Dịp Tết dương lịch (1/1/2021) đánh dấu tròn một năm kể từ ngày Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lần đầu đề cập đến bệnh "viêm phổi lạ" bùng phát ở thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, về sau được gọi là dịch Covid-19, theo Guardian.
Đến cuối năm 2020, nhiều loại vaccine ngừa SARS-CoV-2 được phê duyệt và phân phối rộng rãi. Tuy nhiên, cho đến khi giải pháp tiêm chủng phát huy vai trò trong việc đẩy lùi dịch bệnh, người dân khắp thế giới buộc phải tiếp tục chấp hành quy định giãn cách xã hội để đảm bảo an toàn sức khỏe.
Tính đến ngày 31/12, tổng số ca nhiễm Covid-19 ghi nhận trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 82,6 triệu, trong đó có 1,8 triệu trường hợp tử vong, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins.
Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến người dân thế giới phải đón năm mới trong bầu không khí lặng lẽ hơn.
Dân Anh không mở tiệc
Những tuần qua, số ca nhiễm Covid-19 ở Anh tăng vọt vì biến thể mới của SARS-CoV-2. Nước này ghi nhận 50.023 trường hợp mắc mới vào ngày 30/12, trong đó có 981 bệnh nhân tử vong.
Trước tình hình trên, người dân Anh được khuyến cáo về việc không nên tổ chức tiệc mừng năm mới trong đêm 31/12, bởi "Covid-19 chuộng đám đông".
Một tấm bảng kêu gọi người dân hạn chế ra ngoài để ngừa dịch Covid-19 ở Oxford, Anh. Ảnh: Reuters. |
Chính phủ Anh đồng thời ban hành nhiều quy định chặt chẽ hơn về giãn cách xã hội. Giáo sư Stephen Powis, Giám đốc Y tế Quốc gia Anh, nói nếu người dân hạn chế ra ngoài và "chấp hành các nguyên tắc đảm bảo an toàn" trong năm 2021, dịch bệnh sẽ dần hạ nhiệt và giảm bớt áp lực lên hệ thống y tế ở Anh.
"Chúng tôi hiểu rằng vào thời điểm cuối năm, mọi người muốn tổ chức ăn mừng theo truyền thống. Tuy nhiên, việc tuân theo chỉ dẫn của chính phủ và không tụ tập tiệc tùng là một điều cực kỳ quan trọng trong bối cảnh hiện tại", giáo sư Powis phát biểu trong một buổi họp báo.
Giáo sư Stephen Powis, Giám đốc Y tế Quốc gia Anh. Ảnh: Reuters. |
"Ai cũng có thể chung tay vào cuộc chiến chống lại thảm họa Covid-19 bằng cách ở yên trong nhà và mừng năm mới cùng những người thân yêu nhất trong khuôn khổ an toàn", ông Powis nói thêm.
"Hành động như vậy sẽ giúp giảm thiểu số ca nhiễm mới, hạn chế áp lực lên hệ thống bệnh viện và cứu sống các bệnh nhân. Mầm bệnh Covid-19 chuộng đám đông, vì vậy vui lòng đừng tổ chức tiệc mừng cuối năm", vị bác sĩ vận động người dân.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng kêu gọi người dân tuân thủ các quy tắc giãn cách xã hội và "đón năm mới ở nhà một cách an toàn".
Pháp áp lệnh giới nghiêm
Pháp là một trong những quốc gia ở châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 với 2,6 triệu ca nhiễm và hơn 64.000 ca tử vong tính đến ngày 30/12.
Chính phủ Pháp thông báo sẽ triển khai 100.000 cảnh sát và hiến binh vào ngày giao thừa để giữ các bữa tiệc và đám đông mừng năm mới trong tầm kiểm soát.
Cảnh sát và hiến binh Pháp sẽ điều tiết hoạt động đón giao thừa ở các đô thị lớn. Ảnh: Reuters. |
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin cho biết lệnh giới nghiêm sẽ được thực thi từ 20h ngày 31/12 đến 6h ngày 1/1/2021 trên toàn quốc.
