, cô ấy đang thay quần áo. Một chút lụa mỏng vương trên sàn nhà như một vẩn mây”.
Và khi cả hai yêu nhau: “Trông cô như sắp ra trận. Những đường cong gọn ghẽ. Giày, ủng ba lô với túi cứu thương bó sát. Bộ ngực vẫn nhí nhói. Đẹp thế! Tôi kêu lên”.
Trích đoạn "Đêm núm sen" |
Ngoài mối tình của Gầy với cô Sứa, Trần Dần còn miêu tả nhiều mối tình nhỏ khác, mà mối tình nào cũng đầy nhục cảm. Chẳng hạn mối tình của anh Kiến Ngựa đi công tác về làng tư tình với vợ. Chuyện anh kiến Sư tử và cô Vú giữa chiến trường vẫn tìm đến ngủ với nhau… Và cái kết của tác phẩm, là hình ảnh thuyền trăng mật của anh kiến Sư tử và cô Vú trên hồ sen.
Trong văn chương, tả về tình dục bao giờ cũng là một thách thức. Nếu tả nhạt thì nó gượng gạo, tả quá thì nó biến thành sến, mà nếu lơ là, sơ sẩy thì tác phẩm thành ra dung tục. Theo đánh giá của biên tập viên Diệu Thủy, nhà văn Trần Dần đã vượt qua thử thách một cách ngoạn mục khi miêu tả nhục dục. Ông huy động "cả rừng ngôn ngữ" về thân thể, cảm xúc, nhục cảm để tạo ra những kết hợp từ vừa táo bạo, lại nồng nàn, rưng rưng, run rẩy.
“Tôi nhận ra trong đó tính phồn thực của giống loài. Điều đó làm cho tình dục chân thực hơn” – Diệu Thủy nói.
Tuy nhiên, nếu chỉ thuần là cuốn sách nói về nhục cảm, thì có lẽ Đêm núm sen đã không khiến nhiều giới văn chương ngợi ca nhiều đến vậy.
Tranh vẽ minh họa của họa sĩ Tạ Huy Long cho tác phẩm |
Cuốn tiểu thuyết phản chiến
Cao hơn yếu tố gợi cảm, Đêm núm sen là một cuốn sách về thân thể. Do đó, theo Tiến sĩ ngữ văn Trần Ngọc Hiếu, tác phẩm mang tính chất phản chiến tranh.
“Nếu ta cần phải biết lịch sử trong mối liên quan với thân thể, ta hoàn toàn có thể thấy lịch sử là sự khống chế và nghiền nát thân thể” – Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu nói. Trong Đêm núm sen cũng vậy. Chiến tranh ứng xử với thân thể như một thứ chất liệu. Bên cạnh súng đạn, chiến tranh cần xác người. Chiến tranh kìm hãm mọi thứ cảm xúc, để biến con người thành một thứ gì trừu tượng.
Nhưng Đêm núm sen cho thấy, thân thể không bao giờ quy phục lịch sử. Mối tình của Kiến Gầy và cô Sứa là một tình yêu được miêu tả với mọi chiều kích trần thế của con người: có tán tỉnh, hò hẹn, làm tình… Những cảm xúc ấy được miêu tả bằng một thứ ngôn ngữ rất sống động, rất đời.
“Cuốn tiểu thuyết này viết về tình dục với tất cả sự hồn nhiên của thân xác. Ngôn từ trong sách nếu theo đạo đức thông thường ta thấy nó có phần tục. Nhưng trong bối cảnh chiến tranh, nó thể hiện sức sống của con người, niềm ham sống của con người, xưng tụng sự sống của con người” – Trần Ngọc Hiếu đánh giá.
Viết về tình yêu trong chiến tranh là môt típ cổ điển của văn chương. Nhưng trong tác phẩm của nhà văn Trần Dần, miêu tả tình yêu trong chiến tranh cũng là một cách phản chiến. Viết về tình yêu như biểu hiện sự sống càng làm nổi bật lên tình yêu đối lập với chiến tranh.
Làm một thao tác so sánh Đêm núm sen với các tác phẩm viết về chiến tranh cùng thời, mà phần lớn là mang màu sắc sử thi, anh hùng ca, sẽ thấy rõ sự khác biệt.
Văn học sử thi là văn học của ý niệm, trong đó, thân thể người là thứ được ý niệm hóa cao nhất. Ở đó, thân thể biến thành tượng đài, các biểu tượng, và sẽ mất đi tính xác thịt. Với tượng đài, người đọc chỉ có thể ngưỡng mộ, chứ khó có thể đến gần. Thân thể như vậy sẽ mất đi mọi chiều kích của con người.
Đêm núm sen viết về chiến tranh đấy, nhưng không trừu tượng hóa con người, không nhấc con người lên cao hơn con người để tôn vinh, mà nó ghé xuống những phận người trên chiến hào, nhìn thật sâu vào từng thân thể. Ở đó, mọi nỗi đau, hoan lạc của thân xác đều được giải phóng, cất lên tiếng nói.
Bởi vậy, Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu có lý khi nói: “Ở đây chiến tranh đã được miêu tả như thể là chiến tranh, chứ không phải là một thứ anh hùng ca, một thứ xưng tụng trong sử thi, hay phim bom tấn về chiến tranh”.
