Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cùng Thỏ Lốc phiêu lưu trong thế giới rộng lớn

“Chỉ chu du thiên hạ mới phát hiện ra thế giới”, và cũng chỉ chu du thiên hạ mới biết được mình yêu ngôi nhà của mình đến thế nào.

Đọc những câu chuyện phiêu lưu của chú Thỏ Lốc mới thấy hết cái bao la thâm thúy của truyện cổ tích. Nó không chỉ có chuyện về những nàng công chủa hoàng tử, hay những câu chuyện “ở hiền gặp lành”, chuyện về chú Thỏ Lốc là chuyện khơi gợi và ngẫm nghĩ về trí tuệ của đời sống. Nắm giữ trong mình trí tuệ, sự nhanh nhạy và một tâm hồn rộng mở ham thích khám phá thế giới đã khiến Thỏ Lốc lên đường đi chu du.

Nếu lúc đầu độc giả còn nghi ngờ về cách chọn người thông minh nhất của khu rừng khi chỉ dựa vào yêu cầu là người ít tuổi nhất, và vì thế Thỏ Lốc thắng cuộc. Nhưng sau khi theo bước chân du ngoạn của Thỏ Lốc, chứng kiến cách chú giải quyết những câu chuyện oái oăm trên đường đi, chú đã khiến mọi độc giả tin vào trí thông minh của mình.

Cuốn sách tập hợp mười bảy câu chuyện thú vị của chú Thỏ Lốc trên đường chu du. Chuyện lần đầu tiên chú được gặp gỡ con người, và cách chú thoát khỏi cái bẫy do con người tạo nên. Chuyện chú Thỏ Lốc vừa nhanh trí vừa nhân hậu khi cứu bà lão chủ trại bị con linh cẩu độc ác Bu Ki lừa cướp gia súc...

Mối tương thù giữa Thỏ Lốc và Bu Ki sẽ đem lại rất nhiều tiếng cười cho độc giả, đặc biệt là các em nhỏ, bởi những tình tiết vừa vui nhộn, vừa khôi hài được kể bằng một giọng điệu dân gian vô cùng gần gũi và ngẫu hứng.

Khắp nơi trên thế giới đều có cổ tích, nhưng truyện cổ tích của vùng đất châu Phi khắc nghiệt này có lẽ vẫn còn xa lạ với nhiều bạn đọc Việt Nam. Có lẽ đến với chú Thỏ Lốc, theo chân cuộc phiêu lưu của chú, nhiều độc giả cũng sẽ bỡ ngỡ vì nhiều điều rất khác với truyện cổ tích châu Âu, vốn vô cùng quen thuộc tại Việt Nam.

Tuy nhiên, dường như chính sự mới lạ ấy lại tạo nên niềm háo hức, say mê. Cũng giống như chú Thỏ Lốc lần đầu tiên rời khỏi đồng hoang, lần đầu tiên tung tăng, ngắm nhìn thế giới rộng lớn bên ngoài, người đọc Thỏ Lốc sẽ được tiếp cận gần hơn với miền đất châu Phi, với những câu chuyện, những huyền thoại đa sắc về mảnh đất ấy.

gioi thieu sach Cuoc phieu luu ki la cua Tho Loc anh 1
Tập truyện cổ Tây Phi Cuộc phiêu lưu kỳ lạ của Thỏ Lốc.

Thỏ Lốc không phải là chú thỏ duy nhất trong thế giới truyện cổ tích, nhưng chú là một chú thỏ đến từ Tây Phi, và chú có những nét đặc trưng rất châu Phi, vì thế Lốc là một chú thỏ sẽ khiến bạn bất ngờ.

Cuộc phiêu lưu kỳ lạ của Thỏ Lốc chính là cuốn sách dịch đầu tiên của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên. Trong cuốn sách kỷ niệm ba mươi năm dịch thuật này, Phạm Xuân Nguyên cũng đã chia sẻ với độc giả về cơ duyên gặp gỡ với chú Thỏ Lốc ở miền Tây Phi xa xôi, để từ ấy ông bước vào nghiệp dịch thuật, với những dịch phẩm được đông đảo bạn đọc yêu mến và tin cậy.

Phạm Xuân Nguyên chia sẻ: “Những truyện cổ của các dân tộc lục địa Đen lôi cuốn tôi với các vị thần linh, các tín ngưỡng tập quán, các cây cối sinh vật, trong đó có chú thỏ Lốc thông minh, láu lỉnh”. Và chính vì sự say sưa ấy, đã khiến Phạm Xuân Nguyên tìm kiếm, lựa chọn và xâu chuỗi những câu chuyện cổ tích lẻ tẻ về chú Thỏ Lốc thành một câu chuyện với ý tưởng xuyên suốt là cuộc chu du của Thỏ Lốc. Sự chọn lọc ấy của dịch giả khiến độc giả được tiếp cận với một câu chuyện dài, được đi từng bước chân của Thỏ Lốc, để chứng kiến đủ những chuyện vui tươi, yêu đời.

Chú Thỏ Lốc không chỉ là cái duyên của Phạm Xuân Nguyên ba mươi năm trước, chú còn trở thành một người bạn của những đứa trẻ yêu cổ tích thế hệ ấy.

Ba mươi năm sau, có lẽ không ngờ có duyên được gặp lại. Những đứa trẻ giờ đã trưởng thành, chắc hẳn sẽ bồi hồi nhớ về cuộc phiêu lưu cùng Thỏ Lốc thời bé thơ ấy. Còn với những độc giả nhí hôm nay, vẫn tin rằng, Thỏ Lốc có thể chinh phục các em bằng trí thông minh và sự lạc quan, hồn nhiên, yêu đời của mình. Để các em lại có thêm một người bạn kề bên, một cuốn sách hay, một câu chuyện đẹp, để biết yêu mến thế giới bao la bồng bềnh này.

Sau khi bén duyên với dịch thuật qua cuốn sách này, Phạm Xuân Nguyên đã dịch rất nhiều những tác phẩm văn học nổi tiếng của thế giới, trong đó phải kể đến Sự bất tử (tiểu thuyết, dịch của Milan Kundera, 1999); Chậm rãi (tiểu thuyết, dịch của Milan Kundera, 1999); Bản nguyên (tiểu thuyết, dịch của Milan Kundera, 1999); Ý nghĩ giá bảy triệu (tiểu thuyết, dịch của Edi Edigay, 2001); Truyện cổ Myanmar (2001); Người tình Sputnik (tiểu thuyết, dịch của Haruki Murakami, 2007); Hoàn cảnh hậu hiện đại (triết học, dịch của J-F. Lyotard, 2007); Văn học và cái ác (nghiên cứu, dịch của G. Bataille, 2012).

Đến nay đã ba mươi năm, Phạm Xuân Nguyên vẫn miệt mài với công việc nghiên cứu và dịch thuật của mình, trở thành một dịch giả uy tín và tin cậy đối với độc giả Việt Nam.

10 sự thật thú vị về ông hoàng sách kinh dị thiếu nhi R. L. Stine

Series “Goosebumps” sẽ bước sang tuổi 25 vào năm nay, trong một bài phỏng vấn gần đây, tác giả R. L. Stine đã tiết lộ những thông tin thú vị về quá trình viết sách.

Thủy Nguyệt

Bạn có thể quan tâm