Đầu tháng 12 này, Thương nhớ mười hai và Bỉ vỏ - hai tác phẩm nổi tiếng của văn học Việt - tái xuất trong một diện mạo mới. Đây là hai ấn phẩm thuộc tủ sách Văn chương và Mỹ thuật. Tủ sách được thực hiện từ mong muốn đưa đến bạn đọc các ấn phẩm trang nhã, đẹp mắt, không những đáp ứng niềm vui đọc sách mà còn thỏa mãn nhu cầu thưởng thức hội họa.
Theo đó, các danh tác được lựa chọn, thực hiện minh họa mới là sự kết hợp giữa vẻ đẹp của văn chương và hội họa.
Sách Bỉ vỏ và Thương nhớ mười hai. Ảnh: Đ.A. |
Tôn vinh tác phẩm văn chương
Thương nhớ mười hai do Đông A và Nhà xuất bản Văn học sử dụng văn bản từ cuốn Thương nhớ mười hai được in lần đầu năm 1972.
Đơn vị thực hiện đã đặt họa sĩ Duy Hưng minh họa cho 13 chương sách của Vũ Bằng, gồm 12 chương về 12 tháng trong năm và chương cuối - “Tết, hỡi cô mặc cái yếm xanh”. Cuốn sách đầy ắp tình cảm tha thiết, duyên dáng, ý nhị về ẩm thực, thú vui, phong tục miền Bắc trong nỗi nhớ của tác giả.
Thực hiện minh họa cho cuốn sách là Duy Hưng, một họa sĩ trẻ sinh ra và lớn lên ở TP.HCM. Vốn có cha mẹ là người gốc Bắc nên khi vẽ minh họa Thương nhớ mười hai, họa sĩ phần nào cảm nhận được hoài niệm, tình cảm nhớ quê qua trang viết của Vũ Bằng.
“Tôi có thể đồng cảm với tác giả cuốn sách phần nào đó khi bố mẹ, gia đình nội ngoại tôi ở miền Bắc vào. Khi vẽ, tôi tìm hiểu phong vị miền Bắc. Điều tôi muốn thể hiện trong tranh là tình cảm, nỗi nhớ nhung của tác giả”, họa sĩ Duy Hưng nói.
Tranh minh họa được thực hiện dựa trên cảm hứng từ tranh lụa Việt Nam đầu thế kỷ XX của các danh họa như Lê Phổ, Mai Trung Thứ… Họa sĩ Duy Hưng cho biết anh vẽ tranh kỹ thuật số nhưng cố gắng gợi lại không khí của tranh lụa xưa để phù hợp nội dung tác phẩm văn học.
Bỉ vỏ, tiểu thuyết đầu tay của Nguyên Hồng, từng giành giải văn chương của Tự lực Văn đoàn, nhận được sự yêu thích của nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam. Ấn phẩm lần này sử dụng văn bản theo bản in lần đầu năm 1938 của Nhà xuất bản Đời nay, được biên tập, chỉnh lý theo quy tắc chính tả hiện hành.
Hoàng Phượng Vỹ, một họa sĩ thành danh của hội họa Việt hiện nay, đã thực hiện bộ tranh minh họa mới cho Bỉ vỏ. Họa sĩ vốn là con của nhà thơ Hoàng Trung Thông - một người bạn của nhà văn Nguyên Hồng. Thuở nhỏ, họa sĩ được nhiều lần gặp tác giả Bỉ vỏ.
Bởi vậy, khi Hoàng Phượng Vỹ tham gia vẽ tranh cho Bỉ vỏ, ông không chỉ minh họa tác phẩm văn học, mà còn thực hiện bộ tranh từ ký ức, tình cảm trìu mến, trân trọng với một người bạn của cha mình.
Tiểu thuyết Số đỏ qua minh họa của họa sĩ Thành Phong. Ảnh: Hoàng Thu Phố. |
Giới thiệu tinh hoa văn học
PGS.TS Võ Văn Nhơn, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), đánh giá những cuốn như Bỉ vỏ và Thương nhớ mười hai đã nổi tiếng trong văn chương Việt và được in lại nhiều. Ở lần phát hành này, các tác phẩm được làm mới lại, đẹp hơn, góp phần lan tỏa tác phẩm tới nhiều bạn đọc của hôm nay.
Nói về việc tranh được minh họa mới, PGS.TS Võ Văn Nhơn cho rằng sách được làm công phu, mỗi tác giả có một phong cách riêng, phần nào thể hiện được nội dung tác phẩm văn chương.
“Đây là cách để giới thiệu tinh hoa văn học Việt Nam. Tôi nghĩ ngoài những tác giả nổi tiếng như Nguyên Hồng, Vũ Bằng, chúng ta cũng có thể thêm sách của thời kỳ trước, hoặc của các tác giả hiện đại”, PGS.TS Võ Văn Nhơn nói.
Ông Đạt Nhân, biên tập viên Công ty Đông A, cho biết trước đây, công ty ông từng thực hiện những ấn phẩm trong đó đặt một họa sĩ vẽ minh họa mới cho một tác phẩm như Số đỏ của Vũ Trọng Phụng (Thành Phong minh họa), Người kép già của Kim Lân (Thành Chương minh họa).
Tiếp nối những ấn phẩm hay và đẹp đó, Bỉ vỏ và Thương nhớ mười hai được thực hiện, là hai ấn phẩm đầu trong tủ sách Văn chương và Mỹ thuật. Những người thực hiện tủ sách mong muốn tạo ra ấn phẩm có sự kết hợp hài hòa nội dung văn học và tranh minh họa.
Về tiêu chí lựa chọn, tủ sách sẽ in lại các tác phẩm đi vào lòng bạn đọc Việt Nam nhiều thế hệ.
Việc minh họa cho tác phẩm được thực hiện mới hoàn toàn, trong đó tủ sách không dựa vào độ nổi tiếng của họa sĩ mà sẽ mời họa sĩ có phong cách phù hợp nội dung tác phẩm văn chương. Biên tập viên này tiết lộ khâu minh họa chiếm 70% chi phí đầu tư làm sách.
“Chúng tôi mong muốn mỗi ấn phẩm đến tay bạn đọc được trọn vẹn cả về hình thức và nội dung, chạm đến và nâng lên những cảm xúc đẹp nơi bạn đọc đối với nghệ thuật nói chung, văn chương và mỹ thuật Việt Nam nói riêng. Vừa đọc sách, vừa xem tranh minh họa, hy vọng độc giả thêm yêu mến tác phẩm văn học Việt”, ông Đạt Nhân nói.