Động thái này được cho là một phần của "cuộc chiến chống tụ tập trái phép ở nơi công cộng và tình trạng bạo lực đô thị".
Cảnh sát chủ yếu hoạt động ở các trung tâm thành phố và khu dân cư "nhạy cảm".
Ông Darmanin cũng yêu cầu những người đứng đầu lực lượng cảnh sát ở các địa phương áp đặt lệnh cấm bán đồ uống có cồn và nhiên liệu (xăng, dầu) đựng trong can chứa vì lo ngại có thể xảy ra tình trạng bạo động mất kiểm soát.
Quảng trường Thời đại ở Mỹ vắng bóng người
Tại Mỹ - ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới, không khí đón năm mới được dự đoán sẽ tĩnh mịch.
Sự kiện hạ quả cầu pha lê truyền thống vào phút chuyển giao năm mới tại quảng trường Thời đại ở New York vẫn được tiến hành.
Tuy nhiên, thay vì được chào đón bởi hàng triệu người đổ về mừng năm mới, sự kiện năm nay diễn ra âm thầm hơn, bởi quảng trường Thời đại sẽ đóng cửa với công chúng để hạn chế nguy cơ lây nhiễm.
“Mọi năm, cảnh sát New York phải điều tiết đám đông ở quảng trường Thời đại. Nhưng giờ đây, nhiệm vụ của họ là ngăn đám đông tới", Tom Harris, đại diện của Times Square Alliance - nhóm vận động thúc đẩy phát triển khu vực quanh quảng trường, nói với WABC.
Quả cầu pha lê ở quảng trường Thời đại đang được lắp đặt. Ảnh: AP. |
Những màn trình diễn đón năm mới ở quảng trường vẫn diễn ra. Nhưng khán giả sẽ theo dõi trên truyền hình và qua mạng Internet tại nhà, thay vì tham dự trực tiếp như mọi năm.
Không chỉ ở New York, nhiều nơi khác ở Mỹ cũng thay đổi cách thức đón năm mới, với ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng.
Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, tổng số ca mắc Covid-19 tại Mỹ vượt ngưỡng 19,7 triệu, trong đó có 341.000 trường hợp tử vong.
Tại thành phố Los Angeles, California, nhiều doanh nghiệp bị chỉ trích nặng nề vì quảng bá các sự kiện tụ tập đón năm mới trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành.
Nhà hàng La Scala ở khu đô thị cao cấp Beverly Hills phát thiệp mời nhằm quảng bá bữa tiệc dự kiến diễn ra vào đêm 31/12 với thông điệp: "Hãy giữ kín điều này, nhưng cứ kể cho toàn bộ bạn bè của bạn nhé".
Thông báo của nhà hàng La Scala nhấn mạnh quan khách sẽ họp mặt và dùng bữa trực tiếp tại nhà hàng.
Sau khi hình ảnh chụp tấm thiệp nói trên được lan truyền rộng rãi trong ngày Giáng sinh, ban quản lý Beverly Hills cho biết đã nhắc nhở nhà hàng về lệnh cấm tụ tập ăn uống đông người.
"Đêm giao thừa yên tĩnh nhất ở Đức"
Chính phủ Đức đang phong tỏa một số điểm nóng của dịch Covid-19 trong lãnh thổ nước này, đồng thời duy trì quy định cách ly xã hội trên diện rộng.
Với gần 1,7 triệu ca nhiễm và hơn 32.000 trường hợp tử vong vì Covid-19 tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel nhận định 2020 là năm khó khăn nhất trong 15 năm bà đảm nhận vai trò lãnh đạo đất nước.
Nhưng thủ tướng Đức cũng cho rằng chiến dịch triển khai vaccine Covid-19 gần đây mở ra cơ hội biến 2021 thành một năm tràn đầy hy vọng.
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn bày tỏ hy vọng người dân nước này sẽ đón một "đêm giao thừa yên tĩnh nhất" trong ký ức đời mình.