Tôi là bác sĩ Ngô Tiến Việt, công tác tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi. Tôi đang phụ trách hỗ trợ y tế tại Khu cách ly khu C - trường Quân sự TP.HCM. |
Sáng 30 Tết, công việc của tôi vẫn vậy. Từ 7h, tôi bắt đầu kiểm tra, nhập thông tin đầy đủ về người cách ly. Trong khi đó, 2 đồng nghiệp của tôi đi đo nhiệt độ buổi sáng cho người cách ly. Là bác sĩ duy nhất trong tua, tôi thường ngồi ở khu hành chính để theo dõi thông tin sức khỏe bệnh nhân và nhập bản điện tử. |
Ngày tết, gia đình gửi đồ cho người trong khu cách ly khá nhiều. Hôm nay, tôi thay các anh ra cổng nhận đồ, tôi gọi cho người cách ly và đặt đồ trước sân để họ tự đến nhận. |
Trong chiều cuối cùng của năm, tôi làm giấc xác nhận hoàn thành cách ly cho 3 sinh viên Đại học Thủ Dầu Một, là F1 của bệnh nhân 1843 (18 tuổi) ở Bình Dương. Đây là nhóm cách ly cuối cùng được trở về nhà hôm 30 Tết. Nhìn các em hớn hở, chính tôi cũng thấy ấm lòng vì có thể giúp nhiều gia đình sum vầy trong năm mới. |
Gần 17h, tôi cùng điều dưỡng Tâm thay trang phục bảo hộ, vào khu cách ly đo nhiệt độ cho mọi người. |
Mỗi người chúng tôi công tác tại một đơn vị y tế khác nhau. Tôi nhỏ tuổi nhất trong các anh cùng tua trực nên được các anh bảo ban, giúp đỡ nhiều khi tiếp nhận công việc. |
Vì số lượng người cách ly lớn, chúng tôi chia nhau mỗi người giám sát một khu. Tôi sẽ đến dãy C, nơi chủ yếu là trường hợp F1, có tiếp xúc với ca dương tính nCoV là nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất. |
Chúng tôi quản lý khu cách ly khoảng 123 người thuộc nhóm F1. Họ là những người tiếp xúc trực tiếp với ca dương tính xác định. Đây là điều khiến anh em y tế chúng tôi không thể chủ quan vì nguy cơ mắc bệnh cao hơn bao giờ hết. |
Đa số người mới vào khu cách ly có tâm lý rất hoang mang. Do đó, ngoài công tác đảm bảo y tế, đo nhiệt độ, theo dõi sức khỏe, chúng tôi phải thường xuyên trò chuyện, giải đáp thắc mắc, giúp họ có tâm lý thoải mái hơn. |
Đây là phòng cách ly khiến tôi xúc động khi lần đầu tiên đo nhiệt độ. Họ vô tình trở thành F1 của bệnh nhân dương tính, thế là 3 người mẹ cùng 3 đứa trẻ vào cùng một phòng cách ly. Do các trường hợp này chưa đủ thời gian cách ly nên phải ở đến sau Tết Nguyên đán. Tôi động viên họ cố gắng vượt qua nỗi buồn. |
Tôi mới tốt nghiệp đại học và công tác tại đơn vị mới khoảng 2 tháng. Tôi vẫn đang làm quen dần với mọi thứ thì được phân về trực y tế tại khu cách ly. Dù không quá nặng về chuyên môn nhưng tôi vẫn thấy hồi hộp. |
Bữa cơm tối trong ngày 30 Tết của chúng tôi cũng không có gì đặc biệt, vẫn là những phần cơm hàng ngày được đơn vị cung cấp. Chúng tôi thường dành thời gian trong bữa cơm để kể cho nhau nghe về những tình huống, hoàn cảnh đặc biệt để hiểu rõ hơn về những người trong khu cách ly. |
Đây là chiếc điện thoại có số hotline của đội ngũ y tế phụ trách khu cách ly. Có nhiều người nhắn tin đến hỏi kết quả xét nghiệm, hoặc yêu cầu hỗ trợ những tình huống khó khăn. Vì vậy, chúng tôi phải chia ca, thay nhau cầm chiếc điện thoại "đặc biệt" này. |
Gần đến giây phút giao thừa, mặc dù đã biết trước được cảnh xa gia đình nhưng tôi vẫn vẫn hơi hồi hộp một chút. Tôi tranh thủ gọi điện mẹ, xem mâm cúng giao thừa năm nay có khác gì những năm trước. |
Thời khắc giao thừa cũng đã điểm, tôi ra thắp nhang tại mâm cúng đơn sơ trước sảnh, một thủ tục phải có của ngày Tết. |
Là một bác sĩ trẻ, tôi thấy mình chưa đóng góp được quá nhiều so với những người anh như bác sĩ Phong, điều dưỡng Mẫn, điều dưỡng Tâm. Tại nơi cách ly tập trung Covid-19, tôi không mong gì hơn ngoài việc dịch bệnh sẽ được kiểm soát sớm nhất. |