Albert Camus đã mở đầu Người xa lạ với hai câu văn cô đọng như vậy. Đây có lẽ là những câu mở đầu đáng nhớ nhất trong văn chương hiện đại. Nhân vật tôi đưa ra một thông báo hệ trọng – cái chết của người mẹ, nhưng cái cách gã báo tin lại có phần dửng dưng. Với gã, sự kiện ấy có xảy ra hôm nay hay hôm qua, thì cũng “không nghĩa lý gì.”
“Không nghĩa lý gì” – Mersault nói như thế về rất nhiều sự kiện xảy ra xung quanh gã cũng như những sự kiện của chính cuộc đời gã. Thái độ dửng dưng ấy thể hiện con người gã: một kẻ đơn giản, thuần chất, có gì nói nấy, và bởi thế, đâm thành “người xa lạ”.
Danh từ “étranger” trong tiếng Pháp mang các nghĩa: người ngoài cuộc, kẻ lạ mặt, hoặc người ngoại quốc. Bản dịch tại Mỹ của cuốn sách thường lấy tựa The Stranger, nghĩa là “kẻ xa lạ”, “gã lạ mặt”, còn bản dịch của Anh thì lại là The Outsider, nghĩa là kẻ ngoài cuộc, kẻ bên lề. Cả hai cách dịch đều có lý riêng, và đều đúng với nhân vật chính Mersault: một kẻ xa lạ với chính mình, đứng ngoài lề xã hội và một gã người Pháp sống tại Algeria.
Mersault hoàn toàn không phải một mẫu người khiến độc giả dễ đồng cảm. Vả chăng, gã cũng không mưu cầu sự đồng cảm, và chính điều đó khiến gã liên tiếp gặp rắc rối.
Ban đầu, gã gây khó chịu cho những người xung quanh khi không hề nhỏ một giọt nước mắt hay tỏ chút đau khổ trong đám tang mẹ. Ngay sau đám tang, hắn đi chơi với một cô gái và lên giường luôn cùng cô.
Vài ngày sau, gã gây ra một cái chết gần như hoàn toàn vô cớ, trong một vụ xung đột có liên quan đến một người bạn. Một gã người Ả rập chìa dao trước mặt gã, mà gã tình cờ lại mang súng. Ánh nắng mặt trời như thiêu đốt, khiến gã mất bình tĩnh, và gã đã bóp cò.
Một vụ hạ sát hoàn toàn vô nghĩa, chẳng hề có động cơ cụ thể. Kẻ giết người có thể bào chữa rằng mình chỉ tự vệ, nhưng khốn nỗi gã lại quá thật thà: gã chỉ kể lại sự việc đúng như những gì nó đã diễn ra. Nghĩa là, bản thân gã cũng không rõ vì sao mình lại bóp cò.
Tính chất vô nghĩa của vụ giết người dường như là một sự xúc phạm với những kẻ làm luật, những kẻ khăng khăng cho rằng bất cứ việc gì cũng phải có động cơ và ý nghĩa nào đó.
Tác phẩm Người xa lạ của Albert Camus với bản dịch của Thanh Thư vừa ra mắt độc giả Việt Nam. |
Bức tranh xã hội
Mượn câu chuyện xử án, Camus khắc họa một bức tranh thu nhỏ đầy sống động về xã hội loài người. Có gì đó mỉa mai và hài hước trong cái cách Camus mô tả cách xã hội nhìn nhận một kẻ dửng dưng như Mersault.
Không ít lần, các nhân vật xung quanh Mersault tỏ ra khó chịu, thậm chí phẫn nộ trước thái độ của gã. Người ta không ngừng chất vấn gã, ngõ hầu moi móc một thứ cảm xúc mãnh liệt nào ở gã để có thể hiểu: dẫu chỉ là một xíu ăn năn hay chút vẻ âu sầu.
Thế nhưng, gã lại không hề phản ứng như những tên tội phạm khác. Gã thà chết vì án tử, chứ không nói dối. Gã chọn cách sống trung thực thay vì giả vờ ăn năn, đau khổ. Nhưng chẳng ai coi trọng điều đó cả, vì xã hội, từ xưa tới nay, vốn chẳng dành cho những kẻ từ chối “diễn.”
Và thế là, những sự việc chẳng hề liên quan tới vụ án bắt đầu bị đem ra mổ xẻ: việc Mersault không khóc trong đám tang mẹ, việc gã đi chơi với bạn gái ngay sau đám tang, việc gã đi nghỉ cùng bạn ở bãi biển ít lâu sau đó.
