Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đêm nay bão Hagupit đổ bộ

Cơn bão được dự kiến đổ bộ trong đêm 11/12 gây mưa lớn từ Thừa Thiên - Huế đến Ninh Thuận. Các tỉnh Nam Bộ nhiều khả năng xuất hiện dông, lốc xoáy mạnh.

Ảnh mây vệ tinh bão Hagupit lúc 10h sáng 11/12. Ảnh: HKO.
Ảnh mây vệ tinh bão Hagupit lúc 10h sáng 11/12. Ảnh:  HKO.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn cho biết, 8h sáng 11/12, bão Hagupit cách Khánh Hòa - Ninh Thuận khoảng hơn 400 km về phía đông đông bắc, sức gió cấp 8 (60-80 km/h), giật cấp 9-10. Chiều và tối nay, bão di chuyển theo hướng tây chếch nam, tốc độ 20 km/h. 

Đến 19h cùng ngày, tâm bão cách các tỉnh Khánh Hòa - Bình Thuận khoảng 190 km về phía đông, sức gió không đổi.

Cơn bão tiếp tục tiến về bờ biển các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận và dự kiến đổ bộ trong đêm 11/12. Bão sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, rồi vùng áp thấp. Đến 7h sáng 12/12, vùng áp thấp sẽ ở trên khu vực Ninh Thuận - Bình Thuận.

Bão số 5 dự kiến đổ bộ vào đất liền tối mai 11/12. Ảnh: NCHMF.
Bão số Hagupit dự kiến đổ bộ vào đất liền đêm 11/12. Ảnh:  NCHMF.

Vẫn cơ quan khí tượng, ảnh hưởng của hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh mạnh tăng cường, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận và nam Tây Nguyên có mưa vừa tới mưa lớn, riêng Bình Định đến Ninh Thuận có mưa rất lớn. 

Do hướng di chuyển của cơn bão, sau đó là áp thấp và vùng áp thấp gần như song song với ven biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ nên các tỉnh từ Phú Yên đến Bình Thuận từ chiều tối nay gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Các tỉnh Nam Bộ (Bà Rịa-Vũng Tàu đến Bến Tre, Trà Vinh) cần đề phòng dông, lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6-7. Ven biển các tỉnh từ Đà Nẵng - Vũng Tàu sóng biển cao 2-4 m. 

Thừa Thiên Huế - Ninh Thuận mưa diện rộng

Do kết hợp với không khí lạnh mạnh tràn về nên từ 11 đến hết ngày 13/12, đợt mưa diện rộng từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận xuất hiện với tổng lượng khoảng 100-200 mm. Vùng trọng tâm là Quảng Ngãi đến Khánh Hòa với lượng mưa có nơi trên 200 mm. Khu vực nam Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng mưa 50-70 mm. Nam Bộ 30-60mm. Đợt mưa này sẽ gây lũ từ báo động 1-2, có nơi báo động 2-3 trên các sông ở miền Trung. 

Trước đó, trong cuộc họp khẩn cấp tối 10/12 với các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, khi bão đến cách bờ biển Khánh Hòa - Bình Thuận khoảng 100-50 km sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới rồi đổ bộ vào bờ trong tối 11/12, trọng tâm là Bình Thuận. 

Vào bờ áp thấp nhiệt đới suy yếu nhanh thành vùng áp thấp.

Các địa phương cần tiếp tục thông báo cho người dân trên biển, trên bờ và khách du lịch ở các địa phương có khả năng bão ảnh hưởng để chủ động phòng tránh.

Ngoài việc yêu cầu tầu thuyền thoát khỏi vùng nguy hiểm, trước trưa 11/12 các địa phương trong vùng bão ảnh hưởng phải sơ tán những người sống trên lồng bè nuôi thủy sản.

Đồng thời sơ tán người già, phụ nữ, trẻ em ở những hộ dân có nhà yếu, gần biển trước khi bão vào vì sóng biển cao 5 m có thể làm hư hại nhà cửa ven biển. Những hộ còn lại ở khu vực sơ yếu sẵn sàng phương án sơ tán. Các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa phải có biện pháp đối phó với mưa lớn.

Ban chỉ đạo PCLB TW cho biết, đến 7h sáng nay, biên phòng các tỉnh, thành phố tuyến biển từ Đà Nẵng đến Kiên Giang đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm được 47.080 phương tiện và 245.000 người biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh. 

Trong hôm nay 11/12, Bộ trưởng Cao Đức Phát - Trưởng ban PCLBTW trực tiếp đi chỉ đạo công tác ứng phó với bão, mưa lũ tại Khánh Hòa – Ninh Thuận. 

Ngoài ra, 3 đoàn công tác của Bộ NN&PTNT vẫn đang tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai công tác ứng phó với bão, mưa lũ. Cục Lãnh Sự - Bộ Ngoại giao cũng có công điện gửi Đại sứ quán các nước Trung Quốc, Philippines, Malaysia và Văn phòng hợp tác KTVH VN Đài Bắc tại Hà Nội đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho các ngư dân cùng tàu, thuyền của Việt Nam được tránh, trú bão, lên bờ khi cần thiết. 

Bộ Quốc phòng cũng có 2 công điện khẩn chỉ đạo các đơn vị: Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng, Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, các quân khu 4, 5, 7, 9, Quân đoàn 3, 4; triển khai tổng số 270.500 cán bộ cảnh sát và 3.670 phương tiện các loại để hỗ trợ địa phương ứng phó bão, mưa lũ.

Thiên Lam

Bạn có thể quan tâm