Còn nhà phê bình Mai Anh Tuấn thì bảo, thời đó, không ai viết về chiến tranh như vậy. Đi một quãng xa, mãi tới Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh mới có cách viết về chiến tranh từ góc nhìn của những người lính trên chiến hào như thế.
Trong sách, nhà văn Trần Dần có những đoạn phi lãng mạn. Ông đứng từ số phận của một con người cá nhân. Ông đứng từ con người mà lịch sử thường bỏ qua. Ông nói mọi cuộc chiến đều phải kết thúc, kết thúc là quy luật của chiến tranh, nhưng chiến tranh đi qua khiến ai cũng mang theo vết sẹo.
Có rất nhiều lý do điển hình người ta lấy để biện hộ rằng chiến tranh có lý để xảy ra. Nhưng nhà văn Trần Dần nói rất sâu sắc, mang tinh thần nhân văn: “Chỉ cần nhân danh một số phận bình thường đến thế, người ta đã có rất đủ lý do để tiêu diệt hẳn chiến tranh”.
Nghe đọc một trích đoạn về chiến tranh tàn khốc trong sách |
“Tôi ở lại với chiến trường nát bời, những vệt máu, những xác chết. Những vệt máu không ai phân biệt được, đâu là vệt máu địch, đâu là vệt máu ta. Vệt máu là vệt máu. Thương binh tử sĩ thì khác, phân biệt được. Nhưng chính sách chúng tôi thì không phân biệt. Thương binh địch chúng tôi cứu chữa, cố nhiên bẻ cụt gươm của chúng đi. Tử sĩ địch thì chúng tôi cũng chôn. Một cái xác là một cái xác, người ta ngửi thấy mùi tanh ở mảnh đất cổng làng”.
Nhà văn Trần Dần. Ảnh: Nguyễn Đình Toán |
Sáng tạo về thể loại và ngôn ngữ của Trần Dần
Tác giả Trần Dần lựa chọn hình thức ngụ ngôn để viết Đêm núm sen, thay vì chọn bối cảnh thực như Những ngã tư những cột đèn. Hình thức ngụ ngôn khiến cho tiểu thuyết xa rời quy chiếu có tính hiện thực, tạo ra một không gian có tính ước lệ, biểu tượng. Câu chuyện làng Mận, cuộc chiến ở đây gần như là phản chiếu của rất nhiều cuộc chiến, của rất nhiều thân phận con người.
Nhà văn Trần Dần thường vượt qua cái khung một thể loại văn chương ở nhiều điểm. Với Đêm núm sen, Dương Tường gọi là một ngụ ngôn đen, giống như những ngụ ngôn đen của Gunter Grass thể hiện gương mặt bị lãng quên của lịch sử. Tác phẩm là một ngụ ngôn đen kể chuyện con vật, nhưng câu chuyện đi rất xa so với tác phẩm đồng thoại.
Ở đây, loài kiến không chỉ gợi ra ý niệm nhỏ bé, mà nó sống theo bầy. Khi nhìn kiến, ta chỉ có thể nhìn nó khi cúi thật thấp. Quan hệ của loài kiến là mối quan hệ giữa cá nhân và bầy đàn, mà cá nhân thường bị đẩy ra bên lề lịch sử.
Tác phẩm được viết với nhịp độ nhanh, mạnh, gấp gáp, mang hơi thở trên từng bề mặt câu chữ. Tác giả Trần Dần trong những nhật ký có nói ý chiến tranh không cho phép người ta nghĩ được nhiều. Trong cuộc chiến, mọi thứ diễn ra quá nhanh, tất cả câu chuyện dù lớn lao hay nhỏ bé, chiến tranh không làm cho người ta nghĩ.
Đêm núm sen dưới lớp vỏ nhanh, gấp gáp, các sự kiện liên tục diễn ra, các nhân vật liên tục xuất hiện, nhưng trong cái cách hối hả đó là sự suy nghĩ thật chậm, thật sâu vào chiến tranh. Tất cả những câu đối thoại ngắn gọn, những nhịp đi gấp gáp trong sách được nhà văn tính toán kỹ lưỡng để người đọc buộc phải suy nghĩ.
Nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn thừa nhận “Tôi không đủ sức để đuổi theo hết ý tưởng của Trần Dần. Cuốn sách này làm cho ta ngỡ ngàng về tính hiện đại. Đọc nó, cho tôi những cặp tri nhận khác nhau: chiến đấu – lao động, tình yêu – sự thù oán, đau khổ – hèn nhát, mộng tưởng – tuyệt vọng…"
Những cặp cảm giác mà Mai Anh Tuấn nêu ra trong sách không chỉ đúng với con người ở một thời đại, mà đúng với chúng ta ở thời đại ngày hôm nay. Chính vì thế, độc giả hôm nay khi chạm đến cặp cảm giác đó có vẫn có thể tìm được tiếng nói chung ở tác phẩm. Và cũng vì thế, mà tác phẩm dẫu được viết ra từ hơn nửa thế kỷ trước, tới nay vẫn phù hợp và mới mẻ.