Những hành vi trái lệ thường của Mersault vốn dĩ đã khiêu khích con mắt phán xét của người đời, nên việc hẳn chẳng thiết phân trần càng chọc tức họ hơn. Không ai có thể chấp nhận câu trả lời trung thực, nhưng nghe thật vô tình: “tôi sẽ thích hơn nếu mẹ tôi còn sống” (thay vì “tôi đau khổ vô cùng vì mẹ tôi đã chết”). Người ta thường ghê tởm hoặc khinh ghét những gì người ta không thể hiểu. Kẻ không được hiểu sẽ không thể nào được cảm thông.
Phản ứng phẫn nộ của những người làm luật xung quanh Mersault, từ ông luật sư cho đến người dự thẩm, thể hiện cái cách xã hội vẫn “bài trừ” những “kẻ xa lạ”.
Cách Albert Camus ngầm chế giễu các nhân vật xung quanh Mersault vừa cho thấy sự thương hại của ông với con người, vừa có gì đó báng bổ đối với những ảo tưởng và xác tín của họ. Ông đặc biệt thể hiện tài văn trào phúng của mình trong đoạn hội thoại giữa Mersault và viên dự thẩm, người không ngừng hối thúc gã bày tỏ nỗi ăn năn và niềm tin vào sự cứu rỗi của Chúa, thậm chí nổi xung trước sự dửng dưng của gã. Bởi theo viên dự thẩm, nếu như ai đó còn nghi ngờ vào Chúa, thì cuộc đời ông không còn nghĩa lý gì nữa.
Cơn phẫn nộ của nhân vật này khi Mersault từ chối biểu lộ cảm xúc cũng như niềm tin vào Chúa ngầm ẩn tiếng cười trào lộng của Camus với cái cách con người ta sống và thiết lập trật tự xã hội. Việc chính viên dự thẩm này sau đó trở nên lạnh lùng với Mersault càng mỉa mai hơn.
Chúa dạy ta phải thương yêu con người, nhưng nếu ai đó không tin vào Chúa, thì người ấy chẳng còn đáng quan tâm nữa. Tâm lý con người chính là như vậy: tôi chỉ muốn giúp anh, nếu như anh đồng tình với tôi và tuân theo mệnh lệnh của tôi.
Vụ xử án của Mersault bóc trần một sự thật: muốn tồn tại trong xã hội, người ta phải chủ động tham dự cuộc chơi, phải làm tròn vai trò của mình, dẫu cho điều đó có đúng với con người thật của họ hay không.
Giả như Mersault đã nhỏ vài giọt nước mắt, hay ít nhất giả vờ âu sầu thương tiếc cho cái chết của người mẹ, hẳn gã đã nhận được chút thương cảm của tòa. Nếu như gã tỏ ra tuyệt vọng hay hãi sợ, có lẽ người ta đã có chút cảm thông.
Tội của Mersault là đã gây ra cái chết của một người đàn ông, nhưng với xã hội dường như bản thân tội lỗi ấy không quan trọng bằng việc hắn từ chối bày tỏ cảm xúc, nghĩa là từ chối quy phục thông lệ xã hội.
Và xã hội có ngay câu trả lời lạnh lùng: một kẻ từ chối “diễn” thì phải bị triệt tiêu. Việc Mersault phủ nhận ý nghĩa các hành động của hắn cũng như phủ nhận niềm tin vào sự cứu chuộc khiến cho hắn bị nhìn nhận như một mối đe dọa. Bởi xét cho cùng, cái cách mà xã hội được xây dựng theo những luật lệ và nền tảng đạo đức chính là để gìn giữ sự quy củ và cái gọi là “ý nghĩa” của cuộc sống.
Nhà văn Albert Camus (1913-1960). |
Triết lý của Camus
Với Albert Camus, cuộc đời là một sự vô nghĩa vĩ đại. Có lẽ, ai cũng ngầm hiểu rằng đời người là cõi phù du.
Cái cách con người ta sống và chết, vốn dĩ là một sự ngẫu nhiên, một lẽ tình cờ dường như chẳng mang nghĩa lý gì. Nhưng có lẽ chính vì thế, người ta càng phải gán cho nó những ý nghĩa lớn lao, cao cả. Bởi nếu không có niềm tin ấy, họ biết sống thế nào?
Triết lý ấy của Camus có gì đó quá lý trí, thậm chí là tàn nhẫn. Nếu suy nghĩ thật kỹ, có lẽ không ít người phải đồng tình, nhưng chẳng ai dám nói thẳng điều đó cả, trừ Camus. Bởi khi nói ra điều đó, khác nào ta phủ nhận sự hệ trọng của kiếp người?
Trớ trêu thay, anh chàng Mersault, nhờ ý thức được và chấp nhận sự vô nghĩa ấy, mà sớm đạt được sự thanh thản trong tâm hồn mình.
Camus như muốn chỉ ra rằng: sự giác ngộ mãnh liệt và hệ trọng nhất, có thể chính là sự giác ngộ rằng cuộc đời vốn vô nghĩa. Bởi chỉ có như thế, người ta mới biết trân trọng hơn từng khoảnh khắc người ta sống.
Trong giây phút giác ngộ chốn ngục tù, khi lòng gã bỗng dâng trào nỗi phẫn nộ mãnh liệt, Mersault bỗng nghĩ đến người mẹ quá cố và khẳng định “Không ai, không một ai có quyền được khóc cho bà.”
Bởi gã hiểu, người mẹ ấy đã sống trọn cuộc đời bà theo cái cách bà muốn sống. Thế là đủ cho bà, không ai có quyền phán xét, hay thương tiếc cho đời bà. Và có lẽ cuộc đời gã cũng thế, bởi vì gã đã sống đúng với con người mình.
Trong một ghi chép của ông, Camus từng viết “Muốn trở thành một triết gia, hãy viết tiểu thuyết.” Quan điểm ấy được Camus thể hiện trong các sáng tác của mình: ông không đơn thuần kể những câu chuyện, mà gửi gắm trong đó những triết lý hiện sinh.
Và trong Người xa lạ, đó chính là chủ nghĩa phi lý với những câu hỏi đầy thách thức: tại sao con người cứ phải gán ý nghĩa nào đó cho cuộc sống? Tại sao con người cứ phải có đức tin? Đằng nào cũng chết, thì chết bây giờ hay chết hai mươi năm nữa có khác gì?
"Muốn trở thành triết gia hãy viết tiểu thuyết" - Albert Camus. |
Cuốn tiểu thuyết chỉ dày hơn 100 trang nhưng để trả lời những câu hỏi mang tính triết học của Camus, có lẽ ta sẽ cần một cuốn sách có độ dài tương tự.
Xuyên suốt tác phẩm, Camus sử dụng văn phong đơn giản, cô đặc. Ông triệt để tận dụng những câu ngắn, như để thể hiện tính cách đơn giản, thuần chất của Mersault, nhân vật tôi và lối suy nghĩ trực diện, ít cầu kỳ của gã.
Ngay cả những câu văn miêu tả cảnh cũng súc tích, không hề lãng mạn hóa câu chuyện như nhiều tác phẩm văn học thông thường. Nói cách khác, tác phẩm này không dành cho những người tìm kiếm thứ văn phong giàu chất thơ hay nhiều kịch tính.
Giá trị của tác phẩm không nằm ở ngôn từ hoa mỹ, mà là phong cách kể chuyện sắc lạnh và tư tưởng vượt thời đại của Camus. Tác phẩm ra đời năm 1942 chắc chắn sẽ còn khiến nhiều độc giả ngày nay kinh ngạc trước tư duy mới mẻ và hiện đại của văn sĩ Pháp. Bởi thế, Người xa lạ tưởng như đơn giản, ngắn gọn, mà vẫn cho thấy sự dụng công và tính toán đầy khôn khéo.
Nhiều độc giả có thể không đồng tình, thậm chí phẫn nộ trước triết lý về cuộc đời vô nghĩa của Camus hay cái cách ông gần như báng bổ niềm tin tôn giáo của các nhân vật trong truyện (một phong cách giễu nhại và trào phúng rất Pháp!).
Thế nhưng, đồng tình hay phản đối cũng chẳng quá quan trọng. Không phải bất kỳ một tuyên bố triết học nào của Camus, mà chính cái cách ông đặt ra những câu hỏi mới mẻ và khiêu khích để độc giả suy nghĩ, chiêm nghiệm, và tự tìm lấy câu trả lời cho riêng mình, đã làm nên giá trị của Người xa lạ. Tính đột phá ấy đủ để làm nên một trong những kiệt tác văn học đáng đọc nhất thế kỷ 20!